Thị trường

Gỡ rối thị trường xăng dầu

(VNF) - Thị trường xăng dầu đang bộc lộ khá nhiều bất cập, trong khi việc chậm sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu được cho là sẽ khiến thị trường thêm bị động, lúng túng.

Gỡ rối thị trường xăng dầu

Bán lẻ bị chèn ép, thị trường rối loạn

Cách đây ít ngày, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có giấy ủy quyền để ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đại diện, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình kinh doanh và kiến nghị liên quan đến nghị định kinh doanh xăng dầu.

Theo phản ánh, hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề. Nguyên nhân chính xuất phát từ những bất cập của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Thông tư 104/2021/TT-BTC. Trong đó, quy định tại các chính sách không ghi rõ tỷ lệ phân chia các khoản chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức dẫn đến doanh nghiệp đầu mối đã gom hết khi lỗ và khi lời thì bù lỗ các khoản lỗ của kỳ trước chưa bù lỗ hết, thậm chí là bù lỗ cho các khoản lỗ do đầu tư kinh doanh ngoài ngành.

Nghị định 95/2021/NĐ-CP cũng không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chi phí định mức, không quy định chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ để duy trì chi phí tối thiểu hoạt động xuyên suốt. Vì vậy, chiết khấu có thời điểm rất lâu duy trì ở mức tiệm cận 0 đồng hoặc âm, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ kéo dài, phải cầm cố, bán tài sản để bù lỗ.

Dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu đã có một số điểm mới, như cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn, điều chỉnh thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống 7 ngày, doanh nghiệp được chủ động quyết về giá bán… Tuy nhiên, đến nay, đã hết quý II/2023, nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành, bất chấp những chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là phải khẩn trương hoàn thiện dự thảo theo hướng “bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả” trình Chính phủ ban hành…

Việc này dẫn đến các doanh nghiệp bán lẻ vẫn tiếp tục nhận mức chiết khấu “ban phát” từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối thông qua sự quyết định của thương nhân đầu mối, tiếp tục chuỗi ngày kinh doanh thua lỗ đã kéo dài suốt hơn một năm qua.

Đến nay, dù đã quá hạn trả lời theo quy định hiện hành, nhưng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn không có phản hồi cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về việc xem xét hoàn trả chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái ngày 17/4/2023.

“Đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị được gặp và đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ. Mục đích là được trực tiếp báo cáo với Thủ tướng về tình hình khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu và kiến nghị về các nội dung cần thiết phải sửa trong nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu; đồng thời mong Thủ tướng sớm ban hành nghị định để giúp cho ngành xăng dầu bước sang trang mới ổn định, hiệu quả, công bằng, bảo đảm ổn định an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng”, TS Giang Chấn Tây chia sẻ.

Xuất hiện các nhóm lợi ích duy trì vị thế thị trường

Ngoài câu chuyện nêu trên, thị trường xăng dầu còn tồn tại những vấn đề trọng tâm khác. Trong nghiên cứu về “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình”, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam(VESS) phân tích: Một loạt các quy định tại Nghị định 95 và Nghị định 83 đã và đang gián tiếp gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và các bên liên quan tham gia thị trường, thậm chí xuất hiện các nhóm lợi ích muốn duy trì vị thế thị trường.

Theo VESS, chính những quy định mang tính kiểm soát chặt chẽ trong chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ tạo thành hiện tượng độc quyền bán, qua đó duy trì sức mạnh vốn có của các doanh nghiệp; nhiều điều kiện hoạt động khắt khe (như quy định khoảng cách tối thiểu giữa các cây xăng) cản trở các doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia thị trường kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu.

