Tiêu điểm

Hà Nội: Tổn thất 3 tỷ USD mỗi năm do tắc đường

(VNF) - Tắc nghẽn giao thông gây ra tốn phí thời gian di chuyển, chi phí tiêu hao nhiên liệu vượt mức cần thiết, phát thải CO2 tăng do tiêu thụ nhiên liệu quá mức, sức khỏe và lòng tin của người dân giảm sút.

Hà Nội: Tổn thất 3 tỷ USD mỗi năm do tắc đường

Phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD cũng sẽ tăng năng suất xã hội.

Phát biểu tham luận tại "Hội thảo phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP. HCM", Giáo sư Vũ Minh Khương dẫn số liệu từ các tổ chức nghiên cứu quốc tế cho thấy, tắc nghẽn giao thông mỗi năm làm thiệt hại 11 tỷ USD cho New York, 8,2 tỷ cho Los Angeles, và 7,6 tỷ cho Chicago. Trong khi đó, ở Hà Nội và TP. HCM, tổn thất này ước tính tối thiểu lên đến 2-3 tỷ USD mỗi thành phố.

Giáo sư Khương đã có 3 đề xuất về ưu tiên hành động cho Hà Nội và TP. HCM gồm: nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và tính cấp bách chiến lược của phát triển đường sắt đô thị; tổ chức thực hiện các có chiến lược thông tuệ và phân định tổ chức chịu trách nhiệm rõ ràng; dốc sức đầu tư vào các nền tảng thiết chế và động lực yểm trợ cho xây dựng và quản lý đường sắt đô thị như một ngành kinh tế chiến lược.

Giáo sư Vũ Minh Khương cho rằng, Hà Nội và TP. HCM nên bắt tay vào 1-2 tuyến thử nghiệm với các tiêu chí như tính khả thi cao, tác động lớn, tốn phí thu hồi đất thấp (nên chọn phương án ngầm nếu cần thiết. Kinh nghiệm Trung quốc cho thấy giá thành 1km là khoảng 100-120 triệu USD cho tuyến ngầm và 60-70 triệu cho tuyến nổi). Bên cạnh đó, thời gian hoàn tất các dự án thử nghiệm này là trước 2030. Đồng thời chú trọng ba tiêu chí lớn là chất lượng, giá thành và tiến độ thực hiện.

Mở rộng vấn đề, tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). TOD được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.

Giáo sư Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu

Theo Giáo sư Vũ Minh Khương, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD sẽ tạo nền tảng xây dựng nền kinh tế với sức cạnh tranh cao dựa trên lợi thế quy mô, đa dạng, và sức mạnh cộng hưởng. Đặc biệt, trong phát triển đô thị sẽ giảm sự bức bách phải mở rộng đô thị một cách tràn lan thụ động, chi phí đầu tư hạ tầng, đồng thời tăng nhu cầu, hiệu quả và nguồn thu cho vận tải công cộng.

Bên cạnh đó, phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD cũng sẽ tăng năng suất xã hội như giảm chi phí của người dân cho việc đi lại hàng ngày, tăng cơ hội việc làm, giá trị của BĐS và cảnh quan đô thị, hiệu quả ngành thương mại bán lẻ và dịch vụ thông qua phát triển các trung tâm mua sắm và dịch vụ xung quanh các nhà ga.

Giáo sư Vũ Minh Khương chỉ rõ những tổn thất lớn và không ngừng tăng nếu không chú trọng đặc biệt vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Cụ thể là tốn phí thời gian di chuyển, chi phí tiêu hao nhiên liệu vượt mức cần thiết, phát thải CO2 tăng do tiêu thụ nhiên liệu quá mức, sức khỏe và lòng tin của người dân giảm sút.

Chính phủ đã quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và TP. HCM, trong đó, tại Hà Nội, sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410km; nghiên cứu xây dựng các tuyến kết nối với các đô thị vệ tinh; quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ hệ thống đường sắt đô thị.

Tại TP. HCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành đai nối các trung tâm chính của thành phố với chiều dài khoảng 173km; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Ngoài ra, Chính phủ đã định hướng quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị trong một số quy hoạch tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, ...

Tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đều chậm so với dự kiến, đến nay mới đưa vào khai thai thác 13km đạt 10,4% các tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo thành phố Hà Nội, TP. HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tại Hà Nội và TP. HCM.

Tin mới lên