Thị trường

Khát vọng 'lên bờ' bên sông Hồng

(VNF) - Sông Hồng giống như dòng sông mẹ bồi đắp phù sa cho đất đai phì nhiêu màu mỡ, cây cối xanh tươi cho Hà Nội, đóng vai trò rất lớn đối với sự hình thành nên cảnh quan và văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Không những vậy, nơi đây còn là nơi những ngư dân đã và đang gắn bó mỗi ngày để mưu sinh.

Khát vọng 'lên bờ' bên sông Hồng

Mưu sinh bên bờ sông Hồng

Khát vọng lên bờ

Làng chài Vạn Vỹ thuộc địa phận huyện Đan Phượng, Hà Nội. Từ xa xưa, con thuyền không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là ngôi nhà di động của những ngư dân nơi này. Những ngư dân ở đây đã sống nhờ vào việc đánh bắt tôm, cá trên sông Hồng. Nhiều thế hệ ở làng chài đã được sinh ra, lớn lên trên chiếc thuyền, cứ thế lênh đênh trên sông nước mà chẳng biết tới học hành là gì. Bởi vậy, các hộ dân này luôn mong muốn có một mảnh đất, xây ngôi nhà của riêng mình, để con cái được đến trường.

Khoảng năm 1954, những hộ dân làng chài Vạn Vỹ chia làm hai ngả. Một số hộ ngược lên xã Trung Châu hình thành xóm Đoàn Kết, còn một số xuôi xuống xã Hồng Hà lập nên xóm Thắng Lợi và sinh sống ổn định đến nay. Bắt đầu từ năm 1960, những ngư dân làng chài Vạn Vỹ đã được bố trí đất tái định cư để xây nhà trên bờ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện để lên bờ.

Tại làng chài Thắng Lợi, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (57 tuổi) là một trong những hộ dân làng chài có nhiều thế hệ sinh sống trên sông Hồng. Ông Sơn cho biết, trước đây có rất nhiều hộ dân sinh sống tập trung ở khu vực này. “Phải hơn 10 năm trở lại đây thì một số hộ dân ở đây mới có điều kiện để di chuyển lên bờ”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết, gia đình ông có năm người, cùng nhau sống chung trên một con thuyền rộng chỉ độ mười mấy mét vuông, hằng ngày kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Hồng. Cuộc sống trên sông của gia đình ông luôn phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt, khi phải đối mặt với sự thay đổi của dòng nước hay thời tiết khắc nghiệt. Bởi vậy, với một người đã gắn bó trên sông nước gần nửa đời người, lên bờ là điều mà ông và gia đình luôn khát khao. “Quan trọng hơn là thế hệ con cháu sau này sẽ được đến trường và không còn phải lênh đênh trên sông nước nữa…”, ông Sơn nói.

Quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ “lên bờ”, năm 2003, ông Sơn đã vay tiền để mua đất tái định cư có thu tiền sử dụng nhưng không qua đấu giá tại xã Hồng Hà. Tuy nhiên, việc mua đất khó một thì việc xây nhà lại khó mười. Sau khi có đất, gia đình ông Sơn vẫn tiếp tục phải ngụ cư trên thuyền bè vì không có tiền để xây nhà. “Tiền vay mua đất phải mất gần 5 năm mới trả hết nợ”, ông Sơn chia sẻ. Đến năm 2010, nhờ chắt bóp cộng thêm vay từ anh em họ hàng, gia đình ông mới có tiền để dựng một căn nhà cấp 4 và chính thức “lên bờ” vào năm 2011.

An cư để lạc nghiệp

Theo ông Sơn, từ 2019 đến nay, gia đình chủ yếu kinh doanh nuôi và thu mua cá. “Hiện mỗi ngày có khoảng 20 chiếc thuyền đánh cá trên lưu sông Hồng về đây nhập, việc đánh bắt cá chỉ lúc nào có thời gian rảnh rỗi hoặc vào mùa”, ông Sơn chia sẻ. Đáng chú ý, ông Sơn cho biết, trung bình mỗi ngày gia đình ông thu mua trên dưới 20 triệu tiền cá các loại. “Nghề chài lưới mặc dù vất vả và có nhiều may rủi, tuy nhiên nếu chịu khó cũng có cuộc sống no đủ. Sông Hồng rất nhiều tôm cá. Dân chài đánh được nhiều loại cá có giá trị cao như lăng chấm, ngạnh, trắm cỏ, baba, tôm càng... kiếm tiền triệu mỗi ngày”, ông Sơn cho hay.

