Tiêu điểm

Hà Nội cần 36,4 tỷ USD làm 9 tuyến đường sắt đô thị, đầu tư tư nhân đồng loạt rút lui

(VNF) - Quy hoạch giao thông đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, 3 tuyến tàu điện một ray và 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT). Theo đó, Hà Nội cần hơn 888.600 tỷ đồng (tương đương 36,4 tỷ USD) để phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị.

Hà Nội cần 36,4 tỷ USD làm 9 tuyến đường sắt đô thị, đầu tư tư nhân đồng loạt rút lui

Hà Nội cần hơn 36 tỷ USD làm 9 tuyến đường sắt đô thị.

Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô sửa đổi của Bộ Tư pháp vừa công bố đánh giá, khả năng cân đối, bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng đường giao thông đường bộ và đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội còn hạn chế, không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện, các khu đô thị mới.

Tổng vốn đầu tư để phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh bằng các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị (MRT), tuyến xe buýt nhanh (BRT), xe buýt thường dự kiến vào khoảng 4.695.000 tỷ đồng. Trong đó, để phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần khoảng 888.623 tỷ đồng.

"Nhu cầu về vốn đầu tư này là một thách thức lớn cho ngân sách của Thủ đô khi mà Thủ đô cần phân bổ ngân sách cho nhiều hạng mục phát triển kinh tế xã hội khác. Hiện nay, Thủ đô chỉ có thể đáp ứng được khoảng 46% tổng nhu cầu vốn đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng", Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tổng giá trị vốn đầu tư dự kiến để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 là khoảng 321.484 tỷ đồng (tương đương khoảng 13,31 tỷ USD).

"Với số lượng vốn đầu tư lớn, một số nhà đầu tư tư nhân đã có nghiên cứu về khả năng tham gia đầu tư đường sắt đô thị nhưng sau đó dừng và không tiếp tục nghiên cứu với lý do chủ yếu là khả năng thu hồi vốn chậm, không có lợi nhuận. Trong khi đó, các quy định pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế, chính sách tạo động lực thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển đô thị kết hợp với phát triển hệ thống đường sắt đô thị.", Bộ Tư pháp cho hay.

Báo cáo phân tích thêm, theo các quy định hiện nay, một tuyến đường sắt đô thị và các dự án đô thị, trung tâm thương mại trong khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt sẽ bị chia thành nhiều dự án độc lập để thực hiện việc đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, với nhiều dự án và có các thủ tục xây dựng và phê duyệt khác nhau nên đã dẫn đến việc kéo dài thời gian xây dựng và hoàn thành đồng bộ và hiệu quả cho sự phát triển của một tuyến đường sắt đô thị với các dự án thương mại, công nghiệp và nhà ở xung quanh các nhà ga. 

"Do các dự án bị chia lẻ nên các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những dự án phát triển đô thị vì có khả năng thu lợi nhuận cao. Thực tiễn này đã làm cho nhiều khu đô thị được phát triển ở trong khu vực quy hoạch có nhà ga đường sắt đô thị nhưng tuyến đường sắt đô thị lại chưa phát triển dẫn đến tạo áp lực giao thông cho tuyến đường bộ", Bộ Tư pháp cho hay.

Đặc biệt, giá đất khi tổ chức đấu giá để phát triển các dự án phát triển đô thị trước khi các dự án xây dựng đường sắt đô thị được khởi công thì sẽ thấp hơn rất nhiều do chưa có những lợi ích từ tuyến đường sắt đô thị. Ngân sách nhà nước sẽ bị mất đi khoản chênh lệch này. "Cần phải có giải pháp pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc này", Bộ Tư pháp nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng cho rằng Luật PPP không thể áp dụng cho gói dự án bao gồm cả đầu tư hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại; việc đổi dự án lấy dự án chưa có trong các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, quy định pháp luật hiện tại chưa cụ thể để thành phố Hà Nội xây dựng được hệ thống các tiêu chí và chỉ tiêu để quy hoạch xây dựng khu vực áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Đồng thời chưa có một quy trình chuẩn, một thiết kế có tính điển hình về quy hoạch xây dựng tại một khu vực thuộc Hà Nội theo định hướng TOD làm căn cứ để triển khai cho các khu vực khác trên địa bàn thành phố. Điều này gây khó khăn cho việc định hướng quy hoạch xây dựng các khu vực tiếp giáp với hành lang tuyến đường sắt đô thị và các hành lang giao thông công cộng khối lượng lớn.

Từ những vấn đề nêu trên, theo Bộ Tư pháp, thành phố Hà Nội cần có giải pháp về "Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)" trong Chính sách về "Hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở  hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô".

Tin mới lên