Bất động sản

Khánh thành cầu Bình Ca: 'Gắn mạch' tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử

(VNF) - Ngày 22/2, tại Tuyên Quang, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức thông xe cầu Bình Ca bắc qua sông Lô, kết nối toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến đất mũi Cà Mau.

Khánh thành cầu Bình Ca: 'Gắn mạch' tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại lễ khánh thành cầu Bình Ca, trên tuyến đường Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang cho biết dự án cầu Bình Ca (bao gồm đường dẫn cầu từ ngã ba Phú Thịnh đến Km 124+500 QL2) dài 12,92km, có tổng mức đầu tư 812,687 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Trong đó, chi phí xây lắp 560 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 73,7 tỷ đồng.

Sau hơn 2 năm thi công, đến nay, dự án đầu tư xây dựng cầu và đường dẫn cầu Bình Ca đã hoàn thành và đưa vào sử dụng để kết nối toàn tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử từ Pắc Bó, Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ, tuyến liên kết vùng miền, tạo điều kiện phát triển cho các tỉnh có tuyến đường đi qua.

Với tỉnh Tuyên Quang, đường Hồ Chí Minh đi qua kết nối hầu hết các xã thuộc khu vực căn cứ địa cách mạng, đồng thời là các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và kết nối với hệ thống giao thông chính trong khu vực, cả nước.

Tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết tuyến đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 3.183 km đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố. Đây là tuyến giao thông quan trọng của đất nước chạy từ Bắc vào Nam và là tuyến đường huyền thoại của sức mạnh ý chí, niềm tin quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. 

"Lễ khánh thành cầu Bình Ca và đường dẫn hai đầu cầu thể hiện sự chung sức, chung lòng của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cùng với Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, sớm hoàn thành toàn tuyến đường Hồ Chí Minh”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng yêu cầu đơn vị quản lý cầu Bình Ca thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng để công trình luôn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, bền vững, khai thác sử dụng lâu dài; phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ hành lang đường bộ, các công trình trên tuyến theo quy định.

“Đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội - du lịch, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho các địa phương; là trục dọc xuyên Việt thứ 2, hỗ trợ Quốc lộ 1, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tin mới lên