Bất động sản

Giao thông tuần qua: Hàng không Việt đón diễn biến mới từ 2 'tân binh'

(VNF) - Với việc Tập đoàn Sun Group công bố chính thức ra mắt hãng hàng không Sun Air và hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo được Cục Hàng không duyệt hồ sơ sẽ hứa hẹn tạo ra cuộc đua mới trên thị trường hàng không Việt Nam.

Giao thông tuần qua: Hàng không Việt đón diễn biến mới từ 2 'tân binh'

Hàng không Việt Nam sắp đón chào 2 'tân binh'. (Ảnh minh họa)

Cần Thơ đề xuất làm 2 dự án giao thông trên 2.700 tỷ

UBND TP. Cần Thơ mới đây đã có báo cáo đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn ODA dự án phát triển bền vững TP. Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, dự án có 2 hợp phần chính gồm: hợp phần nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) giai đoạn 2 (đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ) và hợp phần đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ).

Nhà tài trợ và đồng tài trợ nước ngoài dự kiến hỗ trợ thực hiện dự án gồm có: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

Theo UBND TP. Cần Thơ, sau khi dự án hoàn thành, tuyến đường sẽ là động lực liên kết, thúc đẩy sự phát triển các khu đô thị, dân cư hiện tại, đặc biệt là sẽ tăng khả năng kết nối thuận tiện giữa TP. Cần Thơ với TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang và huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, thúc đẩy phát triển TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Kiên Giang.

Dự án có tổng mức vốn đầu tư dự kiến là 2.728 tỷ đồng. Dự kiến cơ cấu nguồn vốn gồm nguồn vốn nước ngoài là 1.868,670 tỷ đồng (100% vốn xây lắp), trong đó: vốn ngân sách trung ương cấp phát là 1.681,800 tỷ đồng, địa phương vay lại 186,870 tỷ đồng; vốn trong nước là 860,050 tỷ đồng.

Về cơ chế tài chính trong nước, TP. Cần Thơ sẽ thỏa thuận vay lại với Bộ Tài chính đối với nguồn vốn cho vay lại của dự án (10% vốn vay của WB tương đương với 113,52 tỷ đồng) với tổng thời gian vay 20 năm, trong đó 4 năm ân hạn.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2026. Dự kiến tiến độ giải ngân trong năm 2022 là bố trí 720 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế bảng vẽ thi công, giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng một phần khối lượng. (Xem thêm)

Sun Group ra mắt hãng hàng không Sun Air

Tập đoàn Sun Group vừa công bố chính thức ra mắt hãng hàng không Sun Air. Theo giới thiệu, đây sẽ là "một hãng hàng không "private jet" uy tín, hiện đại, đẳng cấp quốc tế, lấy “an toàn – đẳng cấp – khác biệt” làm giá trị cốt lõi".

Tại Việt Nam, Sun Air là hãng hàng không chung phân khúc hạng sang đầu tiên, cung cấp các dịch vụ bay đẳng cấp được cá nhân và chuyên biệt hóa, với hai loại hình: dịch vụ quản lý tàu bay tư nhân và dịch vụ bay thuê chuyến, bay tham quan ngắm cảnh, du lịch bằng trực thăng và thủy phi cơ. 

Hướng tới nhóm khách hàng thượng lưu có khả năng chi trả cao và luôn đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe nhất, bao gồm các doanh nhân, giới tài phiệt, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đi giao dịch công tác, khảo sát dự án, chữa bệnh, tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng xa xỉ.

Hãng hàng không của Sun Group cũng đặt mục tiêu trở thành hãng bay "private jet" cung cấp chuyên cơ toàn cầu, sử dụng các loại tàu bay tốc độ nhất thế giới nhằm hướng đến vị trí dẫn đầu trong cuộc đua tốc độ trên không, rút ngắn tối đa thời gian mỗi chặng bay.

Theo lộ trình, từ quý III/2022, Sun Air sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER. Giai đoạn 2023-2025, Sun Air dự kiến đưa vào vận hành 4 máy bay Gulfstream G650ER, 1 máy bay Gulfstream G700, 1 trực thăng và 2 thuỷ phi cơ.

Trong tương lai, hãng hàng không của Sun Group dự kiến sẽ khai thác thêm các máy bay thuộc đẳng cấp cao nhất trong dòng máy bay phản lực thương gia, vốn được ví như những “cung điện bay”. Đó là các dòng máy bay siêu lớn (ultra-large) và siêu xa (ultra-long range) như Boeing BBJ và Airbus ACJ.

