Bất động sản

Giao thông tuần qua: Xử lý bất cập BOT, ngăn chặn bán thầu cao tốc Bắc - Nam

(VNF) - Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung là nhà đầu tư đề xuất dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc; Bộ GTVT hoàn tất việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu các gói thầu xây lắp tại 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Xử lý bất cập BOT, ngăn chặn bán thầu cao tốc Bắc - Nam

Liên danh Đèo Cả - Hưng Thịnh - Nam Miền Trung muốn làm cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. (Ảnh minh họa)

Chính phủ yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ xử lý các dự án BOT

Theo Nghị quyết 143 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, bảo đảm khởi công dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, khởi công dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tháng 12/2022.

Bộ GTVT cũng được giao hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án thành phần đi qua địa bàn các địa phương do UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT tập trung hoàn chỉnh hồ sơ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; chủ động làm việc với các cơ quan của Quốc hội để báo cáo giải trình, làm rõ các nội dung liên quan.

Bộ GTVT cũng có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan liên quan và UBND TP. HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng thực hiện dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phó thủ tướng Lê Văn Thành được giao chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này trong tháng 11/2022. (Xem thêm)

"Tuyệt đối không để xảy ra bán thầu cao tốc Bắc - Nam"

Đây là một trong những chỉ đạo đáng chú ý của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao sự cố gắng của các đơn vị trong công tác khảo sát, thiết kế dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Đến nay, hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã hoàn thành trên 70%. Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã hoàn thành thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật trên 40%.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Ban quản lý dự án tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán đối với 12 gói thầu (dự kiến khởi công) trước ngày 15/11 để đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trước khi ký hợp đồng xây lắp. Đồng thời chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục tiếp theo để triển khai thi công vào cuối năm 2022.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu trước ngày 20/11. 

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư/Ban quản lý dự án kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà thầu để chọn được nhà thầu mạnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bán thầu. Giám đốc các Ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng nếu để xảy ra tình trạng bán thầu và các vấn đề tiêu cực trong lựa chọn nhà thầu. (Xem thêm)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ xây đường sắt tốc độ cao 180-225km/h

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về phương án nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá phương án 2 do Bộ GTVT đề xuất là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180-225km/h cơ bản phù hợp với dải tốc độ khai thác được đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kiến nghị và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ cũng như có đủ thông số, dữ liệu làm sáng tỏ tính khả thi dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kết quả đánh giá của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện.

Về tổng mức đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở xác định và chuẩn xác lại cho phù hợp. Nguồn vốn đầu tư sẽ được huy động từ đấu giá đất tại các khu đô thị xung quanh nhà ga, vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân.

Về mô hình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị triển khai theo hình thức PPP. Trong đó, đối tác công (Công ty Đầu tư và Quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao) sẽ huy động vốn đầu tư công và quản lý xây dựng hạ tầng; bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; điều hành vận tải trên toàn hệ thống. Đối tác tư (Công ty Đầu tư và Quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao) có trách nhiệm huy động vốn đầu tư phương tiện vận tải và các nhà ga cao tầng. (Xem thêm)

Đèo Cả - Hưng Thịnh - Nam Miền Trung muốn làm cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) – Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công. - tư (PPP).

Theo tờ trình của UBND tỉnh Lâm Đồng, nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện liên danh nhà đầu tư.

Chiều dài toàn tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là khoảng 66km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11km (đi qua huyện Tân Phú); đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 55km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc).

Điểm đầu của dự án trùng với điểm cuối của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối dự án giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. 

Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án theo tờ trình là khoảng 455ha (tỉnh Đồng Nai khoảng 81ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374ha). Phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh với nền đường rộng 22m.

Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 186,21ha (rừng tự nhiên 126,37ha, rừng trồng 59,85ha); trong đó tỉnh Lâm Đồng là 144,78ha (rừng tự nhiên 123,29ha, rừng trồng 21,49ha), tỉnh Đồng Nai là 41,43ha (rừng tự nhiên 3,08ha, rừng trồng 38,36ha).

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án (giai đoạn phân kỳ) là 17.200 tỷ đồng gồm phần vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); phần vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng; vốn huy động khác là 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động hợp pháp. (Xem thêm)

Gói thầu gần 8.000 tỷ tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 lộ diện

Bộ GTVT vừa hoàn tất việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu các gói thầu xây lắp tại 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, trong số gần 20 gói thầu xây lắp tại 12 dự án thành phần, gói thầu xây lắp (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) tại dự án Cần Thơ – Hậu Giang là gói thầu xây lắp có giá trị lớn nhất (7.966 tỷ đồng). Đây cũng là gói thầu xây lắp duy nhất tại dự án này.

Gói thầu thi công xây dựng công trình (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) tại dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi cũng có giá trị hơn 6.045 tỷ đồng. Dự án này cũng chỉ có duy nhất 1 gói thầu xây lắp.

Dự án Hàm Nghi - Vũng Áng được chia làm 2 gói thầu xây lắp, với trị giá lần lượt là 4.456,167 tỷ đồng và 3.304,44 tỷ đồng; dự án Vũng Áng – Bùng cũng được chia làm 2 gói thầu xây lắp, với trị giá 5.300 tỷ đồng và 5.400 tỷ đồng.

Dự án Bùng – Vạn Ninh được làm 2 gói thầu xây lắp với trị trị giá 3.939 tỷ đồng và 3.501 tỷ đồng; dự án Vạn Ninh - Cam Lộ được chia làm 2 gói thầu xây lắp trị giá 3.361 tỷ đồng và 3.480 tỷ đồng.

Dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn thì được chia làm 3 gói thầu xây lắp với trị giá lần lượt là 3.800 tỷ đồng, 4.500 tỷ đồng và 6.400 tỷ đồng; dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn được chia làm 2 gói thầu xây lắp trị giá 3.027 tỷ đồng và 6.140 tỷ đồng.

Dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh được chia làm 3 gói thầu xây lắp với trị giá 3.690 tỷ đồng, 3.055 tỷ đồng và 6.241 tỷ đồng; dự án Chí Thạnh - Vân Phong được chia làm 2 gói thầu xây lắp với trị giá 4.393 tỷ đồng và 4.440 tỷ đồng.

Dự án Vân Phong - Nha Trang được chia làm 2 gói thầu xây lắp với trị giá lần lượt là 5.365 tỷ đồng và 3.549 tỷ đồng; dự án Hậu Giang – Cà Mau được chia làm 3 gói thầu xây lắp, với trị giá 7.256 tỷ đồng. 3.835 tỷ đồng và 3.334 tỷ đồng. (Xem thêm)

Tin mới lên