Tài chính

'Hồ sơ Panama' tại Việt Nam: Yên ắng sau 1 năm

(VNF) - Đã một năm trôi qua kể từ thời điểm tháng 4-5/2016, thông tin về vụ Hồ sơ Panama liên quan đến các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam vẫn chưa có kết luận dù cơ quan quản lý cho biết đã tiến hành điều tra xác minh.

'Hồ sơ Panama' tại Việt Nam: Yên ắng sau 1 năm

189 cá nhân, tổ chức Việt Nam được "điểm danh"

Ngày 3/4/2016, Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tiết lộ khoảng 11,5 triệu tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca trong vòng 40 năm từ 1977 đến 12/2015, hé lộ mạng lưới công ty hải ngoại (công ty offshore, còn được biết đến là công ty vỏ bọc, công ty ma) khổng lồ trên thế giới.

Các công ty vỏ này được cho là những người giàu có và quyền lực sử dụng để che giấu tài sản, thậm chí là trốn thuế, lừa đảo tài chính, buôn bán vũ khí, buôn lậu ma túy.

Đây được coi là một trong những vụ tiết lộ thông tin lớn nhất trong lịch sử dư luận thế giới, có tên gọi "Hồ sơ Panama". Những thông tin đầu tiên của tài liệu này đã được công bố vào ngày 4/4 và đã gây chấn động toàn cầu.

Công ty luật Mossack Fonseca, tâm điểm trong vụ rò rỉ tài liệu mang tên Hồ sơ Panama.

Hồ sơ này tiết lộ tài sản ở nước ngoài của khoảng 140 chính trị gia và quan chức trên toàn thế giới. Ngoài ra còn có 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes (Mỹ).

Đến này 10/5/2016 theo giờ Việt Nam, trên website của ICIJ tiếp tục công bố danh tính những người đứng tên sở hữu tổng cộng 320.000 công ty vỏ bọc, trong đó có cả những công ty đã xuất hiện trong danh sách của đợt Offshoreleaks (một vụ rò rỉ thông tin của 130.000 công ty vỏ bọc hồi tháng 4/2013).

Tài liệu này cũng công khai danh tính 189 cá nhân, tổ chức liên quan đến Việt Nam theo những cách khác nhau, và liên quan đến các công ty vỏ bọc. Ngoài ra, tài liệu cũng công khai tên 23 cá nhân và tổ chức trung gian, 185 địa chỉ tại Việt Nam, phần lớn phân bố ở Hà Nội và TP.HCM.

19 công ty vỏ bọc có liên quan đến các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam chủ yếu được đặt tại Quần đảo British Virgin thuộc Anh, chỉ có 1 công ty trong số đó là đặt tại Panama. Phân nửa trong số này là những cái tên "thuần Việt", còn lại có tên ngoại quốc. Trong số đó có những cái tên doanh nhân, doanh nghiệp khá quen thuộc.

19 công ty hải ngoại có liên quan đến các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam chủ yếu được đặt tại "thiên đường thuế" là Quần đảo British Virgin thuộc Anh.

Quần đảo British Virgin nằm trong vùng biển Carribe, phía nam Haiti, được xem là thiên đường trốn thuế lớn nhất do luật lệ thành lập doanh nghiệp rất thoáng nên được giới giàu có chọn là nơi cất giấu tài sản, thậm chí là rửa tiền.

Tại đây, mức thuế 0% áp dụng cho cả doanh nghiệp lẫn lợi nhuận từ các khoản đầu tư hoặc thương mại, quà biếu, tiêu thụ hoặc tài sản thừa kế.

Nếu chủ các công ty hoặc nhà đầu tư bất động sản trở thành cư dân bán thời gian (6 tháng trong 1 năm) của British Virgin thì họ chỉ phải đóng mỗi thuế tài sản mang tính danh nghĩa – khoảng 1,5% trên tổng giá trị tài sản hàng năm. 

Đáng chú ý là tài liệu Panama cho phép truy cập thông tin cụ thể mỗi cá nhân/tổ chức sẽ có quan hệ với công ty vỏ bọc nào, chức vụ vị trí ra sao, đảm nhiệm từ thời điểm nào và trú ở đâu (địa chỉ rất chi tiết) chỉ thông qua một cú nhấp chuột.

Tuy nhiên, đúng như tuyên bố của đại diện ICIJ, "kho dữ liệu không bao gồm hồ sơ tài khoản ngân hàng, giao dịch tài chính, email và các thông tin liên lạc khác, hộ chiếu, số điện thoại. Thông tin có chọn lọc và hạn chế được công bố vì lợi ích công chúng".

Đại gia lên tiếng: ‘Chuyện bình thường…’

Ngay sau khi danh sách cá nhân, tổ chức Việt Nam trong hồ sơ Panama xuất hiện, lần lượt các doanh nhân như ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch SSI, bà Đàm Bích Thủy – cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng ANZ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch IPP... đã lên tiếng và khẳng định các giao dịch đầu tư ra nước ngoài, mở pháp nhân tại công ty nước ngoài theo Hồ sơ Panama cung cấp là hợp pháp.

Cụ thể, bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc Ngân hàng ANZ là một trong những nhân vật đầu tiên lên tiếng về việc xuất hiện trong hồ sơ Panama. Theo bà, việc có tên trong hồ sơ này là bình thường do bà là CEO của ANZ và cũng là lãnh đạo của ANZ/V-Trac International Leasing Company, một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng này.