Đối với dịch vụ cung cấp trực thăng và thủy phi cơ phục vụ du lịch, tham quan, ngắm cảnh, Sun Air cho biết hãng đang làm việc với các thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới hiện nay như hãng trực thăng Agusta, Airbus, Sikorsky hay hãng thuỷ phi cơ De Havilland Canada, hãng sản xuất máy bay Cessna thuộc Tập đoàn Textron Hoa Kỳ, nhằm cung cấp những trải nghiệm bay an toàn cao và hoàn toàn khác biệt tới khách hàng. (Xem thêm)

Hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn 'qua ải' Cục Hàng không

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty Cổ phần IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam cho biết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của IPP Air Cargo đầy đủ và phù hợp theo các quy định của Chính phủ.

Theo đó, hồ sơ của IPP Air Cargo đã có đủ đề án hoạt động, phương án tăng vốn bù đắp thiếu hụt trong 3 năm đầu hoạt động do ghi nhận lợi nhuận âm, hồ sơ chứng minh IPP Air Cargo có 100% vốn Việt Nam, hợp đồng nguyên tắc, thoả thuận về việc thuê tàu bay…

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét kết quả thẩm định hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc cấp giấy phép cho IPP Air Cargo, với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa hàng không. (Xem thêm)

Khởi công cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn hơn 2.000 tỷ trong năm 2022

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên trả lời kiến nghị cử tri một số nội dung liên quan đến dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng.

Theo đó, cử tri đề nghị quan tâm tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc như đoạn qua địa phận TP. Hà Nội; kêu gọi nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia giai đoạn 2021 - 2030. 

Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng được đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, trong đó đoạn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có quy mô 6 làn xe, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) có quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030; riêng đoạn Bắc Kạn - Cao Bằng được quy hoạch với quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. 

Hiện nay, đoạn tuyến Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới đã được đầu tư hoàn thành và đang khai thác sử dụng bình thường; riêng đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai xây dựng và dự kiến sẽ khởi công trong năm 2022 và hoàn thành trong năm 2025. 

Do khó khăn trong cân đối nguồn lực, Bộ GTVT cho biết chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên) đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc. (Xem thêm)

Động thổ sân bay Sa Pa gần 7.000 tỷ đồng

Ngày 3/3, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức lễ động thổ dự án cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.

Trước đó, vào tháng 10/2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo đó, dự án cảng hàng không Sa Pa sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021, xây dựng cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế -ICAO) và sân bay quân sự cấp II, đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ được thực hiện sau năm 2028, hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 3 triệu hành khách/năm đảm bảo phù hợp với quy hoạch.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, với diện tích sử dụng đất khoảng 371ha. Thời gian thực hiện và vận hành dự án là 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến là 4 năm; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm). 

Tổng mức đầu tư của dự án là gần 7.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 gần 4.200 tỷ đồng, giai đoạn 2 gần 2.800 tỷ đồng. Vốn nhà nước tham gia dự án là 2.730 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 4.218 tỷ đồng. (Xem thêm)

5 dự án giao thông trọng điểm: 'Qua sông xây cầu, qua núi đào hầm, không bám quốc lộ'

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án đường bộ cao tốc trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Các dự án này gồm: đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, đường vành đai 3 TP. HCM, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Tổng chiều dài ước tính của 5 dự án là hơn 500km.

Về nguồn vốn cho các dự án, ngoài nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí và nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã dự kiến bố trí cho 3 dự án, ưu tiên bố trí từ nguồn vốn trong nước nguồn ngân sách trung ương chưa báo cáo cấp có thẩm quyền về danh mục dự án cụ thể theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Việc bố trí vốn cho các dự án trên nguyên tắc ngân sách trung ương 50%, ngân sách địa phương 50%. Riêng các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An thuộc dự án đường vành đai 3 TP. HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. HCM và UBND tỉnh Long An cân nhắc thêm tỷ lệ vốn trung ương hỗ trợ 50% hay 75% đối với đoạn tuyến đi qua tỉnh Long An.

Thủ tướng giao Bộ GTVT đánh giá kỹ tác động của các dự án này đối với các dự án đã triển khai trong khu vực, bảo đảm ổn định chính sách, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu kỹ hướng tuyến, phấn đấu thẳng nhất có thể trên nguyên tắc qua sông xây cầu, qua núi đào hầm, qua đồng ruộng thì lấp đất, lấp cát, không bám sát đường quốc lộ để tạo không gian phát triển mới; quy mô phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn đường cao tốc với ít nhất 4 làn xe và vận tốc ít nhất 80km/giờ. (Xem thêm)

Tin mới lên