HNX hủy hàng loạt phiên đấu giá vì không có nhà đầu tư đăng ký mua

Hải Đường - 30/12/2020 13:35 (GMT+7)

(VNF) - Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), phiên đấu giá cổ phần của SCIC tại Công ty Công trình giao thông Bình Thuận, Công ty Thuốc ung thư Benovas và phiên đấu giá cổ phần của DATC tại Công ty Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh sẽ không được tổ chức như dự kiến.

VNF
HNX hủy hàng loạt phiên đấu giá vì không có nhà đầu tư đăng ký

Theo đó, cả 3 phiên đấu giá tại HNX đều được thông báo không tổ chức do đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký năng lực, không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.

Cụ thể, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến đấu giá 1,9 triệu cổ phần đang nắm giữ của Công ty Cổ phần Công trình giao thông Bình Thuận, tương ứng 92% vốn điều lệ.

Mức giá khởi điểm được đưa ra trước đó là 20.600 đồng/cổ phần. Đối tượng đấu giá là các nhà đầu tư trong nước, với hình thức đấu giá trọn lô. SCIC dự định sẽ thu về tối thiểu 39 tỷ đồng nếu thương vụ hoàn tất.

Công ty Công trình Giao thông Bình Thuận được thành lập năm 2010, vốn điều lệ hơn 20 tỷ đồng. Năm 2015, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và được chuyển giao về SCIC vào năm 2017.

Ngoài Công trình Giao thông Bình Thuận, SCIC cũng dự kiến thoái vốn tại Công ty Cổ phần Thuốc ung thư Benovas, doanh nghiệp dự án sản xuất thuốc ung thư đầu tiên tại Việt Nam.

Tổng số cổ phần tại Benovas mà SCIC dự định đem đấu giá là 2,9 triệu đơn vị, với mức giá khởi điểm được công bố trước đó là 11.300 đồng/cổ phần, tương đương giá trị cả lô tối thiểu là 33 tỷ đồng.

Benovas là công ty liên doanh của SCIC với Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (HoSE: DCL) từ năm 2017. Vốn điều lệ ban đầu của Benovas là 100 tỷ đồng, trong đó Cửu Long sở hữu 55% vốn, SCIC sở hữu 29 vốn, phần còn lại được chia cho các đối tác khác.

Thông tin từ Tập đoàn F.I.T (công ty mẹ của Cửu Long), Benovas là doanh nghiệp dự án Thuốc ung thư Benovas, đây là dự án sản xuất thuốc ung thư đầu tiên tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng cho hai giai đoạn. Theo kế hoạch, thời gian để xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy là khoảng 4 năm.

Một phiên đấu giá khác tại HNX bị hủy là phiên đấu giá 1,26 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) sở hữu.

Ở thông báo trước đó, HNX cho biết giá khởi điểm của cả lô cổ phần là hơn 20,2 tỷ đồng cho 35% vốn của Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh. 

Doanh nghiệp này tiền thân là Công ty chế biến rau quả thuộc Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh với vốn điều lệ ban đầu là 12 tỷ đồng. Đến nay, vốn điều lệ đã tăng lên 35 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh vẫn là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 2 triệu cổ phiếu tỷ lệ 58,7% vốn.

Được biết, phiên đấu giá 4 triệu cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam do DATC sở hữu trước đó cũng bị tạm dừng để thực hiện điều chỉnh phương án thoái vốn tại doanh nghiệp niêm yết theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong những ngày cuối năm, không chỉ riêng SCIC và DATC mà nhiều đơn vị cũng đẩy mạnh hoạt động thoái vốn. Đơn cử như Bộ Xây dựng, trong vòng 1 tháng đã có tới 4 quyết định về phương án thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong đó, các phiên đấu giá tại Tổng công ty IDICO và Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) đều đã hoàn tất với tỷ lệ thành công là 100%. Phiên đấu giá gần 139 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) do Bộ Xây dựng sở hữu bị hủy vì không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Còn phiên đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Sông Hồng được thông báo tạm dừng do vướng mắc về quy định.

Hay như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) trong vòng chưa đầy 1 tháng cũng có 3 quyết định thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triên hạ tầng Phú Quốc. Trong đó, chỉ duy nhất phiên đấu giá cổ phần tại HUD Kiên Giang diễn ra thành công, 2 phiên đấu giá còn lại đều không được tổ chức như dự kiến.

Cùng chuyên mục
Tin khác