Sau bà Đàm Bích Thủy, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng lên tiếng về việc xuất hiện trong Hồ sơ Panama. Theo ông, việc một công ty đầu tư ra nước ngoài khi đã được cơ quan quản lý cấp phép là hoàn toàn bình thường.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn IPP thì cho rằng, ông có cổ phần tại 2 công ty trong danh sách. Tuy nhiên, một công ty chỉ tồn tại trong 6 tháng vì làm ăn không hiệu quả, doanh nghiệp cũng trả lại cổ phần. Công ty thứ hai cũng được doanh nghiệp của ông mua cổ phần nhưng không hoàn toàn sở hữu. Theo ông chủ IPP, việc mua cổ phần của các công ty này là hoạt động bình thường vì ông là nhà đầu tư quốc tế.

Cơ quan quản lý 'họp khẩn', 'điều tra gấp'

Chiều 10/5/2016, ngay sau khi thông tin Hồ sơ Panama được công bố công khai, Tổng Cục Thuế  đã có cuộc họp khẩn về vụ có cá nhân người Việt và công ty xuất hiện trên Hồ sơ này. Ngay trong chiều 10/5, Tổng cục Thuế cho biết đã thành lập tổ công tác liên quan. Tổ công tác có nhiệm vụ làm rõ có dấu hiệu trốn thuế hay không đối với tổ chức, cá nhân bị nêu tên.

Được biết, cơ quan liên quan của Ngân hàng Nhà nước là Cục phòng chống rửa tiền cũng tiến hành rà soát thông tin những tổ chức, cá nhân có trong Hồ sơ Panama.

Tất nhiên, để có kết luận chính thức thì cần có thời gian nghiên cứu, điều tra của các cơ quan chức năng về hành vi, cách thức chuyển tiền và nguồn tiền…

Còn theo đại diện Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), do nguồn tin được thu thập từ quốc tế nên cần thẩm định và đánh giá, sau đó mới báo cáo lên Chính phủ và ban chỉ đạo Trung tướng xem xét.

Theo các tài liệu quốc tế, về nguyên tắc việc thiết lập công ty ở nước ngoài để hoạt động ở một quốc gia khác không phạm pháp. Đương nhiên giới kinh doanh lựa chọn những lãnh thổ tối ưu, nhằm đạt mục đích tài chính, luật pháp và được lợi về thuế.

Pháp luật Việt Nam cũng cho phép đầu tư ra nước ngoài, nghĩa là có quyền mở công ty và tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Nếu 189 người có tên trong hồ sơ Panama đã mở công ty ở nước ngoài một cách minh bạch, thì tất nhiên họ không có gì phải lo sợ.

Tuy nhiên, nhiều cá nhân bị ngờ là đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Mossack Fonseca để lập vô số công ty, phần lớn bị nghi ngờ là công ty ma với mục tiêu che giấu tài sản, trốn thuế, rửa tiền hoặc che giấu những hành vi phạm tội khác.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, có đến một nửa tổng lượng giao dịch toàn cầu đi qua các thiên đường thuế, nơi tồn tại 2 triệu công ty ma, công ty vỏ bọc và khoảng 4.000 ngân hàng đủ loại với lượng tiền khổng lồ lưu giữ ở đó.

... vẫn chưa thấy kết luận

Tại một số quốc gia, kể từ khi Hồ sơ Panama được công bố, các nhà chức trách đã bắt đầu cuộc điều tra riêng về cáo buộc trốn thuế và các nhân vật có tên trong Hồ sơ Panama.

Liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu này, nhiều chính trị gia đã gặp rắc rối và thậm chí "mất ghế". Có thể kể đến Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria phải từ chức. Cựu Thủ tướng Anh David Cameron phải công khai hồ sơ thuế.

Tháng 7/2016, tòa án Tây Ban Nha đã chính thức có kết luận về hành vi gian lận thuế của cầu thủ bóng đá Lionel Messi – người có tên trong Hồ sơ Panama. Theo đó, quan tòa tuyên án Messi 21 tháng tù giam. Ngoài án phạt tù, Messi còn phải nộp phạt hành chính 2 triệu Euro, trong khi cha của anh nộp phạt 1,5 triệu Euro.

Các tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hay của các tổ chức quốc tế như ông Bert Meestadt, Ủy viên HĐQT ngân hàng ABN Amro, một trong những ngân hàng lớn nhất của Hà Lan và châu Âu; Michael Grahammer - Giám đốc điều hành ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg của Áo, ông Juan Pedro Damiani đã từ chức thành viên Ủy ban Đạo đức của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đều đã từ chức sau khi các thông tin trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama cáo buộc hành động trốn thuế.

Đáng chú ý, hai thành viên viên sáng lập của công ty luật Mossack Fonseca, tâm điểm trong vụ Hồ sơ Panama đã bị bắt giữ do tình nghi liên quan tới bê bối của tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil.

Hai thành viên sáng lập công ty luật Mossack Fonseca, ông Jurgen Mossack (trái) và ông Ramon Fonseca Mora (phải)

Mossack Fonseca bị tình nghi rửa tiền và thành lập "một tổ chức tội phạm che giấu tài sản và tiền bạc có nguồn gốc đáng ngờ".

Tuy nhiên, đã một năm trôi qua kể từ thời điểm tháng 4-5/2016, thông tin về vụ Hồ sơ Panama liên quan đến các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam vẫn chưa có kết luận dù cơ quan quản lý cho biết đã tiến hành điều tra xác minh.

Tháng 6/2016, Tổng cục Thuế cho hay các cơ quan chức năng hoàn tất báo cáo về danh sách người Việt trong Hồ sơ Panama, một tháng sau khi hồ sơ này được công bố. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin công khai chính thức nào từ cơ quan này.

Việc có tên trong Hồ sơ Panama dù có hay không vi phạm pháp luật nhưng ít nhất cần có thông tin cụ thể về kết quả của tiến trình điều tra để vụ việc tránh đi vào quên lãng.

Tin mới lên