Tài chính quốc tế

Hàn Quốc - Triều Tiên thêm căng thẳng, Phần Lan đóng cửa khẩu biên giới với Nga

(VNF) - Căng thẳng lại gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, sự phức tạp của dịch bệnh hô hấp mới bùng phát tại Trung Quốc, biên giới Nga - Phần Lan có nguy cơ đóng cửa,...là những tin tức thu hút nhiều sự chú ý trong tuần vừa qua.

Hàn Quốc - Triều Tiên thêm căng thẳng, Phần Lan đóng cửa khẩu biên giới với Nga

Ảnh minh hoạ.

Trung Quốc bùng dịch bệnh hô hấp

Từ giữa tháng 10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về sự gia tăng về bệnh lý hô hấp trẻ em tại miền bắc Trung Quốc. Đến giữa tháng 11, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo về sự gia tăng trên quy mô toàn quốc các bệnh lý đường hô hấp, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhận định nguyên nhân là do việc dỡ bỏ các chính sách hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 cùng sự lây lan của các mầm bệnh đường hô hấp như cúm, mycoplasma pneumoniae (vi khuẩn gây viêm phổi phổ biến ở trẻ em), virus hợp bào hô hấp (RSV) và virus SARS-CoV-2.

Đến ngày 21/11, Chương trình theo dõi các bệnh mới nổi (ProMED) có thông báo về các chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại miền Bắc Trung Quốc. Hiện chưa xác định được mối liên quan giữa các chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em này với tình trạng đang gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp tại Trung Quốc.

Theo đó, WHO đã đưa ra yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp thông tin dịch tễ học và lâm sàng, kết quả xét nghiệm từ những trường hợp được báo cáo và dữ liệu về xu hướng gần đây của các tác nhân gây bệnh đường hô hấp và kiểm tra các trường hợp bùng phát có mối liên hệ hay không.

Hàn Quốc đình chỉ một phần thoả thuận quân sự với Triều Tiên

Ngày 22/11, Hàn Quốc thông báo sẽ đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự mà nước này ký với CHDCND Triều Tiên vào năm 2018, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng vệ tinh do thám thành công.

Trước đó 1 ngày, phía Bình Nhưỡng đã phóng vệ tinh do thám đầu tiên lên quỹ đạo và có ý định phóng thêm nhiều vệ tinh khác trong tương lai. Hãng thông tấn KCNA cho biết vệ tinh có tên Malligyong-1 đã được phóng bằng tên lửa Chollima-1 từ cơ sở phóng vệ tinh Sohae lúc 22h42p ngày 21/11 và đi vào quỹ đạo lúc 22h54p cùng ngày (giờ địa phương). 

Động thái từ người láng giềng phía bắc khiến chính phủ Hàn Quốc phải tổ chức họp ngay trong sáng 22/11, sau đó ra quyết định Seoul sẽ đình chỉ một phần của thỏa thuận quân sự mà hai miền bán đảo Triều Tiên ký kết vào năm 2018, dưới thời cựu Tổng thống Moon Jae-in.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sau đó cho biết nước này sẽ khôi phục hoạt động giám sát trên không gần giới tuyến quân sự với Triều Tiên.

Được biết, tên chính thức của thoả thuận là "Thỏa thuận quân sự toàn diện", được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un, nhằm mục đích giảm thiểu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Hai bên đã đồng ý thiết lập các vùng đệm không tổ chức tập trận bắn đạn thật, cũng như các vùng cấm bay, loại bỏ một số trạm gác tại khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai nước và duy trì đường dây nóng, cùng các biện pháp khác.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vệ tinh Malligyong-1 trên truyền hình.

Phần Lan đóng gần hết cửa khẩu biên giới với Nga

Bắt đầu từ ngày 24/11, Phần Lan sẽ đóng hầu hết các cửa khẩu biên giới với Nga và chỉ mở duy nhất tuyến đường qua Bắc cực xa xôi nhằm kiểm soát người di cư trái phép.

Trước đó, ngày 18/11, Phần Lan đã đóng cửa 4 cửa khẩu ở biên giới phía đông gồm Vaalimaa, Nuijamaa, Imatra và Niirala.

