Tài chính tiêu dùng

Gửi tiết kiệm thế nào để có lãi suất cao nhất?

(VNF) - Với việc lựa chọn các kỳ hạn gửi khác nhau 3-6-13 tháng hoặc với các hình thức gửi online, gửi tại quầy… người có tiền nhàn rỗi từ vài chục triệu đến vài tỷ, nếu khéo léo tính toán có thể mang lại lợi nhuận tối ưu hơn.

Gửi tiết kiệm thế nào để có lãi suất cao nhất?

Ảnh minh hoạ.

Tiền nhiều dễ chọn kênh lãi suất cao

Thống kê lãi suất tiền gửi từ trang web của 31 ngân hàng (bảng bên dưới) trong tháng 5/2020, có thể thấy, mức lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất hiện nay là 9,2%/năm, áp dụng tại ngân hàng SHB ở kỳ hạn 13 tháng kèm điều kiện tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Cùng số tiền gửi trên 500 tỷ đồng nhưng lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng tại ngân hàng này lại thấp hơn, lần lượt là 8,9% và 7,8% mỗi năm. Còn với số tiền thấp hơn, mức lãi suất cao nhất tại SHB là 7,3%/năm áp dụng tại kỳ hạn trên 36 tháng.

Ngân hàng có lãi suất cao tiếp theo là ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) với 8,5%/năm áp dụng ở kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.

Trong khi đó, Eximbank lại đưa ra mức lãi suất hấp dẫn 8,4% ở kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi trên 100 tỷ đồng, dành cho khách hàng mở mới tài khoản. Còn với kỳ hạn 24 tháng, ngân hàng này đưa mức lãi suất 8,4% dành cho khách hàng gửi số tiền trên 500 tỷ đồng, 8,2% với số tiền gửi 300-500 tỷ đồng và 8% với 200-300 tỷ đồng, với số tiền dưới 200 tỷ đồng là 7,5%/năm.

Ngân hàng có lãi suất cao nhất tiếp theo là SCB với mức 8,55%/năm áp dụng tại kì hạn 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng với hình thức tiết kiệm đắc lộc phát; Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) với 8,5%/năm áp dụng tại kì hạn 13 tháng.

Khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) luôn áp dụng mức lãi suất thấp nhất trong hệ thống. Cụ thể, lãi suất Vietcombank cao nhất là 6,6%/năm. Còn Agribank, VietinBank, BIDV cùng áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất 6,8%/năm.

Gửi online tối ưu thêm từ 0,1-0,5%/năm

Hình thức gửi tiết kiệm online mang lại cơ hội tăng lãi suất thêm cho người gửi. Cụ thể, với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất cho khách hàng gửi tại quầy ở mức 0,1-4,25%, còn lãi suất gửi online dao động quanh mức 0,1-4,3%. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến đang được các ngân hàng niêm yết quanh mức 0,10%-8,59% mỗi năm, tuỳ theo kỳ hạn và ngân hàng. Còn lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy nhìn chung thấp hơn, từ 0,10%-8,10%, tuỳ theo kỳ hạn và ngân hàng.

Mức lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng với hình thức gửi tiền online được niêm yết trong khoảng 4,05-4,55%, trong đó mức lãi suất 4,25% được các ngân hàng áp dụng phổ biến. Còn nếu khách hàng gửi tại quầy, lãi suất huy động cho kỳ hạn này ở mức 4,05-4,25%.

Với kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền tiết kiệm online, mức lãi suất có sự cạnh tranh khá rõ rệt giữa các ngân hàng, từ 4,9-8,0%. Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank) hỗ trợ lãi suất cao nhất cho khách hàng online ở kỳ hạn này, với mức 8,0%. Trong khi đó, lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng gửi tại quầy dao động quanh mức 4,9-7,5%. Lãi suất tốt nhất cho khách hàng gửi tại quầy là 7,50% ở kỳ hạn này thuộc Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) với mức 7,5%.

Ở các kỳ hạn dài, lãi suất tiết kiệm của các nhà băng cũng khá chênh lệch ở cả hình thức gửi online và gửi trực tiếp tại quầy.Đối với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tại quầy dao động quanh mức 4,9-8,05%. Lãi suất cao nhất được ghi nhận tại Nam Á Bank, lên tới 8,05%. Còn nếu gửi tại quầy ở kỳ hạn này, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 4,9-7,45%. NCB vẫn là ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở kỳ hạn này (7,45%).

Với kỳ hạn 12 tháng, khách hàng gửi online sẽ được áp dụng mức lãi suất từ 6,5-8,3%. Ví dụ khách gửi trực tuyến tại Nam Á Bank là 8,30% cao hơn 0,3% so với gửi tại quầy.

Ở kỳ hạn 18 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất 6,45-8,4% cho khách hàng gửi online. Nam Á Bank đang hỗ trợ lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm online ở kỳ hạn này, tới 8,40% mỗi năm. Trong khi đó, nếu gửi tại quầy, khách sẽ nhận mức lãi suất 6,45-8,1% ở kỳ hạn 18 tháng.

Với kỳ hạn 24 tháng, khách gửi trực tuyến được hưởng lãi suất quanh mức 6,55-8,35%. SCB đang đưa ra mức lãi suất cao nhất 8,35% cho khách gửi online tại kỳ hạn này. Nếu khách hàng chọn gửi tại quầy sẽ nhận được mức lãi suất 6,55-8,1%. NCB hiện hỗ trợ lãi suất cao nhất cho khách hàng gửi tại quầy là 8,10% mỗi năm cho kỳ hạn này.

Đối với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất dành cho khách hàng gửi online trong biên độ từ 6,3-8,4%. Với khách hàng gửi tại quầy, các ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất dao động từ 6,3-8,1% cho kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất cao nhất cho khách hàng gửi tại quầy ở kỳ hạn này được ghi nhận tại NCB, đạt 8,10%.

Nên gửi trung và dài hạn

Khảo sát một vòng cho thấy, mặc dù thực tế lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng có thể thay đổi theo từng thời kì, từng khu vực khác nhau theo chính sách riêng, các ngân hàng quốc doanh (nhóm 1) đều có sự tăng mạnh về mức lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn và trung hạn. Mức lãi suất dài hạn (trên 12 tháng tới 36 tháng) gần như không có thay đổi đáng kể.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng thương mại cổ phần (nhóm 2) có sự thay đổi mạnh ở phân khúc gửi trung và dài hạn, và không có nhiều sự thay đổi ở khúc ngắn hạn. Trong đó, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay thường thuộc về các kỳ hạn trung hạn và dài hạn, thông thường là mức 12 tháng. Với các khoản tiền gửi tiết kiệm lớn trên 5 tỷ đồng, mỗi ngân hàng cũng sẽ có mức lãi suất khác nhau để kích thích người gửi tiền.

Tuy nhiên, với người gửi tiền, các chuyên gia cũng khuyên rằng, lãi suất tiết kiệm không phải là yếu tố duy nhất để quyết định lựa chọn ngân hàng gửi tiền, thay vào đó, nên tham khảo kỹ về chính sách tính lãi, chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng và quan trọng nhất là uy tín ngân hàng.

Tham khảo lãi suất 1 số NH tháng 5/2020:

Tin mới lên