Bất động sản

'Khơi thông' 7.000 tỷ đồng, Bộ GTVT ra quân nâng cấp dự án cầu yếu đường sắt

(VNF) - Ngày 18/5, tại cầu đường sắt Rồng Lớn thuộc xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ban Quản lý dự án đường sắt (PMU Đường sắt) và liên danh nhà thầu đã tổ chức ra quân thi công gói thầu XL- CY – 06 thuộc dự án cầu yếu.

'Khơi thông' 7.000 tỷ đồng, Bộ GTVT ra quân nâng cấp dự án cầu yếu đường sắt

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, gói thầu XL- CY- 06 là một trong 11 gói thầu xây lắp thuộc dự án cầu yếu có mục tiêu cải tạo, nâng cấp 15 cầu thuộc địa phận từ Quảng Bình (cầu Km493+217) đến Quảng Trị (cầu Km641+700).

Thời hạn hoàn thành hợp đồng là 15 tháng kể từ ngày khởi công, trong đó thời gian hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục của gói thầu là 13 tháng; thời gian hoàn thiện, nghiệm thu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng: 2 tháng.

Liên danh nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3 - Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa.

Trước đó, ngày 8/5, gói thầu XL – CY – 01 thuộc dự án cũng đã được ra quân tổ chức thi công tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Đây cũng là gói thầu xây lắp thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.  Hồ Chí Minh (dự án cầu yếu) nằm trong các Dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự án được sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách (sau đây gọi là dự án 7.000 tỷ).

Ngoài ra, Bộ GTVT đã giao PMU Đường sắt làm chủ đầu tư 3 trong 4 dự án thuộc lĩnh vực đường sắt, bao gồm: dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (dự án cầu yếu); dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh; dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

Riêng dự án gia cố các hầm yếu kết hợp với mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh – Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh Bộ GTVT giao Ban QLDA 85 thực hiện.

Theo Bộ GTVT, mục tiêu của 4 dự án đường sắt quan trọng cấp bách nhằm từng bước thay thế các cầu yếu; đồng nhất tải trọng khai thác 4,2T/m trên toàn tuyến nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao sản lượng và năng lực vận tải đường sắt.

Đồng thời, các dự án này còn tập trung xây dựng một số trụ chống va xô nhằm hạn chế thấp nhất những tổn thất về người và tài sản do va chạm của các phương tiện vận tải đường thủy nội địa đối với các công trình cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh.

Liên quan đến dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, dự kiến các đơn vị sẽ xây dựng 129 cầu, trong đó xây dựng mới, đồng thời kết hợp cải tạo 111 cầu, xây dựng trụ chống va xô 4 cầu, sửa chữa, nâng cấp 14 cầu. Tổng mức đầu tư của các dự án là 1.949 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019- 2021

Nói về những khó khăn khi cải tạo cầu yếu, Bộ GTVT cho biết các dự án không lớn nhưng trải dài 1.000km trên toàn tuyến đường sắt Thống Nhất, nhà thầu vừa thi công, vừa phải đảm bảo an toàn chạy tàu;

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào ngành đường sắt ít, việc ít các dự án dẫn đến lực lượng tư vấn mỏng, năng lực các nhà thầu thi công có kinh nghiệm triển khai về đường sắt không nhiều.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID -19 ảnh hưởng lớn đến quá trình chuẩn bị, khảo sát – thiết kế cũng như huy động thiết bị, nhân lực thi công tại hiện trường của tất cả các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có dự án vải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh.

Ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc PMU Đường sắt, cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khẩn trương khởi công đồng loạt các gói thầu xây lắp còn lại, đồng thời yêu cầu các nhà nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp sớm huy động máy móc, thiết bị và nhân lực để bắt tay vào thi công ngay".

"Chúng tôi sẽ bám sát công trường kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn phát sinh trên công trường để dự án được thi công đúng tiến độ, chất lượng; giải ngân vốn đầu tư sát kế hoạch và đảm bảo an toàn lao động, an toàn chạy tàu như tinh thần tại Nghị quyết số 556 cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Phương cho biết.

Theo ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục QLXD và CLCTGT, mặc dù cả 4 dự án cấp bách đường sắt không quá phức tạp về công nghệ nhưng điều kiện thi công rất khó khăn, yêu cầu cao về an toàn, chất lượng và nhất là thời gian thi công rất ngắn.

"Vì lẽ đó, chúng tôi dành sự quan tâm giám sát chặt chẽ công tác thiết kế, biện pháp tổ chức thi công và nhất là kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào.

"Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành chặt chẽ với Ban QLDA Đường sắt để đưa cả 4 dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động và nhất là đảm bảo an toàn chạy tàu trên tuyến đường sắt Thống Nhất huyết mạch", ông Hiển nói.

Tin mới lên