Diễn đàn VNF

GS.TS Phùng Hồ Hải nhắc lại ‘lời kêu cứu khẩn thiết’ về việc bỏ thi trắc nghiệm

(VNF) – GS.TS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, cho rằng mô hình thi trắc nghiệm 100% tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với môn Toán và một số môn khác là sai lầm và có hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục.

GS.TS Phùng Hồ Hải nhắc lại ‘lời kêu cứu khẩn thiết’ về việc bỏ thi trắc nghiệm

GS.TS Phùng Hồ Hải

Nhân việc đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh nêu lại vấn đề "thi trắc nghiệm" tại Quốc hội, GS.TS Phùng Hồ Hải đã chia sẻ lại bức thư ông gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào tháng 7/2018 trên trang Facebook cá nhân.

Ông nhấn mạnh rằng việc công khai hóa bức thư có thể là một điều không hay nhưng “tôi không thể an lòng nhìn con trai tôi luyện thi trắc nghiệm. Với trách nhiệm của phụ huynh tôi phải làm gì đó cho con mình”.

“Mô hình thi trắc nghiệm 100% là hết sức sai lầm”

Trong thư gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, GS.TS Phùng Hồ Hải viết: “Tôi viết thư này gửi anh như một lời kêu cứu khẩn thiết của một nhà khoa học đối với tương lai của nền khoa học nước nhà”.

Ông cho biết trong vòng hai năm qua, những lo lắng của về mô hình thi trắc nghiệm đối với môn Toán tại kỳ thi THPT ngày càng chất chứa. Những gì Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam khuyến cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối năm 2016 đã thành hiện thực. Hơn thế nữa, nhiều điều mà các chuyên gia khi đó đã dự đoán - nhưng vì sự cẩn trọng mà không dám tuyên bố - cũng đã thành sự thực.

“Để phát triển lâu dài và bền vững thì chấn hưng giáo dục là yếu tố tiên quyết. Nhưng tôi rất buồn mà nói với anh rằng, mô hình thi trắc nghiệm 100% tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với môn Toán và một số môn khác là sai lầm, hết sức sai lầm và có hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục”, GS.TS Phùng Hồ Hải nhấn mạnh.

Theo ông, việc nhà nước cho thi trắc nghiệm (theo mô hình của Hoa Kỳ) đúng về mặt logic nhưng sai về xuất phát điểm. Sai lầm đó là tỷ lệ đỗ của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị không chế lên tới 90% (hoặc hơn thế nữa) ở đa số các vùng miền trên cả nước, do bệnh thành tích.

“Chúng ta không thể không cho các học sinh này tốt nghiệp khi mà không ít các em trong đó hàng năm đã bị buộc phải lên lớp để đảm bảo thành tích cho trường, cho sở, cho tỉnh. Một kỳ thi mà gần như tất cả đều đỗ thì việc tổ chức là hoàn toàn không có ý nghĩa”, GS.TS Phùng Hồ Hải nhận xét và khẳng định: “Không thể thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc được nếu tiếp tục khống chế tỷ lệ đỗ”.

Ông cho rằng việc dùng biện pháp trắc nghiệm để tránh quay cóp chỉ khiến cho người ta quay cóp một cách công khai, trắng trợn hơn. Những vụ việc đã được phát giác tại Hà Giang là minh chứng cho điều này.

“Như vậy, khi dùng biện pháp chống tiêu cực một cách không thích hợp, vô tình chúng ta lại ép người ta phải tiêu cực mạnh hơn và hệ lụy của nó không nằm ở trong mục tiêu đỗ tốt nghiệp nữa, vì kỳ thi còn có mục tiêu thứ hai là xét tuyển đại học”, GS.TS Phùng Hồ Hải viết.

Việc dạy toán thế nào, kiểm tra nội dung gì đang được thực hiện bởi những người kém hiểu biết

Theo GS.TS Phùng Hồ Hải, những vụ việc tiêu cực vừa qua thêm một lần nữa khẳng định rằng việc áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô hình nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn dẫn tới thất bại.

