Góc nhìn chứng khoán: Tín hiệu lạ từ việc SSI, HCM tăng kịch trần
Song Tử -
17/03/2020 16:42 (GMT+7)
(VNF) - Tới 3/4 thời gian trong phiên giao dịch hôm nay, thị trường không tỏ ra hào hứng lắm với quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ đến gần cuối phiên – từ 2h chiều trở đi – thị trường mới phục hồi tích cực hơn khi xuất hiện đợt tăng giá mạnh đồng loạt của SSI và HCM.
Nếu so sánh về vốn hóa thì mức độ ảnh hưởng của cả SSI lẫn HCM đều không đáng kể. Giá sụt giảm quá nhiều nên vốn hóa của hai cổ phiếu này đã xuống hàng “penny”. Tuy nhiên bất ngờ là sức ảnh hưởng về tâm lý vẫn gợi lại hình bóng “huy hoàng” ngày xưa trong phiên này. Cả SSI và HCM đều bứt phá trước thị trường trong đợt tăng cuối ngày.
Trong khi đó, những cổ phiếu ngân hàng mạnh nhất và có tác động lớn nhất tới VN-Index hôm nay như BID, CTG cũng chuyển biến chậm hơn SSI và HCM. Vai trò của các mã ngân hàng hôm nay là nổi bật, nhưng yếu tố kích thích lại chính là hai cổ phiếu chứng khoán nói trên.
Nhìn chung nhóm cổ phiếu tài chính có giao dịch mạnh mẽ, là diễn biến ngược chiều với giai đoạn hoảng loạn vừa qua. Thông thường khi thị trường chứng khoán trong xu thế giảm dài hạn và nền kinh tế suy yếu, nhóm cổ phiếu tài chính rất nhạy cảm và giảm rất nhanh. Ví dụ SSI giảm từ 30/1 đến nay khoảng 31,09%, HCM giảm 40,77%, BID giảm 40,9%, TCB giảm 27,89%, VCB giảm 28,16%, MBB giảm 26,56%... Với quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước, nhóm tài chính có thể hưởng lợi.
Nếu các giải pháp nới lỏng tiền tệ, kích thích thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế đem lại hiệu quả thì các cổ phiếu tài chính có thể là một danh mục đầu tư tốt với mức giảm giá mạnh như vậy. Cổ phiếu ngân hàng chỉ tăng trở lại hôm nay khi có quyết định giảm lãi suất – một biện pháp giảm vốn đầu vào cho các ngân hàng. Trước đó, việc các ngân hàng đồng loạt giãn nợ, giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp tổn thương vì Covid-19 thực tế lại tự gây khó cho chính mình. Rất có thể trong vài ngày tới lãi suất huy động cũng sẽ có điều chỉnh.
Đối với các công ty chứng khoán, thị trường sụt giảm mạnh trong quý I/2020 chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận bốc hơi. Tuy nhiên nếu chi phí vốn giảm đi, tiền nhàn rỗi tăng cao thì thị trường chứng khoán có thể hưởng lợi. Nếu các công ty chứng khoán gia nhập thị trường ở thời điểm khủng hoảng như lúc này, triển vọng lợi nhuận lại có phần “tươi sáng” trong các tháng tới. Đó có thể là lý do khiến dòng tiền đổ vào cổ phiếu chứng khoán mạnh mẽ trong phiên này, vì thị trường chứng khoán nhìn vào kỳ vọng tương lai hơn là điều gần như chắc chắn dự đoán được.
Tuy nhiên, phản ứng của giới đầu tư trên toàn cầu có lẽ sẽ giống nhau: Đó là câu hỏi lớn nhất lúc này, liệu các giải pháp nới lỏng tiền tệ có giúp vực dậy sản xuất, thương mại hay không? Đối với Việt Nam sẽ cần có con số về tăng trưởng tín dụng, hơn là việc lãi suất cho vay giảm bao nhiêu. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang nghi ngờ cao độ, FED giảm lãi suất, tung ra gói nới lỏng định lượng 700 tỷ USD, bơm hàng trăm tỷ USD vào thị trường cho vay ngắn hạn (repo) mà chứng khoán Mỹ vẫn không có dấu hiệu gì là tăng chắc chắn.
VN-Index đóng cửa hôm nay giảm nhẹ 2 điểm là một kết quả tích cực, vì ban đầu còn giảm tới 26 điểm. Sự trở lại của nhóm cổ phiếu tài chính cũng là một tín hiệu lạc quan. Khả năng thị trường tạo đáy với yếu tố hỗ trợ mạnh nhất lúc này (giảm lãi suất) vẫn cần có thời gian để kiểm chứng vì đã vài lần thị trường tưởng như tạo đáy, nhưng cú sốc từ thị trường Mỹ đã xóa bay tất cả.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone