Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Cơn lũ bán tháo đến từ đâu?

(VNF) - Thị trường rơi như một viên sỏi trong phiên đầu tuần dễ bị cho là tác động quá xấu từ thông tin dịch Covid-19 lan rộng ra Hàn Quốc, Nhật và một số nước khác trong dịp cuối tuần. Tuy vậy, đó chỉ là cú hích làm mạnh thêm xu hướng giảm.

Góc nhìn chứng khoán: Cơn lũ bán tháo đến từ đâu?

Diễn biến của chỉ số VN-Index trên khung thời gian 1 giờ cho thấy có sự tương đồng trong phản ứng của nhà đầu tư hôm nay với thời điểm 30-31/1/2020.

Nguyên nhân chính vẫn là thị trường khi không vượt qua được vùng kháng cự 940 điểm thì có nguy cơ điều chỉnh kiểm tra đáy cũ rất cao. Nếu tình hình dịch bệnh bình thường, thị trường có thể giảm từ từ, nhưng khi sự sợ hãi được cộng thêm thì tốc độ sẽ nhanh hơn, do các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm đột biến.

Rõ nhất hôm nay là xu hướng điều chỉnh ở cổ phiếu ngân hàng gia tăng chóng mặt. Nhóm này vốn đã điều chỉnh từ trước sau khi tăng quá dài và tăng lần lượt ở hầu hết các mã cùng ngành. Cuối tuần trước hầu hết các mã ngân hàng đã rơi vào trạng thái nguy hiểm khi rời đỉnh cao và chỉ còn duy nhất VPB vẫn đang trong đà tăng. Hôm nay tất cả đã đi cùng một hướng và tác động của nhóm này là lớn nhất.

10 cổ phiếu ngân hàng trên sàn HSX đã bốc hơi tổng cộng khoảng 40.880 tỷ đồng vốn hóa, trong đó BID sụt giảm kinh khủng 6,46% làm bốc hơi gần 13.000 tỷ đồng vốn hóa. Cũng phải nhắc lại là TCB và VPB giảm sàn hết biên độ cho phép, tức là giảm mạnh hơn BID, nhưng tác động lại chưa bằng cổ phiếu này. Không có gì khó hiểu, vốn hóa của BID lớn gấp đôi TCB và gần gấp ba VPB.

Thanh khoản khổng lồ của thị trường hôm nay cũng có dấu vết của nhóm ngân hàng: 8 cổ phiếu ngân hàng giao dịch lớn nhất hai sàn là CTG, MBB, VPB, ACB, TCB, STB, VCB và BID đã chiếm tới 30% giao dịch thị trường.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn được xem là mối họa lơ lửng của thị trường vì xu thế tăng quá mạnh thời gian qua mà mức điều chỉnh chưa nhiều. Từ chỗ là nhóm cổ phiếu nặng nề nhất, thiên về yếu tố cơ bản nhất, ngân hàng đã trở thành các mã đầu cơ thật sự. Bất kể là triển vọng kinh doanh có tốt đến đâu, thông tin hỗ trợ như thế nào cũng không thể giải thích được mức tăng trưởng giá hàng chục phần trăm chỉ trong vài tháng, như VPB kể từ đầu 2020 đã tăng hơn 44%, CTG tăng hơn 33% hay TCB trong 10 phiên kể từ đáy ngày 3/2 tăng hơn 18,4%...

Phần còn lại là tác động của những cổ phiếu lớn tuy tăng không nhiều, nhưng điều chỉnh chưa kết thúc. Đó là VIC, VHM, VRE, VNM, GAS hay SAB. Mức giảm hôm nay của các cổ phiếu này cũng mạnh, nhưng không phải là rơi từ đỉnh cao như cổ phiếu ngân hàng, mà đơn giản chỉ là quay lại vùng đáy cũ.

Nếu như chỉ có riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh thì VN-Index cũng khó có thể giảm tới trên 3% như hôm nay. Phần lớn các cổ phiếu lớn giảm dưới ngưỡng của VN-Index, như GAS giảm 1,76%, SAB giảm 1,44%, VNM giảm 1,94%. Chỉ có nhóm VIC, VHM, VRE giảm đồng loạt trên 2% tới 4%. 3 cổ phiếu này cũng bốc hơi đâu đó hơn 19.000 tỷ đồng vốn hóa.

Phần còn lại, nhỏ hơn, là ảnh hưởng tâm lý lan ra toàn thị trường. Gần như tất cả các cổ phiếu, từ lớn tới nhỏ, từ cơ bản tới đầu cơ đều giảm theo xu thế thị trường chung. Hơn 440 cổ phiếu giảm giá trên cả hai sàn hôm nay là số lượng kỷ lục, thậm chí vượt qua cả phiên ngày 30-31/1 vừa rồi dù VN-Index hôm đó giảm nhiều hơn. Đó là chưa kể xấp xỉ 290 cổ phiếu đã giảm trên 2% chỉ trong một ngày.

Rõ ràng là thị trường đã có những biểu hiện hốt hoảng trong ngày hôm nay. Tâm lý đã lặp lại các phiên đầu năm, phản ứng mạnh hơn với các thông tin xấu. Nếu như những cú rơi như ngày 30-31/1 có thể nhà đầu tư còn ngơ ngác không rõ vì sao, không rõ tác động của Covid-19 như thế nào thì đến giờ, bức tranh đã khá đầy đủ. Việt Nam có mối quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch, học tập và lao động rất lớn với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Dịch bệnh ảnh hưởng tới các thị trường trọng điểm như vậy nghĩa là khó khăn sẽ gia tăng gấp bội.

Nếu như những phiên đầu tháng 2, nhà đầu tư có thể đánh giá thấp các tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì lúc này những số liệu, thông tin và ước đoán có thể rõ ràng hơn. Về tính chất, thị trường có thể đang giao dịch giống như các phiên cuối tháng 1, đầu tháng 2 vừa qua, nhưng sự lo lắng đã có phần khác. Chỉ còn 1 tháng nữa thị trường sẽ đón nhận kết quả kinh doanh quý 1/2020 cũng như các số liệu kinh tế vĩ mô. Thị trường chứng khoán toàn cầu đều đang lo lắng và sụt giảm, không riêng gì Việt Nam.

Thị trường giảm mạnh dễ bị coi là phản ứng từ góc độ tâm lý, nhưng đó cũng là hành động bình thường khi nhà đầu tư bảo vệ tài sản của mình. Thực tế giao dịch không giống với các phân tích lý thuyết, vì khi hiểu ra cặn kẽ vấn đề, tài sản có thể đã bốc hơi hàng chục phần trăm giá trị và không ai khác ngoài mỗi nhà đầu tư phải chịu.

Tin mới lên