OPEC và Nga nhất trí giảm sản lượng dầu, ‘dội gáo nước lạnh’ vào Mỹ

Minh Đăng - 08/12/2018 09:29 (GMT+7)

(VNF) - Các nước thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài tổ chức ngày 7/12 đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 1,2 triệu thùng/ngày từ năm 2019, bất chấp sức ép tăng cung từ Mỹ.

VNF
OPEC, Nga ngày 7/12 nhất trí giảm sản lượng dầu bất chấp áp lực của Mỹ.

Các nước OPEC đã nhóm họp vào ngày 6/12 tại Vienna (Áo), và sau đó tiến hành các cuộc thảo luận với những nước sản xuất dầu ngoài OPEC như Nga trong ngày 7/12 để thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu nhằm "vực dậy" giá năng lượng này.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh giá dầu thô giảm do kinh tế thế giới chững lại và mối quan ngại về tình trạng nguồn cung dầu dư thừa do sản lượng “vàng đen” của Mỹ gia tăng.

Theo Chủ tịch OPEC Suhail Al Mazrouei, sau hai ngày họp, các thành viên OPEC cam kết giảm 800.000 thùng mỗi ngày trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2019. Mức giảm dành cho Nga và các nước sản xuất khác không thuộc OPEC là 400.000 thùng. Các thành viên OPEC gồm Iran, Venezuela và Libya vẫn được miễn.

Giá dầu đã giảm 30% kể từ tháng 10 vừa qua do nguồn cung dầu tăng và nhu cầu toàn cầu giảm. Ngay sau quyết định của các nước, giá dầu thế giới hôm qua đã tăng 5%.

Thỏa thuận OPEC hai ngày trước rơi vào tình thế bất định, trước hết là vì lo ngại rằng Nga sẽ cắt giảm quá ít, và sau đó là lo ngại Iran, nước xuất khẩu dầu thô đã bị các chế tài của Mỹ làm cho kiệt quệ, sẽ không được miễn trừ và sẽ chặn thỏa thuận này.

Nhưng sau nhiều giờ đàm phán, Iran cũng đã quyết định "bật đèn xanh" cho việc giảm sản lượng dầu vào khoảng 800.000 thùng/ngày từ năm 2019, sau khi đạt được thỏa thuận với Arab Saudi về khả năng miễn trừ khỏi việc cắt giảm sản lượng.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak phát biểu tại cuộc họp ngày 7/12.

Nga cam kết cắt giảm 228.000 thùng một ngày từ mức 10,4 triệu thùng một ngày trong tháng 10, dù họ nói việc cắt giảm sẽ dần dần và diễn ra trong vài tháng.

Từ năm ngoái, OPEC hợp tác với Nga và một số nước khác để quản lý nguồn cung dầu nhằm "cứu" giá dầu sau một đợt giảm sâu kéo dài.

Chính sách hạn chế sản lượng của OPEC đã khiến ông Trump không hài lòng, vì ông muốn giá bán lẻ xăng dầu ở Mỹ tăng lên. Năm nay, ông Trump đã nhiều lần công khai chỉ trích OPEC khi giá dầu tăng và kêu gọi khối này có biện pháp để giá dầu hạ xuống.

Thậm chí trước cuộc họp ở OPEC, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/12 viết trên mạng xã hội Twitter rằng: "Hy vọng là OPEC sẽ giữ dòng sản lượng dầu ở mức hiện nay, không hạn chế. Thế giới không muốn, hay cần, giá dầu cao”.

Sản lượng dầu xuất khẩu của Iran đã sụt giảm mạnh sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt mới trong tháng 11. Trong những năm qua Nga, Saudi Arabia và Mỹ đã ganh đua vị trí nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Mỹ không tham gia bất cứ thỏa thuận cắt giảm sản lượng nào vì vướng luật chống độc quyền của nước này.

Xem thêm >> Mỹ vẫn ‘lỗ nặng’ bất chấp mọi nỗ lực của ông Trump

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác