‘Hất cẳng’ Anh, Nga trở thành ‘ông trùm’ vũ khí thứ hai thế giới

Thanh Tú - 10/12/2018 10:29 (GMT+7)

(VNF) - Vốn nắm giữ vị trí nước sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới từ năm 2002, mới đây Anh đã phải nhường vị trí này cho Nga, theo báo cáo được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 10/12.

VNF
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Lý giải về kết quả này, ông Siemon Wezeman, chuyên gia cấp cao của SIPRI cho biết các tập đoàn vũ khí Nga gia tăng đáng kể doanh số bán hàng từ năm 2011, đây chính là thời điểm Moscow bắt đầu tăng cường mua khí tài để hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Cụ thể, Nga có 10 công ty lọt vào danh sách 100 hãng sản xuất vũ khí và dịch vụ quân sự hàng đầu thế giới trong năm 2017 của SIPRI, chiếm 9,5% thị phần toàn thế giới với doanh thu 37,7 tỷ USD.

Năm 2017 cũng đánh dấu lần đầu tiên một công ty của Nga - Almaz - Antey - lọt vào top 10 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới với doanh thu đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17%.

Phần lớn các hãng vũ khí của Nga có doanh thu năm 2017 tăng so với năm 2016, ba hãng có doanh thu tăng trên 15% là Tập đoàn Động cơ Thống nhất (tăng 25%), Công ty Vũ khí Chính xác thuộc tập đoàn Rostec (tăng 22%) và Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật (tăng 19%).

Mỹ vẫn là quốc gia đi đầu về sản xuất và bán vũ khí, với 42 công ty nằm trong danh sách của SIPRI và chiếm 57% doanh số bán vũ khí của 100 công ty được nêu tên, tương đương 226,6 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2016. Lockheed Martin là hãng sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2017 với doanh thu 44,9 tỷ USD.

Anh đứng ở vị trí thứ ba với doanh thu 35,7 tỷ USD. Tập đoàn BAE System của Anh là công ty lớn thứ 4 trong top 100 hãng sản xuất vũ khí và dịch vụ quân sự hàng đầu thế giới trong năm 2017 của SIPRI.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Vladimir Shamanov từng khẳng định rằng ngành công nghiệp quốc phòng Nga ngày càng phát huy hiệu quả và không phải ngẫu nhiên mà ngày càng có nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước không phải là đồng minh của Nga, tìm mua vũ khí của Moscow.

Hồi tháng 4, chuyên gia quân sự, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga Konstantin Valentinovich Sivkov cũng đã đưa ra nhận định tương tự. "Việc Mỹ tấn công Syria chỉ càng khiến vũ khí Nga được quảng bá rộng rãi, đồng nghĩa với việc Nga sẽ bán được nhiều thiết bị quân sự và vũ khí cho các nước", ông Sivkov nói.

Mới đây, tập đoàn Rosobornexport cũng vừa ký thêm ba hợp đồng bán vũ khí cho Trung Quốc tại triển lãm hàng không Chu Hải, diễn ra tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Các hợp đồng mua bán vũ khí này được ký bất chấp việc Rosobornexport bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" từ năm 2017 theo đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAATSA). Mỹ hồi tháng 9 cũng viện dẫn CAATSA để trừng phạt một đơn vị quân sự Trung Quốc do đã mua tiêm kích S-35 và tên lửa phòng không S-400 từ Nga.

Xem thêm >> Vụ bắt CFO Huawei: Trung Quốc hối thúc Mỹ ‘sửa chữa hành vi sai lầm’

Theo RIA Novosti
Cùng chuyên mục
Tin khác