Bất động sản

Hàng loạt dự án vốn FDI ‘đắp chiếu’ gần 1 thập kỷ

(VNF) - Dù thị trường đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng trong 3 năm qua, tuy nhiên không ít dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang trong cảnh "đắp chiếu", "trùm mền" chờ được hồi sinh.

Hàng loạt dự án vốn FDI ‘đắp chiếu’ gần 1 thập kỷ

Dự án Khu đô thị mới Thạch Bàn - Hà Nội (Ha Noi Garden City) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD vẫn đang dang dở

La liệt dự án chết

Tại thị trường TP. HCM, chỉ điểm sơ qua đã có hàng loạt dự án "trùm mền". Trong đó, đáng chú ý nhất dự án khu đô thị Thanh Đa – Bình Quới - gần 1/4 thế kỷ trôi qua mà vẫn còn nằm trên giấy.

Theo tìm hiểu, dự án này ban đầu được UBND Thành phố giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn. Tuy nhiên do chậm tiến độ, đến năm 2010, Thành phố đã quyết định thu hồi và giao cho 1 tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2000) của khu vực này.

Khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới "trùm mền" gần 1/4 thế kỷ qua

Những tưởng dự án sẽ được hồi sinh, ngờ đâu bản quy hoạch cũng không cứu được dự án khỏi chìm vào quên lãng. Chật vật mãi đến cuối năm 2015, TP. HCM mới chọn được chủ đầu tư mới là Liên danh Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai). Thế nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", đầu năm 2017, Emaar Properties PJSC đã bất ngờ rút khỏi dự án. Điều này khiến cho câu hỏi về tính khả thi của dự án lại tiếp tục được đặt ra.

Không riêng gì dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, cả hai dự án khủng của Công ty Berjaya (thuộc Tập đoàn Berjaya của Malaysia) làm chủ đầu tư vẫn trong tình trạng "án binh bất động" nhiều năm qua. Đó là dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam - Vietnam Financial Center tại quận 10 và khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn với quy mô tổng mức đầu tư rất lớn lần lượt là 930 triệu USD và 3,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, đây không phải là dự án dở dang nhất của Berjaya. Tập đoàn này từng có những lời hứa tại các dự án hoành tráng khác như dự án Thành phố mới Nhơn Trạch tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, hay dự án Khu đô thị mới Thạch Bàn - Hà Nội (Ha Noi Garden City - hợp tác cùng Handico 12) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.

Tại các tỉnh lân cận TP. HCM, tình trạng dự án tỷ USD "đắp chiếu" cũng không phải là hiếm. Đơn cử như Tokyu Bình Dương, dự án này có vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, do Công ty TNHH Becamex Tokyu liên doanh với Tập đoàn Tokyu Nhật Bản và Tập đoàn Becamex IDC của Việt Nam làm chủ đầu tư.

Để thực hiện dự án này, Becamex IDC tính toán tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 để hoàn thành các dự án thành phần theo quy hoạch là khoảng 10 tỷ USD. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, ngoài nhiều con đường rộng lớn dẫn vào ra khu đô thị hoành tráng này, bốn bề vẫn còn hoang hóa.

Hay một loạt dự án khác như khu công nghệ kỹ thuật cao Mapletree của Singapore, phố Golden Town, dự án Aroma, dự án khách sạn cao cấp và căn hộ của công ty N.H.O… đến nay vẫn rất "im ắng".

Một dự án khác tại Vũng Tàu - Paradise Vũng Tàu cũng đang bế tắc trong việc tìm lối thoát suốt 25 năm. Dự án này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép năm 1991, là kết quả của liên doanh giữa Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Paradise Development and Investment (Đài Loan), có diện tích 220 ha.

Đây là dự án du lịch có quy mô lớn nhất cả nước có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư hơn 97 triệu USD. Cho đến thời điểm hết thời hạn hoạt động, do nhà đầu tư thiếu vốn khiến dự án rơi vào tình trạng "chết yểu".

Bên cạnh đó, không ít các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bị rút giấy phép hoặc tự rút khỏi thị trường. Trong đó, có thể kể đến Công ty TNHH Korean DM Lee rút khỏi dự án quy mô 100 ha tại Long An, Công ty MK International bị tỉnh Bình Thuận chấm dứt thỏa thuận về việc đầu tư dự án có vốn 900 triệu USD tại Phan Rang - Tháp Chàm.

Những biến chuyển nhờ M&A

Cũng có số phận lận đận và phải "đắp chiếu" trong thời gian dài, thế nhưng tại thị trường Hà Nội, tình hình có vẻ khả quan hơn khi một số dự án vốn FDI đã rục rịch khởi động lại sau một thời gian dài "ngủ đông".

Dự án Daewoo Cleve đã rục rịch khởi động lại sau một thời gian dài "ngủ đông"

Một trong những dự án được tái khởi động mới nhất phải kể đến Daewoo Cleve (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty TNHH Hi Brand (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 421,5 triệu USD, quy mô 15 tòa tháp, cung cấp hơn 4.500 căn hộ.

Được khởi công năm 2009 trong nhiều năm qua, dự án đã bị đình trệ và phải nhiều lần điều chỉnh thiết kế. Tháng 5/2017, trong một động thái khá bất ngờ, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản Thế kỷ (CEN Invest) đã nhảy vào dự án này bằng thỏa thuận hợp tác với Công ty Hi Brand để phát triển một phần Dự án với tên gọi The K- Park Văn Phú – Hà Đông. The K-Park gồm 3 tòa căn hộ cao từ 23 – 27 tầng, dự kiến cung cấp khoảng 951 căn hộ. CEN Invest cho biết, nếu The K-Park thành công, đơn vị này sẽ tính tới chuyện mua lại toàn bộ dự án Daewoo Cleve.

Một dự án cũ cũng được tái khởi động lại trong thời gian qua là chung cư Booyuong Vina của Công ty TNHH Một thành viên Booyuong Việt Nam (vốn Hàn Quốc 100%). Dự án này được khởi công vào tháng 2/2007, có tổng diện tích đất 4,3ha, tổng mức đầu tư 171 triệu USD, quy mô 6 phân khu nhà ở cao 30 tầng, cung cấp 3.482 căn hộ.

Trong 8 năm qua, dự án đã liên tục chậm tiến độ và nhiều lần bị chính quyền Hà Nội thanh kiểm tra. Tuy nhiên, dự án này đang trở lại khá ấn tượng khi tòa CT4, CT7 được thi công và chào bán đợt 1 trong tháng 6 vừa qua.

Một cái tên khác cũng đang được kì vọng trở lại là Times Square Hà Nội. Dự án này đã "đứng im" trong khoảng 10 năm qua, song mới đây, VinCapital đã chuyển nhượng 65 triệu cổ phần dự án này sang cho Elite Capital Resources Limited để thu về 41 triệu USD. Cú sang tay của VinaCapital dù là một thương vụ mang tính kĩ thuật của chu kì đầu tư, tuy nhiên, thị trường vẫn hi vọng đây sẽ là tín hiệu tốt cho sự hồi sinh của dự án này.

Tin mới lên