Ngân hàng

Học Trung Quốc cách 'thanh lọc' thị trường bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng

(VNF) - Mặc dù mang về nguồn lợi nhuận lớn cho nhiều ngân hàng nhưng bancasuarrance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) gây ra nhiều “điều tiếng” và tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi.

Học Trung Quốc cách 'thanh lọc' thị trường bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng

Ảnh minh họa.

Cấm hay không?

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) ngày 15/1, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị siết thêm quy định bán chéo bảo hiểm của ngân hàng thương mại (NHTM).

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nhiều nhân viên ngân hàng chèn ép khách vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Theo ông Thịnh, lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50 - 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng. Chưa kể, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng mua bảo hiểm qua kênh bancassurance lên tới 70%.

Việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua NHTM dễ dàng và mang lại lợi nhuận cao đã kéo các ngân hàng, các công ty bảo hiểm nhân thọ bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận. 

Nhiều ý kiến trái chiều về việc cấm hay không bancassurance.

Chính vì thế, vị đại biểu này đề nghị nếu việc cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua NHTM không được thực hiện thì dự thảo luật cần bổ sung một điều là giao Chính phủ ban hành quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà NHTM và các tổ chức tín dụng làm đại lý.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị không cho phép NHTM liên doanh, liên kết bán bảo hiểm sau những hệ lụy đã xảy ra và đến nay, hậu quả vẫn còn dai dẳng.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị quan tâm trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi mua bảo hiểm tại các ngân hàng tại Điều 10 của dự thảo Luật.

Trái lại, đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, cho rằng việc ngân hàng làm đại lý cho bảo hiểm là điều mà quốc tế đang làm nên việc đưa vào áp dụng theo pháp luật về bảo hiểm là phù hợp.

"Không nên vì những chuyện nọ chuyện kia mà cấm hẳn bancassurance mà cần có cơ chế giám sát và bảo đảm quyền lợi các bên liên quan”, ông Ấn đề nghị.

Ông khẳng định việc ngân hàng lạm dụng, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm là “vi phạm” và các bên liên quan cần thực hiện theo quy định Luật Bảo hiểm (sửa đổi) và giao Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể, đảm bảo tính chặt chẽ.

Học Trung Quốc cách phát triển kênh bancassurance

Trong khi nước ta vẫn chưa có đầy đủ quy định liên quan đến bancassurance dẫn đến nhiều hệ lụy trong thời gian qua thì nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đã sớm siết chặt quy định nhằm giảm thiểu tối đa vi phạm trong lĩnh vực này.

Trung Quốc phát triển các quy định pháp lý cho kênh bancassurance từ những năm 2000. Tuy nhiên, những quy định thời gian đầu chưa đủ, thị trường bancassurance vẫn tồn tại nhiều sai phạm khiến người dân chỉ trích.

Đến năm 2007, Trung Quốc tiếp tục đưa ra thông tư nhằm siết chặt quy định liên quan đến bancassurance, trong đó có yêu cầu nhân viên bán bảo hiểm tại các ngân hàng phải được đào tạo nghiệp vụ đầy đủ. Tuy vậy, dường như những thay đổi này vẫn không đủ để giải quyết những bức xúc của người dân thời đó.

Sang năm 2009, Trung Quốc đã thực hiện những cải cách lớn, siết chặt các quy định liên quan đến bancassurance nhằm bảo vệ người dân và lấy lại niềm tin cho kênh bancassurance. Phía bán bảo hiểm phải chịu những chế tài nghiêm ngặt hơn và đối mặt với mức phạt lớn nếu không tuân thủ.

Cụ thể, các ngân hàng phải có quầy riêng để bán sản phẩm bảo hiểm chứ không được sử dụng các quầy giao dịch thông thường. Các nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm cần có ít nhất 12 tháng kinh nghiệm bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Trung Quốc quy định nghiêm ngặt về bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Chưa kể, sau đó họ đều phải trải qua ít nhất 40 giờ đào tạo với tài liệu đào tạo được Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc thông qua. Đồng thời, họ cũng phải vượt qua các kỳ thi bắt buộc để lấy chứng chỉ đủ điều kiện được phép bán bảo hiểm tại ngân hàng.

Các công ty bảo hiểm phải thiết lập hệ thống đánh giá rủi ro toàn diện nhằm đánh giá mức độ phù hợp của từng khách hàng đối với các sản phẩm bảo hiểm được giới thiệu.

Hệ thống này sẽ phân tích tình hình tài chính, kinh nghiệm, mục đích đầu tư và khả năng chịu rủi ro của khách hàng. Trong trường hợp kết luận rằng sản phẩm bảo hiểm này không phù hợp nhưng nhà đầu tư vẫn muốn tham gia thì công ty bảo hiểm sẽ phải ghi lại đầy đủ ý kiến của mình và chịu mọi trách nhiệm liên quan.

Các công ty bảo hiểm cũng phải tiến hành kiểm tra việc tuân thủ và đánh giá tất cả giao dịch bán bảo hiểm tại ngân hàng đại lý ít nhất 6 tháng một lần.

Về phía người dân, họ sẽ có thời gian để tham khảo và cân nhắc các điều khoản trong hợp đồng trước khi đặt bút ký.

Các công ty bảo hiểm cũng phải tiến hành kiểm tra việc tuân thủ và đánh giá tất cả giao dịch bán bảo hiểm tại ngân hàng đại lý ít nhất 6 tháng một lần. 

Nhờ những quy định chặt chẽ, thị trường bancassurance tại Trung Quốc đã lấy lại niềm tin của người dân và tăng trưởng với tốc độ 2 chữ số trong những năm qua. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2023, lợi nhuận qua kênh bancassurance tăng 20% và số lượng hợp đồng mới tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới lên