Ngân hàng

Không dễ chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác

Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ 1/9 cho phép người dân vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác khiến rất nhiều người vay lãi suất cao trước đó khấp khởi mừng. Thế nhưng thực tế không dễ.

Không dễ chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác

Nhiều chi nhánh chưa cho khách hàng vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác. Ảnh: Như Ý

Sau 1/9, nhiều ngân hàng công bố lãi suất ưu đãi cho vay với khách hàng dùng để trả nợ ngân hàng khác. So với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng hiện nay đang dao động 4,7-6,9%, có ngân hàng rao mức cho vay thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Cụ thể, VietinBank đưa ra lãi suất chỉ từ 5,6% với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…). Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác, ân hạn nợ gốc 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Khách hàng có thể sử dụng chính tài sản đang thế chấp tại ngân hàng khác như bất động sản, tiền mặt, số dư trên tài khoản tiền gửi, sổ, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá… của khách hàng hoặc người thân để bảo đảm cho khoản vay.

Lãi suất cho vay này của Vietinbank hiện thấp hơn lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Thậm chí mức lãi suất này cũng thấp hơn lãi suất huy động của chính ngân hàng này ở kỳ hạn 12 tháng 5,8%.

Vietcombank cũng áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu.

Nhiều vướng mắc về tài sản thế chấp

Chị Nguyễn Minh Tâm (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hai năm trước, chị mua bất động sản thuộc một dự án tại Hưng Yên và được chủ đầu tư chỉ định vay 2 tỷ đồng qua ngân hàng đối tác. Năm đầu tiên, chị được hưởng ưu đãi lãi suất và ân hạn trả nợ gốc nên áp lực trả nợ không đáng kể. Thế nhưng từ năm thứ hai, khoản vay của chị Tâm chịu lãi suất thả nổi 13,5%/năm, có lúc lên tới 14,5% khiến chi phí trả gốc lãi hàng tháng thành gánh nặng trong bối cảnh thu nhập kém hơn trước.

Khi biết tin được vay ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn để trả ngân hàng cũ, chị đã tham khảo nhân viên tín dụng của một trong 3 nhà băng quốc doanh đưa chính sách cho vay lãi suất thấp trả nợ ngân hàng khác, được tư vấn gói vay lãi suất thấp hơn 3-6% một năm so với khoản vay hiện tại.

Theo đó, nhân viên tư vấn mức lãi suất ưu đãi 6,8% trong 6 tháng hoặc 7,3% trong năm đầu tiên. Hết thời gian ưu đãi, khoản vay sẽ được áp dụng lãi suất thả nổi khoảng 10,5%, vẫn thấp hơn 3% so với nhà băng tư nhân mà chị đang vay.

Tuy nhiên, chị Tâm tá hỏa khi ngân hàng đưa ra hai phương án. “Nhân viên tư vấn nói tôi phải chủ động vay 2 tỷ đồng ở bên ngoài rồi tự rút sổ và đăng ký như một khoản vay mới tại ngân hàng này. Phương án thứ 2, chúng tôi có thể thế chấp một tài sản khác để lấy khoản tiền dùng cho mục đích trả nợ ngân hàng cũ. Cả 2 phương án chúng tôi không thể đáp ứng do không thể vay đâu được 2 tỷ đồng để trả ngân hàng cũ. Chúng tôi cũng không còn tài sản nào khác để thế chấp nữa”.

Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng quốc doanh tại Hà Nội cho biết, sau hơn nửa tháng triển khai, chi nhánh chưa phát sinh hồ sơ nào trong diện này. Ngoài việc khách hàng cần làm đơn yêu cầu trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ, thủ tục cho vay sẽ tương tự như giải ngân khoản vay mới...

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với chính sách này, lãi suất cho vay có thể giảm nhưng không đáng kể. Khách hàng cũng không dễ dàng đảo nợ vì thủ tục và điều kiện để giải ngân khoản vay mới không hẳn dễ dàng.

 

Tin mới lên