Bất động sản

Hệ thống Metro TP.HCM: Dấu ấn sau 42 năm thống nhất

Trong những năm gần đây việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông luôn là vấn đề mà nhiều thế hệ lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phải "đau đầu" tìm giải pháp.

Hệ thống Metro TP.HCM: Dấu ấn sau 42 năm thống nhất

Hệ thống Metro TP.HCM.

Kể từ khi đất nước thống nhất vào tháng 4/1975 đến nay đã có hàng ngàn công trình giao thông được đầu tư và đưa vào sử dụng tại địa phương này, nhưng đến nay tất cả đều rơi vào quá tải. Chính vì vậy giờ đây hệ thốngMetro được coi như một "cứu cánh" để cùng với các giải pháp khác làm dịu đi những bức bối về nhu cầu đi lại của người dân.

Xương sống của hệ thống giao thông công cộng

Trên thực tế, ý tưởng về một hệ thống Metro cho TP.HCM đã manh nha từ cuối thập niên 90. Khi đó TP.HCM đã có những báo cáo nhận định rằng vận tải đường sắt đô thị khối lượng lớn sẽ là yếu tố chủ chốt trong chiến lược đẩy mạnh sử dụng giao thông công cộng. Khi hoàn thành, hệ thống này sẽ trở thành cơ sở quan trọng để TP.HCM tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân.

Tuy nhiên phải đến năm 2007 Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, trong đó có hệ thống đường sắt đô thị. Nhận thấy rằng cần phải mở rộng hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tới tháng 4/2013 Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh dự án nói trên.

Theo quy hoạch mới, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM sẽ có 8 tuyến Metro với tổng chiều dài 172km, ba tuyến xe điện chạy trên mặt đất hoặc Monorail với tổng chiều dài 56,5 km.

Sau 8 tuyến nói trên sẽ không thể không kể đến Nhà ga Trung tâm Bến Thành (quận 1) – bởi đây được coi là nơi giao cắt, là nhà ga chung cho 4 tuyến (tuyến số 1, số 2, số 3a, số 4). Ngoài việc xây dựng ở đây một nhà ga ngầm, TP.HCM còn quyết định cho làm một khu Trung tâm Thương mại ngầm kéo dài từ nhà ga Bến Thành và dọc đường Lê Lợi đến ga Nhà hát TP, với tổng diện tích 45.000m2, và chi phí gần 7.000 tỷ đồng.

Đề cập đến tầm quan trọng của hạng mục này, ông Lê Nguyễn Minh Quang – Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM nhận định rằng công trình sẽ "tạo ra cú hích, thay đổi diện mạo trung tâm TP".

Với các tuyến nói trên có thể nói toàn T.HCMP sẽ được phủ kín bằng một mạng lưới giao thông hiện đại, đảm bảo kết nối từ trung tâm TP đến những vùng ngoại thành tập trung đông dân cư.

Trong tương lai những tuyến đường này sẽ kết hợp với các tuyến xe điện, xe buýt để hình thành nên một hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh. Chỉ khi đó người dân TP.HCM mới có thể đi lại thoải mái và không còn phải đưa mặt ra "thách thức" thời tiết, khói bụi như hiện nay.

Thử thách 21 tỷ USD

Viễn cảnh nói trên là một điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhưng với khoảng 21 tỷ USD (khoảng 400.000 tỷ đồng) cần thiết để xây dựng được 8 tuyến thì đây thực sự là bài toán hóc búa mà TP.HCM phải giải quyết – đặc biệt trong bối cảnh ngân sách ngày càng khó khăn và tỉ lệ điều tiết từ Trung ương cho TP.HCM đã giảm từ 23% xuống còn 18% trong những năm tới đây.

Không những thế trượt giá cũng là vấn đề mà cả TP.HCM và dư luận rất lo ngại, vì điều này gần như đã trở thành một trong những chuyện "đương nhiên" của các công trình xây dựng tại Việt Nam.

Chính vì vậy những người lạc quan nhất cũng không dám tin tưởng rằng những tuyến Metro có thời gian thi công trung bình 5 năm sẽ giữ nguyên mức giá đã được ấn định trước đó. Việc tuyến Metro số 1 có vốn đầu tư dự kiến chỉ 1,09 tỷ USD nhưng nay đã tăng lên 2,5 tỷ (có bổ sung một số hạng mục) đã cho thấy rằng đó là thực tế rất đáng lo ngại.