Ông nhận định khó khăn lớn nhất, trên thực tế, của Việt Nam là vấn đề 'con người chứ không phải vấn đề ''cơ chế". Rất nhiều cơ chế rất hay ở nước ngoài có thể thất bại một cách ngớ ngẩn ở Việt Nam.

Đơn cử trong ngành giáo dục, Việt Nam đã thất bại với mô hình ''tuyển thẳng học sinh giỏi vào đại học", thất bại với phong trào ''nói không với tiêu cực" và đang thất bại với mô hình ''thi tốt nghiệp THPT". Rõ ràng đây là những mô hình cơ chế được thực hiện ở các nước tiên tiến, nhưng cứ đưa về Việt Nam là hỏng và gây hiệu quả nghiêm trọng.

GS.TS Phùng Hồ Hải tin rằng những ứng dụng mới nhất của công nghệ sẽ giúp chúng ta giải quyết phần nào bài toán ''con người". Các mô hình Taxi Grab hay Uber đã giúp cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa lái xe và khách. Tương tự như vậy với các mô hình đặt phòng khách sạn trên mạng... Bản chất của các thành công này, trên nền của công nghệ, chỉ nằm ở hai chữ: công khai và có kiểm soát.

Nhưng việc tổ chức kỳ thi THPT vừa qua, mặc dù sử dụng công nghệ, lại đi ngược với nguyên lý này. Toàn bộ quy trình xây dựng đề thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi đều không đáp ứng yếu tố công khai và có kiểm soát (mặc dù về hình thức thì có vẻ là có).

Và hệ quả của sự mất kiểm soát, trên nền công nghệ, là sự gian lận có thể thực hiện ở phạm vi chóng mặt. Thay vì sửa điểm cho một vài học sinh, người ta sửa cho hàng trăm và mức sửa thực sự là không có giới hạn. Có những bài thi được sửa tới hơn 1000%.

“Riêng đối với môn Toán, tôi khẳng định rằng không ai ngoài những nhà toán học, đang giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu, có đủ uy tín và thẩm quyền quyết định về mô hình thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.

“Hơn ai hết chúng tôi hiểu cần phải dạy toán như thế nào, phải kiểm tra những nội dung gì trong toán học. Nhưng mọi chuyện đều được quyết định bởi những người thiếu hiểu biết, không đáng là học trò của chúng tôi về lĩnh vực toán học ở Bộ Giáo dục và Đào tạo”, GS.TS Phùng Hồ Hải thẳng thắn.

Tổ chức thi trắc nghiệm hoàn toàn không đơn giản

Theo nhận định của GS.TS Phùng Hồ Hải, việc tổ chức thi trắc nghiệm hoàn toàn không đơn giản, nhất là đối với một kỳ thi trên diện rộng. Việc thi trắc nghiệm đòi hỏi một sự chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng với nhiều nhân lực vật lực.

Ông cho biết nguyên lý đánh giá của phương pháp thi trắc nghiệm là dựa trên thống kê. Độ chính xác của nó được đo bằng các đại lượng xác suất. Nói cách khác, nó được phép sai, nhưng cần đảm bảo xác suất sai (hay là tỷ lệ sai) phải thấp.

Một đề thi trắc nghiệm tốt khi nó phù hợp được với số đông học sinh dự thi, theo nghĩa đánh giá, phân loại được học sinh ở mức độ chính xác nhất định. Vì thế, để kiểm định chất lượng một đề thi trắc nghiệm không có cách nào khác là kiểm tra bằng việc thử chúng trên số đông.

Không có một chuyên gia hay nhà giáo, thậm chí hàng chục hàng trăm nhà giáo, chuyên gia có thể khẳng định được một đề thi trắc nghiệm là phù hợp với một triệu thí sinh, chỉ có thể khẳng định điều đó qua việc thi thử với hàng trăm ngàn lượt thi. Đó là khó khăn lớn nhất của việc tổ chức thi trắc nghiệm nếu muốn phân loại học sinh.

