Tài chính

Hai 'ông lớn' vạn tỷ 'leo dốc' suốt tuần bất chấp VN-Index biến động mạnh

(VNF) - Trong tuần VN-Index biến động mạnh, khá ít cổ phiếu tăng/giảm hai chữ số. Trong số các cổ phiếu tăng trên 10% có sự xuất hiện của hai "ông lớn" vốn hóa vạn tỷ tăng suốt cả 5 phiên trong tuần bất chấp thị trường trồi sụt.

Hai 'ông lớn' vạn tỷ 'leo dốc' suốt tuần bất chấp VN-Index biến động mạnh

Hai 'ông lớn' vốn hóa vạn tỷ 'leo dốc' suốt tuần bất chấp VN-Index biến động mạnh

Thị trường chứng khoán tuần qua chứng kiến phiên tăng điểm hiếm thấy. Cụ thể, trong phiên 2/11 (thứ Năm), chỉ số VN-Index đã tăng tới 35,81 điểm, tương đương 3,44%.

Xét từ đầu năm 2023 tới nay, đây là phiên tăng mạnh thứ hai, chỉ sau phiên đầu tiên của năm diễn ra vào ngày 3/1 với mức tăng 36,81 điểm, tương đương 3,66%.

Nhìn lại, VN-Index khởi động 2 phiên đầu tuần với mức giảm khá mạnh, lần lượt mất đi hơn 18 điểm và hơn 14 điểm, sau đó bật tăng hơn 11 điểm vào thứ Tư, tăng mạnh hơn 35 điểm vào thứ Năm và nhích nhẹ hơn 1 điểm vào thứ Sáu. Chốt tuần, VN-Index tăng từ 1.060,62 điểm lên 1.076,78 điểm, tức tăng hơn 16 điểm (tương đương 1,52%).

Trong tuần biến động mạnh của VN-Index, khá ít cổ phiếu tăng/giảm trên 10%. Tuy nhiên lại xuất hiện hai "ông lớn" có giá trị vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng ghi nhận 5 phiên tăng liên tiếp trong tuần, lọt vào nhóm tăng trên 10%.

Cái tên đầu tiên là MSN của Tập đoàn Masan tăng tổng cộng 10,55% trong tuần qua. Trước đó, từ khoảng giữa tháng 9 đến ngày 27/10, thị giá MSN đã rơi từ trên 80.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 57.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm lên tới 27%, sau đó mới phục hồi trên 10% trong tuần qua.

Cái tên thứ hai là OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông ghi nhận mức tăng 11,2%. Trên thực tế, cổ phiếu này đã tăng 6 phiên liên tiếp và đã về gần mặt bằng giá hồi giữa tháng 9.

Ngoài ra, trong số khoảng hơn 10 cổ phiếu tăng trên 10% trên sàn HoSE trong tuần qua, còn có sự góp mặt của một "ông lớn" vốn hóa vạn tỷ khác là HSG với mức tăng 10,2%. Dù vậy, tương tự như VN-Index, thị giá HSG giảm trong 2 phiên đầu tuần sau đó mới tăng mạnh ở 3 phiên cuối tuần, trong đó có 1 phiên tăng kịch trần, thay vì tăng suốt tuần như MSN và OCB.

Các cổ phiếu tăng trên 10% còn lại đa phần có giá trị vốn hóa chưa đến 1.000 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, cũng có khoảng hơn 10 cổ phiếu trên sàn HoSE giảm hơn 10% trên sàn HoSE. Tuy nhiên, toàn bộ số cổ phiếu trên đều có giá trị vốn hóa dưới 1.000 tỷ đồng.

Tin mới lên