Khối tài sản của Ngân hàng BoJ đã vượt GDP của Nhật Bản

Khánh Ly - 14/11/2018 07:17 (GMT+7)

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã trở thành ngân hàng đầu tiên trong nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sở hữu lượng tài sản với tổng giá trị lớn hơn cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, sau 5 năm mạnh tay chi tiêu nhằm thúc đẩy lạm phát.

VNF
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo.

Giá trị tài sản 553.600 tỷ yen (4.870 tỷ USD) mà BoJ nắm giữ lớn gấp hơn 5 lần công ty giá trị nhất thế giới là Apple Inc. và gấp 25 lần giá trị vốn hóa thị trường của công ty giá trị nhất của Nhật Bản là Toyota Motor Corp.

Con số trên cũng vượt qua tổng GDP của năm thị trường mới nổi là Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Nam Phi, Ấn Độ và Indonesia cộng lại.

Như vậy, BoJ đã trở thành ngân hàng trung ương thứ hai trên thế giới sau Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ và là ngân hàng trung ương đầu tiên trong nhóm G7 sở hữu lượng tài sản lớn hơn cả nền kinh tế mà ngân hàng này đang nỗ lực thúc đẩy.

Theo số liệu mới nhất, GDP của Nhật Bản trong quý 2/2018 đạt 552.820,7 tỷ yen, còn GDP quý 3 dự kiến sẽ được công bố vào ngày 14/11 được dự đoán sẽ giảm xuống sau nhiều thiên tai xảy ra thời gian qua.

Khối tài sản của BoJ bắt đầu “phình” to ra khi Thống đốc Haruhiko Kuroda lên nắm quyền vào đầu năm 2013 với cam kết những chính sách như vậy sẽ thúc đẩy lạm phát của Nhật Bản lên 2% trong hai năm.

Dù nhiều chuyên gia cho rằng những chính sách của BoJ đã giúp đưa Nhật Bản ra khỏi hàng chục năm bị áp lực giảm phát đè nặng, nhưng ngân hàng này vẫn chưa đạt được mục tiêu lạm phát 2%.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng mục tiêu lạm phát nói trên của BoJ là quá tham vọng và chính mục tiêu này đã buộc BoJ tiếp tục mua một lượng trái phiếu khổng lồ kể cả khi ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn khác đã bắt đầu thu hẹp dần chính sách thích ứng với thời kỳ khủng hoảng.

Trong khi đó, chính sách mạnh tay mua tài sản trong những năm gần đây đồng nghĩa với việc hiện BoJ đang sở hữu khoảng 45% trong số 1 triệu tỷ yen thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản.

Chuyên gia tài chính Hidenori Suezawa của công ty SMBC Nikko Securities cho rằng chính sách của BoJ rõ ràng là không bền vững, khi ngân hàng này có thể bị lỗ nếu phải nâng lãi suất, chẳng hạn như lên 2%, và trong các trường khẩn cấp như thiên tai hay chiến tranh, BoJ sẽ không thể cấp tiền cho trái phiếu chính phủ nữa.

Xem thêm >> Sập mạng tại nhiều quốc gia, Facebook chưa có lời giải thích

Theo VietnamPlus
Cùng chuyên mục
Tin khác