Hàn Quốc ‘nhòm ngó’ mỏ khoáng sản hơn 3.000 tỷ USD của Triều Tiên

Thanh Tú - 12/10/2018 12:06 (GMT+7)

(VNF) - Hãng tin Yonhap trích dẫn báo cáo của Tập đoàn Khoáng sản Hàn Quốc (KRC) cho biết trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác của Triều Tiên có giá trị khoảng 3,3 nghìn tỷ USD, gấp 15 lần so với Hàn Quốc.

VNF
Trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác của Triều Tiên có giá trị khoảng 3,3 nghìn tỷ USD.

Báo cáo được KRC đệ trình Quốc hội Hàn Quốc ngày 11/10. Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng Triều Tiên hiện sở hữu trữ lượng khoáng sản khổng lồ, gồm 6 tỷ tấn magnesit, 2 triệu tấn than chì, 5 tỷ tấn quặng sắt và 250.000 tấn vonfram.

Cũng theo KRC, Bình Nhưỡng đã ký 40 thỏa thuận đầu tư với các công ty nước ngoài để khai thác khoáng sản, trong đó 90% thỏa thuận được ký với Trung Quốc, ngoài ra, nước này còn kí hợp đồng với công ty đến từ Nhật Bản, Pháp và Thụy Sĩ.

Các công ty Hàn Quốc bị cấm khai thác các mỏ này vì một lệnh trừng phạt vào năm 2010 khi Triều Tiên tấn công ngư lôi vào tàu Cheonan ở phía Bắc, làm 46 thủy thủ thiệt mạng.

Theo báo cáo, các công ty Hàn Quốc đã đầu tư 41,95 triệu USD vào phát triển khoáng sản của Triều Tiên, nhưng hầu hết các dự án đều đã bị hoãn lại.

Mặc dù sở hữu một nguồn khoáng sản phong phú và đầy tiềm năng, Triều Tiên không có đủ các thiết bị khai thác khoáng sản phù hợp và thiếu các khách hàng tiềm năng do các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, Hàn Quốc mặc dù có đủ công nghệ để sản xuất chip điện tử, màn hình và pin sạc điện thoại nhưng chủ yếu vẫn phải nhập nguyên liệu thô từ nước ngoài.

“Nếu Hàn Quốc có thể mua được tài nguyên khoáng sản của Triều Tiên, nguồn tài nguyên này có thể được sử dụng ổn định trong vài thế kỷ”, Nghị sĩ Park Jung của đảng Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc đưa ra gợi ý.

Cách đây 5 năm, Trung Quốc đã chi 10 tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng gần đường biên giới với Triều Tiên, tạo điều kiện tiếp cận nguồn khoáng sản của người láng giềng. Năm 2014, đến lượt Nga đề xuất kế hoạch "đại tu" hệ thống đường sắt của Triều Tiên cũng để tiếp cận các khu mỏ tiềm năng. Kế hoạch hiện bị đình trệ, nhưng sự quan tâm của các nước láng giềng với tài nguyên Triều Tiên luôn còn.

Hàn Quốc cũng không đứng ngoài. Nước này xem việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Triều Tiên, đặc biệt các khu vực khai khoáng, là một cách kéo 2 nước xích lại gần nhau.

Tháng 5/2017,  bộ cơ sở hạ tầng Hàn Quốc mời thầu các dự án ở Triều Tiên, bao gồm những dự án liên quan đến tài nguyên khoáng sản. Những dự án tài nguyên này được cho là có khả năng chi trả phí sửa chữa cơ sở hạ tầng Triều Tiên - nếu việc thống nhất xảy ra.

Cục Hải quan Hàn Quốc hôm hồi tháng 8 mới đây cho biết hơn 35.000 tấn than và sắt của Triều Tiên trị giá 6,6 tỷ won (5,8 triệu USD) được nhập khẩu vào nước này từ tháng 4 đến tháng 10/2017. Ngoài việc vi phạm luật Hàn Quốc, một số lô hàng có khả năng nằm trong danh sách cấm vận của Liên hợp quốc áp dụng từ tháng 8/2017 đối với Triều Tiên.

Hội đồng Bảo an LHQ năm ngoái thông qua một loạt nghị quyết nhắm tới hoạt động xuất khẩu và mạng lưới tài chính Triều Tiên để ngăn chặn nguồn thu ngoại tệ phục vụ cho chương trình hạt nhân của nước này.

Mới đây, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/10, sau cuộc tham vấn cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa Nga, Trung Quốc và Triều Tiên tại Moscow ngày 9/10, giới chức ba nước ủng hộ các cuộc đối thoại giữa Triều Tiên với Mỹ và giữa Triều Tiên với Hàn Quốc nhằm hướng tới nhanh chóng bình thường hóa quan hệ.

Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Triều Tiên và cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước.

Xem thêm >> Thị trường tiền ảo ‘bay hơi’ 19 tỷ USD vốn hoá chỉ trong 2 ngày

Theo Yonhap
Cùng chuyên mục
Tin khác