Phía Helsinki cho biết kể từ đầu tháng 11, hơn 600 người không có giấy tờ thông hành hợp lệ đến Liên minh châu Âu (EU) đã tiến vào Phần Lan qua Nga và điều này khiến họ phải đóng cửa một số cửa khẩu. Theo cơ quan di trú Phần Lan, những người xin tị nạn đến từ nhiều quốc gia bao gồm Yemen, Afghanistan, Kenya, Morocco, Pakistan, Somalia và Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẵn sàng đối thoại với Helsinki về tình hình biên giới sau khi Phần Lan quyết định đóng cửa các cửa khẩu.

"Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, đặc biệt về vấn đề biên giới. Chúng tôi chưa kết thúc cuộc đối thoại này, chúng tôi chưa chấm dứt điều đó. Chúng tôi chưa cắt đứt bất kỳ kênh liên lạc nào với Helsinki. Chúng tôi đã nói điều này trực tiếp với đại diện Phần Lan. Đại sứ Phần Lan tại Nga (Antti Helantera) đã được triệu tập (đến Bộ Ngoại giao Nga), nhưng chúng tôi đã nói chuyện công khai về vấn đề này nhiều lần", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết ngày 22/11.

Bà Zakharova bày tỏ hy vọng rằng truyền thông Phần Lan "có thể truyền tải quan điểm của Nga tới cả chính quyền và công chúng Phần Lan".

Lũ lụt hoành hành tại Philippines

Ngày 22/11, giới chức Philippines cho biết ít nhất 1 người thiệt mạng và hàng chục người khác buộc phải đi sơ tán sau khi mưa lớn gây lũ lụt ở toàn bộ miền trung nước này. 

Tại Bắc Samar - một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất, nhiều thị trấn và làng mạc đã chìm trong nước lũ sau khi mưa lớn kéo dài một tuần qua. Nhiều con đường tại thị trấn chìm trong nước lũ bùn. Nước lũ tràn cả vào các trung tâm mua sắm, tòa nhà thương mại và làm ngập cả mái nhà 2 tầng. 

Trong vòng 24 giờ tính đến hết sáng 21/11, thị trấn Catarman đã ghi nhận lượng mưa cao hơn mức trung bình của một tháng. Theo chuyên gia dự báo thời tiết Benison Estareja, thị trấn này ghi nhận lượng mưa hằng tháng khoảng 450 mm, song riêng ngày 21/11, lượng mưa là 619 mm.

Cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết trên 43.000 người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa và có thể trở về khi nước lũ rút. 

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới dịch chuyển lần đầu tiên sau 37 năm

Ngày 25/11, tờ Reuters đưa tin tảng băng trôi lớn nhất thế giới, A23a, đã tách khỏi Nam Cực và trên đà dịch chuyển lần đầu tiên sau 37 năm.

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới nặng 1.000 tỉ tấn, rộng 4.000km2 (gấp 3 lần thành phố New York của Mỹ), tách ra khỏi thềm băng Filchner-Ronne ở Tây Nam Cực vào năm 1986 và phần lớn bị mắc kẹt ở phần dưới đáy biển Weddell suốt từ đó đến nay.

Theo Cơ quan khảo sát Nam Cực của Anh, ảnh vệ tinh gần đây cho thấy tảng băng trôi này đang trôi nhanh qua mũi phía bắc của Bán đảo Nam Cực, do lực đẩy của gió và dòng chảy mạnh.

Khi tăng tốc, tảng băng khổng lồ này có thể sẽ trôi nhanh vào Hải lưu Vòng Nam Cực. Điều này đồng nghĩa với việc tảng băng sẽ hướng về phía Nam Đại Dương, nơi có nhiều tảng băng có diện tích lớn khác đang cùng trôi nổi tự do trên vùng biển này.

Theo nhà nghiên cứu người Anh Oliver Marsh làm việc tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực, việc một tảng băng trôi có kích thước như thế này di chuyển là điều rất hiếm gặp, do đó các nhà khoa học sẽ theo dõi chặt chẽ quỹ đạo của A23a.

Xem thêm >> Israel ngừng bắn nhân đạo, Iceland tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Tin mới lên