Bất động sản

HoREA tiếp tục kiến nghị cho phép ngân hàng được mua trái phiếu để đảo nợ

(VNF) - HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ hẳn một số quy định bất cập của Thông tư 06, đồng thời xem xét lùi thời gian hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 30% thêm một năm.

HoREA tiếp tục kiến nghị cho phép ngân hàng được mua trái phiếu để đảo nợ

HoREA kiến nghị NHNN tiếp tục rà soát Thông tư 06, xem xét lùi thời gian hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Ngay khi Ngân hàng Nhà nước ngưng thi hành một số nội dung tại Thông tư 06 theo kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), hiệp hội này lại tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định khác.

Thứ nhất, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước lùi thời điểm siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% sang ngày 1/10/2024. Theo quy định tại Thông tư 22 ngày 1/10/2023, tổ chức tín dụng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30%. Như vậy, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là quy định này có hiệu lực.

Bên cạnh đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).

Hiệp hội nhận thấy, Thông tư 03/2023/TT-NHNN chưa xem xét sửa đổi “bất cập” của điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN, nên đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xem xét theo hướng “bãi bỏ” điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, mà Hiệp hội đã góp ý tại Văn bản 65/2023/CV-HoREA ngày 17/04/2023 về “Dự thảo Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN” trước khi ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN.

Bởi lẽ, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trước 1 năm so với Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022, mà Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã cho phép “2. Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp…”, nên hoạt động phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ của chính mình là hợp pháp và căn cứ khoản 1 Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì nhà đầu tư có quyền đề xuất vay tín dụng và tổ chức tín dụng có nghĩa vụ xem xét cấp tín dụng cho “mục đích sử dụng vốn hợp pháp” này của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về tín dụng, nên rất cần thiết phải “bỏ” điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Hơn nữa, trong quá trình góp ý “Dự thảo Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN” thì Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề nghị của Hiệp hội “bỏ” điểm c khoản 1 Điều 1“Dự thảo Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN” nên Ngân hàng Nhà nước đã không đưa nội dung điểm c khoản 1 Điều 1“Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN” vào Thông tư 03/2023/TT-NHNN.

Tại kiến nghị, Hiệp hội cũng cho rằng: Mặc dù Thông tư 10 tạm ngưng hiệu lực thi hành một số quy định cấm cho vay, song Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ các quy định này.

Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát để xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định “bất cập” tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN mà các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia đã kiến nghị, bởi lẽ Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 của Ngân hàng Nhà nước chỉ mới “ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01/09/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này”, chứ tại thời điểm hiện nay thì chưa có “văn bản quy phạm pháp luật” nào về việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định này".

Tin mới lên