Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Vì sao thị trường 'vỡ mộng' với giải pháp cắt giảm lãi suất?

(VNF) - Cuối tuần qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại gây sốc cho thị trường bằng việc cắt giảm thêm 1% lãi suất dù chỉ vài ngày nữa là tới cuộc họp chính thức. Thị trường chứng khoán tưởng như sẽ hào hứng với động thái này, nhưng thực tế lại là sự “vỡ mộng”.

Góc nhìn chứng khoán: Vì sao thị trường 'vỡ mộng' với giải pháp cắt giảm lãi suất?

FED ngày 15/3 hạ lãi suất liên bang xuống mức 0 - 0,25%, từ mức 1 - 1,25% trước đó. Đồng thời, FED triển khai chương trình nới lỏng định lượng trị giá 700 tỷ USD thông qua mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu thế chấp. Đây là giải pháp cực mạnh, nhưng bất ngờ là chứng khoán Mỹ lại phản ứng hoảng loạn khi thị trường tương lai sụt giảm hết biên độ và phải dừng giao dịch.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong thời điểm cạn thông tin hỗ trợ nội tại nhưng phản ứng rất nhạy cảm với các diễn biến bên ngoài. Điều này là bình thường vì dịch Covid-19 đang lan tràn khắp châu Âu và Mỹ  - cả hai đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Diễn biến của thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ là chỉ báo sớm về mức độ thiệt hại kinh tế mà dịch Covid-19 đem lại. Không có gì bất ngờ, khi chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt lao dốc mạnh, thị trường trong nước lại có thêm một phiên sụt giảm mạnh nữa, với VN-Index bốc hơi 1,83%.

Cắt giảm lãi suất, nới lỏng định lượng là những “liều thuốc mạnh” từng được thực thi năm 2008 khi khủng hoảng tài chính diễn ra. Tuy nhiên lần này hiệu lực dường như không bằng. Trong lần cắt giảm lãi suất 0,5% đầy bất ngờ hồi đầu tháng 3 này, các thị trường chứng khoán đã phản ứng ngược. Lần này cũng vậy, chỉ vài ngày nữa là đến kỳ họp tháng 3 của FED nhưng việc cắt giảm lãi suất lại được công bố trước. Thị trường lại có lý do để nghi ngờ: Điều gì khiến FED phải gấp rút đến mức như vậy?

Mức giảm lãi suất 1% đã nằm trong dự kiến của thị trường, nhưng gói nới lỏng định lượng 700 tỷ USD thì là bất ngờ. Quyết định này giống như kê một đơn thuốc quá mạnh. Kết luận tất yếu sẽ đến là “bệnh” của nền kinh tế hóa ra nặng hơn những gì mà thị trường dự kiến. Thị trường chứng khoán chưa giao dịch nhưng thị trường tương lai của Mỹ đã lập tức phản ứng trước bằng một đợt bán tháo kịch biên độ và phải tạm đóng băng.

Các phân tích từ sớm đã chỉ ra rằng việc giảm lãi suất, bơm tiền không phải là giải pháp cho nền kinh tế vốn rơi vào khó khăn do dịch bệnh. Giảm lãi suất không khuyên khích người dân chi tiêu nhiều hơn vào lúc này, không giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, không khiến các hãng hàng không cất cánh nhiều hơn, không khiến các dịch vụ du lịch, giải trí nhộn nhịp hơn.

Một yếu tố nữa khiến thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng ngược, là nỗi lo cạn kiệt giải pháp đối phó với khủng hoảng hiện tại. Cắt giảm lãi suất, nới lỏng định lượng dường như là biện pháp cuối cùng mà các ngân hàng trung ương có thể thực hiện. Lãi suất của FED đã về mức 0%, lãi suất của châu Âu đã âm. Quy mô mua trái phiếu cả châu Âu và Mỹ đã lên tới hàng trăm tỷ USD. Nếu hành động này không đem lại hiệu quả, các ngân hàng trung ương sẽ phải làm gì tiếp theo?

Việt Nam sau khi có động thái giảm lãi vay, giãn nợ cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 thì cũng có khả năng sẽ giảm lãi suất. Công ty chứng khoán SSI dự báo việc giảm lãi suất sẽ thực hiện ngay trong tháng 3 và mức giảm là 50 điểm cơ bản với các lãi suất OMO, tín phiếu, tái cấp vốn, chiết khấu.

Tuy nhiên Việt Nam cũng không khác thế giới là mấy, khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn không phải vì thiếu vốn. Khả năng hấp thụ vốn, hay đưa vốn vào sản xuất kinh doanh mới là vấn đề. Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm có 0,1% nghĩa là vốn ứ đọng còn rất nhiều. Việc giãn nợ, giảm lãi suất vay đã là giúp giảm áp lực thanh khoản cho doanh nghiệp. Giảm lãi suất điều hành có chăng chỉ giúp các ngân hàng bớt khó khăn hơn mà thôi.

Yếu tố duy nhất có thể thay đổi tình hình lúc này không phải các biện pháp tài chính, mà là khả năng kiểm soát dịch bệnh. Các thị trường chứng khoán chờ đợi khả năng khống chế dịch, còn các biện pháp nới lỏng tiền tệ chỉ giúp doanh nghiệp cầm cự.

Tin mới lên