Trước khi đến với mô hình trên, ông Sơn cũng cho biết, với giấc mộng đổi đời, năm 2008, gia đình có một số vốn ít ỏi gần 50 triệu đồng, đã vay thêm tiền để đầu tư tàu sông trọng tải lớn chở cát sỏi tuy nhiên kết quả lại không được như mong đợi. “Thời điểm đó, để đóng con tàu 100 khối phải mất khoảng 400 triệu đồng. Nhưng do phải đi vay ngoài nhiều nên việc kinh doanh tàu không hiệu quả, chỉ sau một năm, gia đình đã phải bán con tàu đi để trả nợ, chấp nhận mất khoản vốn đã bỏ ra”, ông Sơn xót xa.

Từ việc không nhà cho đến khi có nhà cửa, cuộc sống của gia đình ông Sơn ngày một ổn định, kinh tế dần đi lên. Mặc dù gia đình ông vẫn đang còn những khoản nợ nhưng ông vẫn luôn lạc quan đây là động lực để cố gắng. “Có nhà có cửa rồi cuộc sống cũng ổn định. Thu nhập hàng tháng thì một phần trang trải cho cuộc sống, một phần dành để trả nợ. Lúc lên bờ chỉ mới có căn nhà cấp 4 thì bây giờ nhà cũng đã có thêm tầng 2”, ông Sơn chia sẻ.

“Đánh cá cho đến khi không thể”

Vợ chồng chị Hoa năm nay đã ở tuổi 50. Ngày xưa, cô sống trên bờ còn chồng ở dưới sông. Năm 1993, sau khi lấy nhau thì cô xuống sông cùng chồng theo nghề đánh cá. Lênh đênh trên sông gần 20 năm cùng chồng và hai người con, mãi đến năm 2012, gia đình cô mới có nơi định cư ở trên bờ.

Cũng giống như nhiều hộ gia đình đã lên bờ, đánh bắt cá trên sông Hồng vẫn là kế sinh nhai của gia đình cô Hoa. Cô cho biết, hiện nay, vợ chồng cô đang sinh sống cùng với gia đình con trai, còn con gái đã đi lấy chồng. “Các con đã có công việc trên bờ, giờ còn mình cô và chồng vẫn tiếp tục nghề đánh cá”, cô nói.

Theo lời kể của cô Hoa, hàng ngày, công việc của hai vợ chồng bắt đầu từ lúc 3h sáng và kết thúc vào 3h chiều. Mỗi chuyến đi đều đầy ắp những hy vọng bắt được tôm, cá đầy thuyền. “Có hôm may mắn, có thế kiếm được tiền triệu, có hôm được dăm trăm sau khi trừ tiền dầu. Nhưng cũng có hôm kém may mắn khi không bắt được con gì đáng giá hoặc là cũng chỉ đủ tiền dầu”, cô nói,

Cuộc sống của phần đông những người dân vẫn gắn chặt với nghề chài lưới và vẫn còn nhiều hộ khát khao với ước mơ giản đơn là nhận được sự hỗ trợ để có thể mảnh đất, kiếm được đồng tiền dựng một mái nhà trên bờ cho con cái mai sau bớt phần vất vả. Tuy nhiên, dù cuộc sống thì khó khăn nhưng nơi đây lại sở hữu những lễ hội sắc màu, độc đáo như: Lễ hội rước nước trên sông thường tổ chức đêm mùng 9 sang ngày mùng 10 tháng Giêng và Lễ cầu ngư (25/2 âm lịch). Vào những ngày hội, tất cả con cháu, dâu, rể, nội, ngoại làng chài Vạn Vỹ dù bận bịu công việc hay làm ăn xa đều thu xếp về dự hội.

Cứ sau khi Tết Nguyên Đán và Rằm Tháng Giêng qua đi, người dân nơi đây chuẩn bị cho một năm làm ăn mới và chuẩn bị cho ngày lễ cầu ngư. Lễ cầu ngư được tính bắt đầu từ ngày 20/2 âm lịch cho đến 25/2 âm lịch. Dân làng Vạn Vỹ tổ chức Lễ cầu ngư tức là cầu mong cho những người con làng vạn chài làm ăn được một năm ấm no, bắt được nhiều tôm cá hơn năm cũ.

Theo đó, vào ngày 20/2 âm lịch sau khi các bô lão tế lễ ngoài đình, bà con sinh sống trong làng chài Vạn Vỹ sẽ ra sông Hồng nơi đã cắm sẵn cờ tạo nên chỉ giới khoảng 2km vuông và sử dụng các ngư cụ thông dụng để đánh bắt cá trên sông Hồng. Đến ngày 25/2 âm lịch, nhân dân trong làng Vạn Vỹ sẽ mang những sản vật do mình đánh bắt được để các bô lão trong làng chấm điểm. Điểm chấm dựa vào độ lớn và cân nặng của cá và gia đình nào dành giải nhất coi như may mắn, thuận lợi, hạnh phúc cả năm.

Tin mới lên