Tiêu điểm

Hải Phòng: Hé lộ nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân đầu tư công

(VNF) - Với nhiều hạn chế trong năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn của Hải Phòng đến ngày 30/11/2022 mới chỉ đạt 62,6% mức kế hoạch HĐND thành phố giao, tương đương số giải ngân cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ ngày 30/11/2021 đã giải ngân được 9.561 tỷ đồng, bằng 63,6% mức kế hoạch HĐND thành phố giao).

Trong năm 2022, Hải Phòng tập trung vào công tác giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, đối với dự án nâng cấp, cải tạo đường 359 (huyện Thủy Nguyên) phải thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán 2023; dự án cải tạo quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền phải hoàn thành phần đường trong quý 2/2023; đến 30/4/2023, hoàn thành các dự án tuyến đường nối từ cầu Lạng Am Lý Học đến tuyến đường bộ ven biển, dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng từ đường tỉnh 353 đến cầu Thái Bình…

Bên cạnh đó, một số dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 2 thành phố Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện; dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352... cũng phải nhanh chóng hoàn thành thủ tục đầu tư. UBND thành phố chỉ đạo các quận đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các công viên cây xanh; các huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu…

Giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng còn chậm so với kế hoạch được giao

Tuy vậy, so với yêu cầu, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm. Công tác giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng chậm do nhiều hạn chế: Kết quả thu của nguồn thu tiền sử dụng đất chậm và không phát hành được nguồn trái phiếu chính quyền địa phương dẫn đến phải giãn hoãn giải ngân.

Ngoài ra, việc giải ngân kế hoạch vốn ODA của thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc giải ngân vốn ODA cấp phát của 2 dự án (dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển thành phố Hải Phòng; dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai) phải tương đồng với giải ngân vốn ODA vay, song tổng kế hoạch vốn ODA cấp phát và vốn ODA vay không cân bằng nhau. Cụ thể, tổng ODA cấp phát năm 2022 là 179,162 tỷ đồng; ODA vay lại 2022 là 12,5 tỷ đồng. UBND thành phố có nhiều văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, nhưng chưa nhận được hướng dẫn kịp thời từ các bộ, nên chưa thể hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn.

Do đó, sang năm 2023, UBND thành phố xác định nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý điều hành thu chi ngân sách thành phố năm 2023; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư công năm 2023, phấn đấu thu nội địa năm 2023 đạt 42.500 tỷ đồng; chuẩn bị các thủ tục huy động vốn cho phù hợp hạn mức vay đã được Bộ Tài chính thông báo. Đồng thời, Hải Phòng tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công dược giao ngay từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành các dự án được bố trí 100% nhu cầu giải phóng mặt bằng và 80% chi phí xây lắp và các chi phí khác...

Theo kế hoạch, các nguồn vốn đầu tư công năm 2022 của Hải Phòng là 20.397 tỷ đồng nhưng đến 30/11, thành phố giải ngân được 9.805 tỷ đồng, bằng 48,1% kế hoạch HĐND thành phố giao và 77,1% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Hải Phòng thực hiện giãn, hoãn giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn hụt thu tiền sử dụng đất 1.912 tỷ đồng và không phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 2.710 tỷ đồng, nên nguồn vốn đầu tư công sau khi trừ giãn, hoãn là 15.774 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ giải ngân vốn đến ngày 30/11/2022 đạt 62,6% mức kế hoạch HĐND thành phố giao.
Tin mới lên