“Với các đề thi toán khó như năm 2018, đến những người có thể nói là siêu giỏi về giải toán sơ cấp cũng phàn nàn là không giải nổi. Câu hỏi đặt ra là việc tổ chức ra đề đã đúng quy trình chưa? Tôi dám khẳng định là chưa. Rất mong anh chỉ đạo điều ra việc này một cách kỹ lưỡng. Chắc phải dùng tới Thanh tra Nhà nước, kết hợp với chuyên gia thì may ra mới làm rõ được”, GS.TS Phùng Hồ Hải nêu quan điểm.

Năng lực đầu vào môn Toán đang ở mức báo động

GS.TS Phùng Hồ Hải cho rằng tác hại lớn nhất của kỳ thi THPT quốc gia liên quan tới mục tiêu thứ hai của nó là xét tuyển vào đại học.

Ông cho rằng mô hình trắc nghiệm, về cơ bản, chỉ phù hợp với các kỳ thi dạng đánh giá năng lực, không phù hợp với các kỳ thi mang tính tuyển chọn - công-cua.

Ngay ở Hoa Kỳ, mặc dù kỳ thi SAT được tổ chức hết sức chuyên nghiệp cũng chỉ có một tỷ lệ các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào đại học và họ cũng chỉ sử dụng kết quả này như một tiêu chí.

GS.TS Hải cho biết với môn toán, năng lực đầu vào của các sinh viên hiện nay đang ở mức báo động. Do đối phó với kiểu thi tốt nghiệp, học sinh hoàn toàn không được chuẩn bị các kiến thức toán học căn bản để có thể tiếp thu các kiến thức ở bậc đại học. Đó là chưa nói đến, do chất lượng đề thi mà người ta không chọn được đúng học sinh có năng lực và thời gian học đại học đang bị rút ngắn. Hệ quả là chúng ta sẽ phải cho ra trường những sinh viên không có mấy chữ trong bụng.

“Tôi đã từng chứng kiến nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành toán thuộc lòng các định lý toán như thuộc thơ, và cũng như thơ, các em nhớ nhầm vài chữ trong đó. Đó mới là điều đáng ngại nhất. Vì sinh viên là nguồn lực quan trọng nhất trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ lần thứ tư này”, GS.TS Phùng Hồ Hải nhận xét.

Theo GS.TS Phùng Hồ Hải, hai kỳ thi THPT quốc gia trôi qua là gần hai triệu thí sinh đã phải học phải ôn thi đáp ứng yêu cầu ''trắc nghiệm".

Hai năm qua, hai triệu em học sinh đó, cùng các thầy các cô phải tìm đủ cách học thuộc lòng khái niệm, tập luyện các mẹo mực nhằm loại trừ các phương án để chọn phương án hợp lý nhất, luyện tập sử dụng máy tính cầm tay để giải phương trình, để tính tích phân mà không cần biết những nguyên lý cơ bản của toán học, không hề được dạy về phương pháp tư duy toán học.

“Toán học phổ thông đối với đại đa số các em là một sự hành xác, cốt để đạt được điểm cao tại kỳ thi. Tôi không tính tới chi phí xã hội cho các hoạt động luyện thi, học thêm dạy thêm nhằm vào mục đích thi cử, tuy nhiên tôi đau xót với sự lãng phí thời gian, tuổi trẻ của con em chúng ta, như anh thấy đấy, mỗi năm gần một triệu cháu”, GS.TS Hải bày tỏ.

Ông cho rằng Chính phủ cần tổ chức gấp các hội thảo để rút kinh nghiệm công tác thi cử và đưa ra các biện pháp cho năm tới. “Tất nhiên hội nghị hội thảo của chúng ta xưa nay không thiếu, vấn đề là những ai tham dự và ý kiến có được lắng nghe? Tôi chỉ xin có một ý kiến. Đối với những vấn đề liên quan tới chuyên môn Toán học, xin hãy lắng nghe những nhà Toán học”.

Tin mới lên