Hơn 36,6 triệu cổ phần do nhà nước sở hữu tại Licogi được chuyển giao về SCIC

Cẩm Thư - 28/12/2018 12:14 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Xây dựng và Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa tổ chức Lễ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng Công ty Licogi - CTCP về SCIC.

VNF
Từ năm 2016 trở lại đây, hoạt động kinh doanh của Licogi liên tục sa sút

Theo đó, 36.640.691 cổ phần do nhà nước sở hữu, chiếm 40,71% vốn điều lệ của Licogi được chuyển giao về SCIC.

Tổng Công ty Licogi - CTCP là một trong 16 Tổng công ty lớn trực thuộc Bộ Xây dựng, hiện có 28 công ty thành viên. Với bề dày 58 năm kinh nghiệm, Licogi từng là một trong những đội quân tinh nhuệ của Bộ Xây dựng, làm tổng thầu nhiều công trình lớn trên cả nước. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở lại đây, hoạt động kinh doanh của Licogi liên tục sa sút.

Cụ thể, trong năm 2016, Licogi báo lỗ 436 tỷ đồng. Năm 2017, tình trạng thua lỗ vẫn chưa được cải thiện, tiếp tục lỗ thêm 71,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu liên tục sụt giảm, năm 2017 đạt 2.737 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2016. 

Tại lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng việc chuyển giao Tổng Công ty Licogi - CTCP về SCIC sẽ là một bước chuyển mới của Licogi, tạo điều kiện để công ty khắc phục các khó khăn và phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Về quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với SCIC tiếp tục giải quyết những tồn tại, cũng như trong định hướng phát triển và tái cơ cấu Tổng Công ty Licogi.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC cho biết, SCIC có trách nhiệm tiếp nối sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Xây dựng đối với Tổng Công ty Licogi, phối hợp cùng Bộ Xây dựng xem xét các vấn đề để giải quyết nhanh nhất các vướng mắc, khó khăn để Licogi có điều kiện tốt nhất để phát triển.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Chi, SCIC sẵn sàng phối hợp với Bộ Xây dựng trong công tác thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn hoặc chuyển giao vốn nhà nước tại các DNNN khác thuộc Bộ Xây dựng về SCIC.

Trong một diễn biến khác, Kiểm toán Nhà nước mới đây đã có “Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tì sản nhà nước năm 2017 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)”. Báo cáo đã chỉ ra các mặt hạn chế trong quản lý sử dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước của SCIC.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đánh giá cơ cấu danh mục đầu tư của SCIC chưa hợp lý, chủ yếu là hoạt động gửi tiền có kì hạn; lợi ích thu được chủ yếu đến từ cổ tức của một số ít doanh nghiệp SCIC nhận bàn giao như Vinamilk, Vinaconex, Dược Hậu Giang, Bảo Minh...Còn lại, tỷ suất lợi nhuận của các đơn vị khác đều thấp, có 61/122 doanh nghiệp không có lợi nhuận, cổ tức được chia trong năm 2017 (tương ứng với số vốn đầu tư là 1.593 tỷ đồng).

Cùng chuyên mục
Tin khác