Tiêu điểm

Hãng tàu ngoại tự ý tăng phí, doanh nghiệp Việt bị ép ngay trên 'sân nhà'

(VNF) - Theo Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp khó khi các hãng tàu tự ý tăng 10 - 20% phí xếp dỡ tại cảng, gây thêm khó khăn cho xuất nhập khẩu trong bối cảnh Biển Đỏ leo thang.

Hãng tàu ngoại tự ý tăng phí, doanh nghiệp Việt bị ép ngay trên 'sân nhà'

Biển Đỏ nổi sóng: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu ‘khóc ròng’ vì chi phí tăng

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam mới đây đã gửi văn bản kiến nghị gửi đến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Hàng hải Việt Nam về việc tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài.

Hàng tàu nước ngoài tự ý thu hàng chục loại phí và phụ phí

Theo Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài đã tự ý thu hàng chục loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Không chỉ vậy, các hãng tàu cũng liên tục tự tăng các loại phí và phụ phí này mà thiếu căn cứ, cơ sở, cũng như chưa tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Các mức tăng hầu hết ở mức cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà hãng tàu trả lại cho các cảng biển Việt Nam.

Theo cập nhật mới nhất, khi Thông tư 39/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container, lai dắt vừa được ban hành ngày 25/12/2023, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/2/2024 thì ngay từ đầu tháng 2/2024 đồng loạt các hãng tàu nước ngoài đã công bố tăng 10 – 20% phí THC (Terminal Handling Charge - phụ phí xếp dỡ tại cảng) đối với mỗi loại dịch vụ container tại Việt Nam.

Đáng nói là việc tăng phí này chỉ áp dụng đối với Việt Nam, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều chưa có động thái tăng. Đặc biệt, nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì 10 – 20% tăng phí THC của hãng tàu cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.

“Việc ban hành Thông tư 39 đã được các Bộ, Ban, ngành nghiên cứu kỹ lượng sau hơn 5 năm không điều chỉnh bất kỳ loại giá dịch vụ nào. Tuy nhiên các hãng tàu nước ngoài chỉ trong thời gian chưa đến 1 tháng từ khi Thông tư 39 được ban hành đã ngay lập tức cho mình quyền điều chỉnh mức phí THC áp dụng riêng đối với Việt Nam. Các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc từ các quy định nào của cơ quan chức năng”, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam chỉ rõ bất cập.

Hàng đông lạnh vận chuyển sang Châu Âu tăng 4 lần

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cũng cho biết thêm, hành vi điều chỉnh THC đợt này không phải lần đầu tiên. Do đó, điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với quốc gia trong công tác quản lý hãng tàu nước ngoài và bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng biển, dịch vụ logistics nước nhà.

Với hiện trạng quan ngại nêu trên, Hiệp hội Chủ hàng đề xuất các cơ quan ban ngành cần có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để kiểm soát hành vi điều chỉnh phí THC, phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.

Cụ thể, bổ sung Phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, tránh trường hợp các hãng tàu tùy ý tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng xuất nhập khẩu.

Hãng tàu cần có báo cáo về cơ cấu phí THC, trong trường hợp các phụ thu này siêu lợi nhuận thì cơ quan chức năng cần phải áp dụng các chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sớm rà soát và ban hành cơ chế quản lý việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế; yêu cầu chủ tàu ngừng ngay việc thu các loại phí không hợp lý; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế quản lý việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phù hợp.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, căng thẳng Biển Đỏ đang là vấn đề quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, bởi bên cạnh việc tác động làm tăng chi phí còn là những hệ lụy đi kèm. Đáng chú ý, chúng ta cũng chưa biết được tình trạng căng thẳng Biển Đỏ sẽ còn kéo dài bao lâu. Việc này tác động đến những đơn hàng của tương lai, hoặc những chi phí mà doanh nghiệp cần phải tính toán vào trong giá thành sản phẩm.

Tính cho tổng chi phí trả cho 1 container hàng trong 1 tháng qua, cước phí vận chuyển đi Bờ Tây nước Mỹ đang tăng 70%, nhưng hàng đông lạnh đi châu Âu đang tăng gần 4 lần. Cùng với khó khăn về suy giảm đơn hàng xuất khẩu, căng thẳng Biển Đỏ tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp.Vì thế, rất cần sự chung tay, hỗ trợ, sự tham gia tích cực lúc này của các hãng tàu, một trong những mắt xích quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tin mới lên