Kênh đào Suez: Chủ sở hữu Ever Given có thể phải bồi thường hơn 3 tỷ USD
Khánh Lê -
29/03/2021 20:51 (GMT+7)
(VNF) - Sự cố va chạm mũi tàu Ever Given với bờ kênh Suez được cho là vì điều kiện thời tiết có gió quá mạnh. Tuy nhiên, trách nhiệm vẫn thuộc về công ty chủ quản và chi phí bồi thường là không hề nhỏ.
Ngày 23/3, con tàu khổng lồ Ever Given do Tập đoàn Evergreen có trụ sở tại Đài Loan vận hành đã bị mắc kẹt giữa kênh đào Suez, gây ra những hệ quả vô cùng nghiêm trọng. Theo các giám đốc điều hành trong ngành, các yêu cầu bồi thường trách nhiệm đến từ chủ sở hữu của con tàu có thể sẽ lên tới hơn 3 tỷ USD.
Ảnh hưởng từ sự cố mắc cạn
Hàng trăm tàu khác không thể lưu thông và rơi vào tình trạng xếp hàng chờ đợi ở đầu kênh Suez. Khối lượng hàng hoá lên đến 10 tỷ USD lênh đênh trên biển trong suốt 6 ngày đã chịu ảnh hưởng không nhỏ về chất lượng sản phẩm.
Một ước tính cho thấy sự tắc nghẽn đã làm thiệt hại 400 triệu USD mỗi giờ, đồng thời, cước vận chuyển, giá dầu, cùng hàng loạt sản phẩm thiết yếu khác tăng mạnh.
Cụ thể, cước vận chuyển các sản phẩm sạch như xăng và dầu diesel từ cảng Tuapse của Nga trên Biển Đen tới phía Nam nước Pháp đã tăng 73%, từ 1,49 USD/thùng vào ngày 22/3 lên 2,58 USD/thùng vào ngày 25/3.
Giá vận chuyển container loại 40 feet từ khu vực Trung Quốc đến châu Âu đã chạm ngưỡng 8.000 USD/container, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các tàu Suezmax, thường chở một triệu thùng dầu, hiện có giá vận chuyển khoảng 17.000 USD/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 6/2020.
Trong phiên giao dịch ngày 24/3, giá dầu thế giới tăng khoảng 6%. Giá dầu Brent tăng 3,62 USD (6%) lên 64,41 USD/thùng, sau khi giảm 5,9% trong phiên trước, còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 3,42 USD (5,9%) lên 61,18 USD/thùng, sau khi giảm 6,2% trong phiên trước
Trong ngày 29/3, sau khi tàu Ever Given được "giải cứu" một phần, giá dầu Brent đã giảm 1,56% về 63,5 USD/thùng, giá dầu WTI giảm 1,8% về 59,85 USD/thùng.
Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm như cừu, bò trên các container đối mặt nguy cơ chết đói, bệnh tật...
Bồi thường của công ty chủ sở hữu và phía bảo hiểm
Theo đặc thù của ngành hàng hải, các tàu chở container sẽ mua bảo hiểm cho mỗi chuyến đi, đồng thời, các chủ lô hàng sẽ tự mua bảo hiểm trước rủi ro về thiệt hại thay vì dựa vào chủ sở hữu con tàu.
Tuy nhiên, các chính sách bảo vệ hàng hóa tiêu chuẩn lại có trách nhiệm đối với việc lô hàng bị mất hoặc hư hại, chứ không phải chi phí do chậm trễ.
Do đó, Hiệp hội P&I tại Anh, nhóm cung cấp bảo hiểm trách nhiệm cho khoảng 90% trọng tải hàng hóa viễn dương trên thế giới, cho biết họ đang dự thảo một khoản bảo hiểm cho chủ sở hữu tàu Ever Given để chi trả 1 số khiếu nại có thể phát sinh từ sự cố, ví dụ như thiệt hại gây ra cho cơ sở hạ tầng và khiếu nại với tình trạng cản trở giao thương.
Theo đó, chủ sở hữu của tàu Ever Given là công ty Shoei Kisen Kaisha Ltd. của Nhật Bản sẽ được nhận 3 tỷ USD tiền bảo hiểm trách nhiệm thông qua một tổ chức tương hỗ của ngành vận chuyển gồm 13 nhóm đảm bảo trách nhiệm pháp lý của bên thứ 3 là Hiệp hội Bảo hiểm P&I. Việc tái bảo hiểm sẽ nâng mức bồi thường thêm 3,1 tỷ USD, cùng với đó là thêm 1 tỷ USD cho tình trạng ô nhiễm.
Ngoài ra, bản thân tàu Ever Given cùng số hàng hóa bị mắc kẹt cũng nhận được bảo hiểm xứng đáng.
Tuy nhiên, ông Marcus Baker, nhà môi giới bảo hiểm toàn cầu về hàng hải và hàng hóa của Marsh, cho biết không có gì là chắc chắn về khoản tiền trên ở giai đoạn này. Thậm chí, việc đưa ra thỏa thuận bồi thường cuối cùng là rất phức tạp và có thể phải mất nhiều năm để các bên đạt được sự nhất quán.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone