Huawei có thể dùng hệ điều hành của Nga để thay thế Android

Thanh Tú - 28/08/2019 10:41 (GMT+7)

(VNF) - Huawei đang thí điểm sử dụng hệ điều hành “thuần Nga” Aurora, như một sự thay thế cho Android của Google, trên các thiết bị di động.

VNF
Huawei có thể dùng hệ điều hành của Nga để thay thế Android.

Tìm kiếm hệ điều hành có thể thay thế Android là “bài toán đau đầu” của Huawei trong thời gian gần đây, trong bối cảnh công ty đang bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại và bị Google ngừng cấp phép Android.

Hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc được cho là đang đàm phán với chính phủ Nga để sử dụng hệ điều hành Aurora, được xây dựng bởi công ty viễn thông Rostelecom của Nga, dựa trên nền tảng Sailfish OS của Phần Lan. Tuy nhiên đến nay hệ điều hành này vẫn chưa được sử dụng trên bất kỳ thiết bị nào.

Theo Reuters, Huawei đang thảo luận dự án sẽ cài đặt hệ điều hành này trên hàng trăm ngàn máy tính bảng để sử dụng cho việc điều tra dân số ở Nga vào năm 2020. Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng việc điều tra dân số này có thể là thử nghiệm để sử dụng Aurora một cách rộng rãi về sau.

“Nga đang thảo luận về việc sử dụng hệ điều hành Aurora trên 360 nghìn máy tính bảng Huawei vào 8/2020. Huawei đã đưa ra phản hồi tích cực về dự án”, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Huawei.

Theo RT, chủ đề về hợp tác hệ điều hành từng được đề cập trong cuộc họp chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 6. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cả cơ hội cài đặt hệ điều hành Aurora trên điện thoại thông minh Huawei và nội địa hóa một số cơ sở sản xuất của Huawei tại Nga.

Chủ tịch Huawei Guo Ping hồi tháng 6 cũng đã có buổi thảo luận với ông Konstantin Noskov, Bộ trưởng phát triển và truyền thông kỹ thuật số của Nga trước Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg. Đại diện công ty Trung Quốc cho biết có thể thay thế Android hiện tại bằng nền tảng của Nga có tên Aurora.

Một số nhà quan sát cho rằng, Aurora là lựa chọn không tồi của Huawei bên cạnh nền tảng HarmonyOS do hãng tự phát triển. Cả hai có thể là sự lựa chọn hợp lý nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ trong tương lai.

Tại sự kiện HDC 2019 diễn ra vào đầu tháng 8, Huawei đã giới thiệu hệ điều hành HarmonyOS, nền tảng giúp kết nối các thiết bị, giúp đồng bộ hệ sinh thái của Huawei.

Tuy nhiên khả năng HarmonyOS có thể thay thế được Android là rất thấp, ngay cả các lãnh đạo cao cấp của Huawei cũng phải thừa nhận điều này.

Từ tháng 5 vừa qua, Huawei đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen "Entity List", tức các doanh nghiệp Mỹ sẽ không được phép bán sản phẩm cho hãng công nghệ Trung Quốc này.

Đây là khó khăn rất lớn khi Huawei được cho là vẫn còn phụ thuộc vào Mỹ về công nghệ cả phần mềm và phần cứng.

Đến ngày 19/8, chính quyền Washington lại tung đòn: hoãn lệnh cấm Huawei mua linh kiện và công nghệ Mỹ trong 90 ngày, nhưng lại bổ sung 46 công ty con của Huawei vào danh sách cấm.

Xem thêm >> G7 ngỏ ý viện trợ 22 triệu USD để xử lý cháy rừng Amazon, Brazil từ chối

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.