Tài chính

Hòa Bình (HBC): Lãi quý IV tăng gần 8 lần, dòng tiền có cải thiện lớn

(VNF) – Quý IV/2021, doanh thu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với việc khống chế tương đối tốt các khoản chi phí, HBC có lãi trước thuế 47 tỷ đồng, tăng gấp 7,8 lần cùng kỳ.

Hòa Bình (HBC): Lãi quý IV tăng gần 8 lần, dòng tiền có cải thiện lớn

Hòa Bình (HBC): Lãi quý IV tăng gần 8 lần, dòng tiền có cải thiện lớn

Quý IV/2021, doanh thu thuần hợp nhất của HBC đạt 3.819 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận gộp đạt 265 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý, công ty có doanh thu tài chính 24 tỷ đồng, 2 tỷ đồng lãi trong công ty liên kết, 4 tỷ đồng lợi nhuận khác. Cùng với đó, các loại chi phí được khống chế tương đối tốt: chi phí tài chính chỉ tăng 4% (77 tỷ đồng), chi phí bán hàng dù tăng gấp 3 nhưng chỉ đứng ở mức 20 tỷ đồng, chi phí quản lý chỉ tăng 6% (150 tỷ đồng).

Nhờ đó, HBC có lãi trước thuế 47 tỷ đồng, tăng gấp 7,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế đạt 19 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần; riêng lãi sau thuế của công ty mẹ là 18 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của HBC đạt 11.355 tỷ đồng, “nhích” 1% so với năm trước; lợi nhuận gộp tăng mạnh hơn, 4,7%, đạt 771 tỷ đồng.

Trong năm, doanh thu tài chính đi ngang (112 tỷ đồng), chi phí tài chính giảm 5%, chi phí quản lý giảm 16% (381 tỷ đồng) đã giúp HBC có lãi trước thuế 148 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước. Lãi sau thuế đạt 92 tỷ đồng, tăng 11%; riêng lãi sau thuế của công ty mẹ là 98 tỷ đồng, tăng 14%.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của HBC là 16.799 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm đa số, 90%, đạt 15.122 tỷ đồng.

Trong năm, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 9%, lên 11.572 tỷ đồng. Cộng với các khoản phải thu dài hạn, tổng giá trị của các khoản phải thu chiếm tới 69% tổng tài sản của HBC.

Hàng tồn kho có mức tăng 4%, đạt 2.600 tỷ đồng, đa phần là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

HBC có 12.573 tỷ đồng nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2021, tăng 10% so với đầu năm. Điểm nhấn trong cơ cấu nợ là sự suy giảm của khoản vay ngắn hạn, giảm 5%, đạt 4.694 tỷ đồng, trong khi đó khoản vay dài hạn tăng gần 3% lên 403 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị nợ vay của HBC là 5.097 tỷ đồng, chiếm 30% tổng nguồn vốn.

HBC cũng gia tăng được khoản người mua trả tiền trước (1.291 tỷ đồng) và phải trả người bán ngắn hạn (3.653 tỷ đồng). Điều này đã giúp công ty cải thiện được dòng tiền hoạt động của mình.

Vốn chủ sở hữu của HBC tại ngày kết năm 2021 là 4.226 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,9 lần, riêng nợ vay/vốn chủ sở hữu là 1,2 lần – không quá cao đối với một doanh nghiệp xây dựng song cũng không phải là thấp, cho thấy HBC vẫn đang phụ thuộc vào vốn vay.

Điều này càng thể hiện rõ nét trong dòng tiền vay – trả năm 2021 của HBC, lần lượt là 7.957 và 7.977 tỷ đồng. Dù vậy, so với năm trước, dòng tiền vay – trả đã giảm rất đáng kể, lần lượt giảm 25% và 24%.

Năm 2021, HBC có dòng tiền kinh doanh dương 597 tỷ đồng (cùng kỳ âm 290 tỷ đồng), nhờ vào việc tăng các khoản phải trả (1.256 tỷ đồng) – tức chiếm dụng được vốn của đối tác.

Điều này là một phần nguyên nhân giúp lưu chuyển tiền thuần cả năm dương 489 tỷ đồng, đưa lượng tiền và tương đương tiền cuối năm đạt 733 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với đầu năm.

Tin mới lên