Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Đằng sau sự tĩnh lặng của thị trường

(VNF) - Thị trường có phiên cuối tháng 4 gần như đi ngang dù số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn nhiều hơn số giảm. Nguyên nhân là tác động giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn đã gây sức ép lên các chỉ số ở mức độ khác nhau.

Góc nhìn chứng khoán: Đằng sau sự tĩnh lặng của thị trường

Thị trường đang chứng kiến mức dao động hàng ngày hẹp lại rất nhanh và thanh khoản cũng suy yếu, trong khi cường độ rút vốn của khối ngoại vẫn tăng tốc.

VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 1,9 điểm tương đương 0,25% trong khi VN30-Index lại giảm 0,06%. Ngay trong rổ VN30 cũng có 20 cổ phiếu tăng giá so với 10 cổ phiếu giảm giá. Toàn sàn HSX có 207 mã tăng và 146 mã giảm. Như vậy cổ phiếu đã có phiên tăng giá tốt hơn những gì chỉ số thể hiện.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng tốt nhất phiên này dưới sự dẫn dắt của các mã đầu ngành: CTG tăng 4,99%, VCB tăng 1,49%, BID tăng 1,28% là các mã đẩy chỉ số VN-Index tăng nhiều nhất. Trong khi đó cả 3 mã này lại không có vai trò rõ rệt đối với VN30-Index. Cụ thể, 3 mã này cộng cho VN-Index 2,7 điểm trong khi chỉ cộng cho VN30-Index chưa tới 1 điểm.

Ngược lại, ảnh hưởng kéo xuống của nhóm vốn hóa lớn còn lại gây tác động nhiều hơn trong VN30-Index. Đó là VNM sụt giảm 1,49%, VPB giảm 2,38%, SAB giảm 4,12%, MSN giảm 1,51%, VHM giảm 1,55%.

Mặc dù hiện tượng phân hóa trong nhóm trụ ảnh hưởng tới chỉ số nhưng tổng thể phiên hôm nay cổ phiếu vẫn có một ngày tích cực. Đặc biệt các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đang giữ phong độ tốt. Sàn HSX ghi nhận khoảng 60 cổ phiếu tăng trên 3%, trong đó 27 mã tăng trên 6% đều thuộc nhóm vốn hóa nhỏ.

Một số mã biến động đột biến là PDR, DGW, SJF, OGC. Các mã này đều có thanh khoản ấn tượng và giá tăng kịch trần. Đặc biệt PDR xuất hiện thanh khoản kỷ lục kể từ đầu năm với 1,28 triệu cổ. PDR cũng giao dịch không có gì đặc biệt trong suốt cả tháng 4. Phiên tăng đột ngột hôm nay đẩy giá PDR lên mức cao nhất năm 2020. Nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần đẩy giá PDR khi mua hơn 30% tổng khối lượng giao dịch trong phiên.

Ngược lại, tuy khá nhiều blue-chips tăng giá hôm nay nhưng biến động không có gì đặc biệt. Cổ phiếu duy nhất tạo được đỉnh cao mới là POW, lên mức 10.550 đồng, xác lập 4 phiên tăng liên tiếp. Tuần này VN30-Index giảm 1,3%, VN-Index giảm 1% nhưng riêng POW tăng 10,5%. Đối với các mã còn lại, mức tăng chỉ là những diễn biến phục hồi bình thường trong nhịp giảm kể từ đỉnh cách đây 2 tuần. Tăng tốt nhất rổ VN30 là CTG, giá đóng cửa hôm nay vẫn thấp hơn phiên ngày 17/4.

Thanh khoản chung của thị trường vẫn trong tình trạng thấp, mặc dù có cải thiện. Giao dịch lớn ở CTG đã góp phần đẩy quy mô giao dịch chung tăng theo (CTG khớp gấp 2,5 lần hôm qua tính theo giá trị). Tổng giá trị giao dịch hai sàn tăng 15% so với hôm qua, đạt 4.556 tỷ đồng, giá trị khớp lệnh tăng 5,3%, đạt 3.632 tỷ đồng.

Khác biệt lớn nhất hôm nay chính là dao động của thị trường đã giảm xuống mức thấp kỷ lục tương đương thời điểm giữa tháng 2/2020. VN-Index dao động trong khoảng 768,19 điểm tới 772,62 điểm, tương đương thay đổi trong khoảng 4,43 điểm. Bình quân 5 phiên gần nhất chỉ số này chỉ dao động khoảng 1,47% trong ngày. Dao động càng hẹp càng thể hiện thị trường “tĩnh lặng” khi cung cầu ở trạng thái không áp đảo, nhất là sau một quá trình gia tăng dao động rất cao. Tình trạng tĩnh lặng như vậy thường dẫn tới một sự thay đổi lớn hơn sau đó.

Thông thường hiện tượng đi ngang được xem là quá trình tích lũy theo nghĩa tích cực, hoặc phân phối theo nghĩa tiêu cực. Nếu nhìn vào quá khứ gần thì kết quả rất khó đoán trước. Chẳng hạn giai đoạn cuối tháng 12/2019, biên dao động hàng ngày của VN-Index cũng dưới 1% kéo dài và sau đó kết thúc bằng một đợt tăng ngay trước khi nghỉ Tết. Tuy nhiên giai đoạn nửa cuối tháng 2 khi thị trường tìm được điểm cân bằng sau cú sốc đầu tiên phản ứng với dịch bệnh, dao động cũng nhỏ hơn 1% và kết thúc lại là một đợt sụt giảm mới trong tháng 3.

Hiện tại thị trường đang đi ngang sau nhịp tăng đầu tiên nửa đầu tháng 4. VN-Index có mức điều chỉnh từ đỉnh khoảng 3,3% so với mức tăng 20% kể từ đáy. Do đà tăng trước đó đã khá mạnh nên quá trình đi ngang hiện tại giống với quá trình phân phối, nhưng thanh khoản lại suy giảm nhiều. Thời điểm thanh khoản lớn nhất đã qua nhưng mức điều chỉnh chưa mạnh nên cũng có khả năng khối lượng cổ phiếu phân phối đã được hấp thụ và nhà đầu tư mua sau chấp nhận nắm giữ.

Biến số bất định lúc này là sức ép của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục kéo dài trong bao lâu nữa. Lượng tiền từ nhóm nhà đầu tư trong nước đang hao hụt khủng khiếp khi tuần nào khối ngoại cũng rút về hơn ngàn tỷ đồng ròng. Trong tháng 4 này, chỉ riêng với cổ phiếu HSX và HNX, lượng vốn bị rút ra là trên 6.400 tỷ đồng, tương đương mỗi tuần rút khoảng 1.600 tỷ đồng. Sức mua trong thị trường không phải là vô tận mà lại đang bị “chảy máu” với tốc độ chưa từng thấy.

Tin mới lên