Kho bạc Nhà nước giảm mạnh tiền gửi tại nhóm Big4
(VNF) - Theo báo cáo tài chính quý III của 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) - vốn là lợi thế của những nhà băng này - giảm tới 40% so với cuối quý trước.
Cụ thể, cuối quý III, số tiền gửi của KBNN tại ba ngân hàng là BIDV, Vietcombank và VietinBank là 175.596 tỷ đồng, giảm hơn 114.900 tỷ đồng, tức giảm 40% so với cuối quý trước.
Trong đó, BIDV - ngân hàng thường được KBNN lựa chọn để gửi tiền nhiều nhất - ghi nhận số dư tiền gửi của KBNN là 74.645 tỷ đồng, gồm 73.264 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn và 1.382 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn. Nếu so với cuối quý II, số dư tiền gửi KBNN tại BIDV trong quý III giảm gần 38%.
VietinBank được KBNN gửi nhiều thứ hai trong nhóm Big 4. Số dư tiền gửi thanh toán của KBNN tại đây vào cuối quý III là 65.310 tỷ đồng, giảm 42.408 tỷ đồng so với quý liền trước.
Tại Vietcombank, số tiền gửi của KBNN là 35.641 tỷ đồng vào cuối quý III, bằng hơn một nửa số tiền gửi tại VietinBank, trong đó 34.229 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn và 1.412 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn bằng cả VND lẫn ngoại tệ.
Số dư tiền gửi KBNN tại Vietcombank vào đầu năm là 770 tỷ đồng, đến cuối quý II tăng lên 62.534 tỷ đồng và đến cuối quý III còn 35.641 tỷ đồng (giảm gần một nửa).
Trước đây, lượng lớn tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng luôn nằm dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn với số dư thường xuyên duy trì ở mức cả trăm nghìn tỷ đồng.
Nhưng từ cuối năm 2019, tiền gửi không kỳ hạn của KBNN được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại. Các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN.
Với các quy định, điều kiện khắt khe về đối tượng có thể tham gia đấu thầu, từ khi bắt đầu triển khai quy định mới, hầu như chỉ có nhóm Big 4 tiếp cận được nguồn tiền khổng lồ này.
Với việc chiếm tỷ trọng trên dưới 50% thị phần huy động và cho vay trong hệ thống, nguồn tiền lớn từ KBNN giúp nhóm ngân hàng này không chịu quá nhiều áp lực huy động từ khách hàng khi lãi suất của nhóm luôn thấp nhất thị trường.
Vietcombank, VietinBank, BIDV trước đây luôn nhận được lượng tiền gửi lớn của KBNN. Điều này đã giúp 3 nhà băng này có được lợi thế rõ rệt về huy động vốn so với các ngân hàng khác.
Nhưng gần đây tiền gửi của KBNN tại nhóm Big 4 sụt giảm rõ rệt.
Cuối quý III/2022, số dư tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng quốc doanh đạt gần 306.000 tỷ đồng. Con số này giảm nhẹ trong hai quý tiếp theo và sụt mạnh về dưới 50.000 tỷ đồng trong quý II/2023.
Sang năm 2024, số dư tiền gửi của KBNN tăng trở lại và đạt đỉnh vào cuối tháng 6 với hơn 290.000 tỷ đồng. Đến quý III, số dư tiền gửi của KBNN tại Vietcombank, VietinBank, BIDV giảm 40% trong bối cảnh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công vào dịp cuối năm.
Sự sụt giảm tiền gửi của KBNN có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi thế của các ngân hàng trong bối cảnh các nhà băng đang rất cần nguồn vốn giá rẻ để đảm bảo kết quả kinh doanh khi đang thực hiện giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Kho bạc Nhà nước gửi gần 292.000 tỷ đồng tại nhóm Big4
- Động thái mới trên thị trường ngoại tệ: Kho bạc Nhà nước bơm lượng lớn VND 05/09/2024 06:48
- Kho bạc không còn tiền mặt và sự thật thời điểm Việt Nam nhập khẩu vàng 16/06/2024 10:30
- 'Kho bạc giờ để không, xe chở tiền thanh lý hết' 15/06/2024 06:00
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.