Đặc biệt, các thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu hiện nay theo tỷ lệ không những khiến giá xăng dầu cao, mà còn khuếch đại tính bất ổn của giá xăng dầu. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định thị trường xăng dầu chưa ổn định khi chưa coi trọng dự trữ; điều hành xăng dầu bằng bao cấp, cho tăng giá hay giảm giá cũng phụ thuộc vào bên trên duyệt và theo chu kỳ, vì vậy không kịp thời; bình ổn bằng tiền nên hiệu quả thấp, khi giá tăng cao quá, trích nhiều quỹ bình ổn bị âm. Việc chậm sửa đổi các quy định về kinh doanh xăng dầu đang khiến thị trường xăng dầu bất ổn.

“Ngay cả trường hợp đứt gãy cục bộ tại Côn Đảo vừa qua, nếu cho thị trường tự điều chỉnh, tự hạch toán thì đã có nguồn hàng chủ động hoặc thay thế rất sớm khi tàu chở dầu kia bị trục trặc, chậm đăng kiểm. Ngoài ra, thị trường xăng dầu đang trao quyền cho doanh nghiệp đầu mối quá lớn, họ được cấp quyền nhập khẩu lẫn phân phối, định cả mức lời lãi cho doanh nghiệp bán lẻ, thống lĩnh thị trường và có dấu hiệu ép doanh nghiệp bán lẻ nhỏ lẻ. Vấn đề này đã và đang gây bức xúc cho bán lẻ. Yếu tố bất ổn, thiếu công bằng, thiếu minh bạch cũng nằm ở đây”, ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, Chính phủ chậm sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu ngày nào, thị trường xăng dầu bị động, lúng túng và lợi ích lại tập trung vào nhóm phân phối lớn, đầu mối lớn ngày ấy.

Hài hòa lợi ích, cạnh tranh công bằng

Đã có khá nhiều ý kiến đóng góp đối với dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu. Như của VCCI, tổ chức này cho rằng có rất nhiều quy định quản lý trong lĩnh vực xăng dầu đang làm giảm tính cạnh tranh của thị trường. Chẳng hạn, điều kiện đầu tư kinh doanh và gia nhập thị trường quá cao khiến các doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường lo lắng về khả năng thu hồi vốn dẫn đến các doanh nghiệp đang tồn tại không có nhiều động lực cải tiến nâng cấp dịch vụ để thu hút người dùng. Còn với các doanh nghiệp đang mong muốn gia nhập thị trường thì điều kiện cao sẽ khiến doanh nghiệp khó đáp ứng được, lỡ cơ hội kinh doanh.

Theo đại diện nhóm thương nhân phân phối xăng dầu Việt Nam, thương nhân phân phối cũng là nhà đầu tư, là kênh phân phối xăng dầu, liên kết với nhau tạo nên sự cạnh tranh làm phát triển thị trường, không phải chỉ là khâu “trung gian” nhưng nhiều quy định làm hạn chế hoạt động của thương nhân. Chẳng hạn, Bộ Công Thương đưa ra phương án hạn chế quyền mua bán của đội ngũ thương nhân phân phối, “siết” việc mua chỉ từ 3 đầu mối. Theo các thương nhân phân phối, điều này sẽ gây thiếu hụt nguồn cung khi khâu phân phối không mua hàng linh hoạt được và làm cho tính độc quyền của thị trường tăng lên. Hơn nữa, quy định này cũng làm mất đi tính cạnh tranh công bằng và bình đẳng vì nếu 3 đầu mối không bảo đảm được nguồn hàng hóa thì hệ thống đại lý sẽ đứt gãy.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đề nghị có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như thương nhân đầu mối để đảm bảo sự công bằng của pháp luật và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư mà doanh nghiệp đã bỏ ra đầu tư xây dựng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu như quy định.

Có thể thấy, các doanh nghiệp dù ở lĩnh vực nào cũng mong muốn được kinh doanh trong một môi trường công bằng, minh bạch. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cơ quan quản lý cần rà soát điều kiện kinh doanh, bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh và chỉ giữ lại các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn. Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng nêu quan điểm, thể chế cần phải tạo động lực cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh lành mạnh, nên cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi tư duy, không chỉ “cơi nới” trong nghị định hiện hành.
 

Tin mới lên