'Không giao EVN làm nhiệm vụ Nhà nước, để DN tự làm và tự cạnh tranh'

Kỳ Thư - 01/09/2023 10:03 (GMT+7)

(VNF) - "Không nên giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm nhiệm vụ của Nhà nước nữa, để cho DN tự làm, tự cạnh tranh. Đến bây giờ, không có lý gì mà chúng ta không đánh giá được thị trường điện, vấn đề chỉ là e ngại, sợ nhiều quá thôi'.

VNF
Chuyên gia: 'Thiếu áp lực cạnh tranh quốc tế, tình hình méo mó của thị trường điện còn kéo dài'.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam một lần đề xuất phương án mạnh mẽ như trên nhằm thúc đẩy thị trường hoá và cạnh tranh để phát triển ngành điện.

Tại Diễn đàn nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững mới đây, ông Thiên nhấn mạnh: "Không nên giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm nhiệm vụ của Nhà nước nữa, để cho họ tự làm, tự cạnh tranh. Đến bây giờ, không có lý gì mà chúng ta không đánh giá được thị trường điện, vấn đề chỉ là e ngại, sợ nhiều quá thôi. Còn các doanh nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đủ năng lực xử lý đưa giá điện sang giá thị trường, phải có áp lực cạnh tranh quốc tế nếu không thì tình hình méo mó của thị trường điện còn kéo dài".

Các số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam trong những năm qua tăng rất nhanh. Tuy nhiên, việc sử dụng điện hiệu quả còn chậm chuyển biến. Việt Nam đã giảm được chỉ số tiêu thụ điện tính trên 1.000 USD nhưng so sánh với nhiều nước thì cường độ sử dụng, tiêu tốn điện năng đang ở mức rất cao.

Theo ông Trần Đình Thiên, để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là chuyển giá điện sang giá thị trường. Với hệ thống giá điện đang duy trì xét trên bình diện quốc gia thì cơ chế hiện nay không thể hiệu quả được, khó cân đối được cung - cầu. Bởi vì, khi Nhà nước giữ cơ chế định giá  để duy trì giá điện thấp sẽ ảnh hưởng đến cả cung và cầu. Nếu duy trì điện giá thấp nghĩa là đang khuyến khích tiêu dùng điện chứ không khuyến khích sản xuất điện.

Lấy 1 ví dụ thực tế ngay tại Việt Nam, ông Thiên chỉ rõ: gần đây, khi giá điện và giá điện tái tạo được điều chỉnh, lập tức nguồn cung được bổ sung ngay, sản lượng điện tăng lên. Đây là yếu tố góp phần quan trọng thay đổi cán cân nguồn cung điện. 

Ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh phải thay đổi cách thức vận hành của các cơ chế chính sách và cách tiệm cận giải quyết vấn đề đúng theo cơ chế thị trường.

Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, thật quyết liệt từ các cấp cao nhất, câu chuyện sẽ rất khó giải quyết. Cần nhìn nhận sự thiếu hụt về điện sẽ tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư chứ không phải là nút thắt như kìm hãm sự phát triển. Do đó, phải thay đổi từ cách làm chính sách.

"Phải làm sao để thị trường vận hành, không thể can thiệp bằng mệnh lệnh. Như vậy mới giải quyết được vấn đề" - TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Vị chuyên gia này cũng gợi ý thêm, một yếu tố quan trọng trong giải bài toán thiếu điện chính là nếu tiếp tục để EVN lỗ như hiện nay, duy trì mức giá bán điện thấp hơn giá mua thì ngân sách phải bù lỗ. Việc này phải nhìn nhận, đây không phải do kinh doanh yếu kém mà do chính sách tạo nên.

"Theo đó, nếu EVN lỗ thì phải tăng giá để bù lỗ, nếu tiếp tục lỗ thì ngân sách phải bù khoản lỗ đó. Chúng ta phải sòng phẳng mới giải quyết được vấn đề nếu không sẽ loanh quanh không giải quyết được" - ông TS.Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.