Tuy nhiên trượt giá hay vốn từ ngân sách vẫn chưa phải là tất cả những gì mà chính quyền TP.HCM phải đối mặt. Theo số liệu thống kê thì để có vốn thực hiện TP.HCM phải kêu gọi sự trợ giúp của các tổ chức tài chính nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng khó khăn thì không có gì đảm bảo rằng mọi chuyện sẽ luôn tốt đẹp như những lời cam kết, bởi vào năm 2012 Chính phủ Tây Ban Nha đã cắt giảm mức vốn cam kết tài trợ ở tuyến Metro số 5 từ 500 triệu xuống còn 200 triệu Euro vì nước này gặp phải những khó khăn về kinh tế.

Nếu như cách đây 5 năm nhiều người vẫn hình dung về Metro như một thứ hoàn toàn xa lạ và còn rất lâu mới phô diễn được hình dạng thì giờ đây tình hình đã khác. Cho đến tháng 4/2017, tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên đã hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Những khối bê tông cong mềm mại đã vươn dài trên suốt quãng đường 12km trên cao, trong khi đó dưới đường hầm cũng nhộn nhịp không kém với chiếc máy khoan khổng lồ TBM đang ngày đêm lấn dũi từng khối đất. Chỉ 2 năm nữa thôi những chuyến xe đầu tiên có thể khởi hành, mang theo hy vọng lớn về một loại phương tiện xứng tầm một thành phố lớn trong tương lai.

8 tuyến Metro được bố trí thế nào?

Tuyến Metro số 1: Bắt đầu từ Bến Thành (quận 1) đến Suối Tiên (quận 9) có tổng chiều dài 19,7 km trong đó có 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao. Tuyến sẽ có 14 nhà ga và 1 Depot đặt tại phường Long Bình (quận 9, với diện tích 20 ha), tổng mức đầu tư là 2,491 tỷ USD.

Tuyến Metro số 2: Có chiều dài khoảng 50km, nối liền Thủ Thiêm (quận 2) và bến xe Tây Ninh (huyện Hóc Môn). Do có khối lượng công việc lớn nên tuyến được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ Bến Thành đến Tham Lương với tổng chiều dài khoảng 11,3 km, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. 

Giai đoạn 2 sẽ kết nối Bến Thành đến Thủ Thiêm và từ Tham Lương đến bến xe Tây Ninh. Tổng chiều dài 2 đoạn tuyến: khoảng 9,1 km (4,2 km đi ngầm và 4,9 km đi trên cao) với tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD. Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành tuyến khi kết nối bến xe Tây Ninh với khu Tây Bắc Củ Chi. Chiều dài tuyến này vào khoảng 28km và tổng mức đầu tư là 2,7 tỷ USD.

Tuyến Metro số 3a, 3b: Trong đó tuyến 3a có chiều dài 19,8 km nối liền Bến Thành và ga Tân Kiên (Bến xe Miền Tây mới thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) với thời gian thực hiện dự tính từ 2017 – 2025. Tuyến 3b có chiều dài 13 km kéo dài từ ngã sáu Cộng Hòa (quận Tân Bình) tới Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức). Dự án này được dự kiến thực hiện sau năm 2020. Tổng số vốn cho hai tuyến vào khoảng 4,7 tỷ USD.

Tuyến Metro số 4: Tuyến đường này bắt đầu từ Thạnh Xuân (quận 12) và kết thúc tại khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) với chiều dài 36 km. Thời gian dự kiến để thực hiện công trình kéo dài từ năm 2018 đến 2025 với tổng số vốn đầu tư 3,7 tỷ USD.

Tuyến Metro số 4b: Nối từ Công viên Gia định (tuyến số 4) đến Lăng Cha Cả (tuyến số 5). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3,2km đi ngầm. Depot sẽ đặt tại Công viên Gia Định rộng 1,2ha. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 1,1 tỷ USD.

Tuyến Metro số 5: Từ  bến xe Cần Giuộc (huyện Bình Chánh) đến cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh). Tuyến có tổng chiều dài 23,4km với kinh phí gần 4 tỷ USD. Toàn tuyến có 22 nhà ga với 16 nhà gà trên cao, 6 nhà ga ngầm.

Tuyến Metro số 6: Theo quy hoạch, tuyến đường bắt đầu từ Bà Quẹo (quận Tân Bình – Tân Phú) và kết thúc tại vòng xoay Phú Lâm (quận 6). Đây là tuyến đường đi ngầm toàn bộ với chiều dài khoảng 6,3 km với 7 ga. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD.  

 

Tin mới lên