Diễn đàn VNF

‘Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, tạo sự phấn chấn cho cộng đồng doanh nhân’

(VNF) - Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI khẳng định: "Việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế được tái khẳng định trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Đây là những nội dung mới mà doanh nhân rất mong đợi và sẽ tạo sự phấn chấn cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam”.

‘Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, tạo sự phấn chấn cho cộng đồng doanh nhân’

Nhiều chuyên gia lên tiếng khẳng định quan điểm việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế sẽ tạo sự phấn chấn cho cộng đồng doanh nhân.

Thành quả cải cách môi trường kinh doanh không bền vững

Một yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư là chất lượng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, khảo sát doanh nghiệp hằng năm ( như khảo sát PCI chẳng hạn hay APCI) cho thấy tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam khá thấp.

Chất lượng ban hành các văn bản pháp luật, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành thông tư, ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Trong khi đó, các doanh nghiệp phản ánh tình trạng chất lượng các quy chuẩn kỹ thuật tương đối thấp.

Ông Tuấn khẳng định, quy chuẩn của Việt Nam có yêu cầu cao hơn cả quy chuẩn của những nước phát triển, như quy chuẩn về chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe; hoặc chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp như Quy chuẩn 06 về phòng cháy chữa cháy.

Ngoài ra, cũng theo Phó tổng Thư ký VCCI có quy chuẩn ban hành xong, đến thời điểm áp dụng rồi mà chưa chỉ định các phòng thử nghiệm trong nước đủ năng lực. Điều này khiến hàng hóa bị tắc nghẽn như một số quy chuẩn về thiết bị 5G.

“Đáng lo ngại hơn là có tình trạng lạm dụng ban hành quy chuẩn và đưa vào danh mục hàng hóa nhóm 2 các loại hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn như Quy chuẩn 20 của Bộ Khoa học-Công nghệ về thép không gỉ”, ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng tự do kinh doanh gắn liền với an toàn kinh doanh, giảm rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ.

“Để giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ thì luật pháp phải rõ ràng, nhất quán, minh bạch và đặc biệt là dự đoán trước được, đồng thời có hệ thống tài phán công bằng, tin cậy; thể chế thực thi luật pháp công tâm, công bằng, minh bạch và hiệu quả”, ông Cung nêu và cho biết hiện ở các nước ta, các yếu tố nói trên đều thiếu ở mức độ khác nhau.

Kể từ năm 2000 đã có không ít lần cải cách cắt bỏ các loại giấy phép con, thu được nhiều kết quả. Nhưng, sau một thời gian, các giấy phép con, các thủ tục bị bãi bỏ phục hồi lại dưới hình thức khác, thậm chí phức tạp và tốn kém hơn trước.

“Nói cách khác, thành quả cải cách không bền vững. Nên đã đến lúc nghiên cứu, thành lập một cơ quan thuộc Chính phủ (không thực hiện chức năng quản lý nhà nước) chuyên trách, chuyên nghiệp và độc lập thẩm định, đánh giá chất lượng các dự thảo văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”, ông Cung nói.

Ngoài ra, cơ quan này còn có chức năng thường xuyên đánh giá lại tính phù hợp, tính hiệu lực và hiệu quả của các quy định pháp luật hiện hành để đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung nếu xét thấy cần thiết. Thực tiễn này được nhiều nước phát triển áp dụng để nâng cao chất lượng các quy định kinh doanh và tính bền vững của các cuộc cải cách thể chế.

Không hình sự hóa quan hệ kinh tế: Điều doanh nhân rất mong đợi 

Ông Cung đề nghị nên bỏ thông tư, quyết định của các bộ như một loại văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật nước ta. Ngoài ra, pháp luật trong nhiều lĩnh vực còn thiếu cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn, nên xem xét, bỏ đi một số luật không còn cần thiết, hợp nhất một số luật có phạm vi điều chỉnh chồng lấn…

Ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch. Tiếp đó, phải bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con, vì nếu doanh nghiệp vi phạm thì đã có biện pháp tước giấy phép.

“Nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới”, ông Tuấn nêu.

TS Nguyễn Đình Cung cũng đề nghị hạn chế tối đa, tiến tới loại bỏ hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

Theo ông Cung, các hoạt động kinh tế phát sinh hay dựa trên hợp đồng dưới mọi hình thức giữa các bên đều là việc kinh tế dân sự; không thuộc đối tượng áp dụng của luật hình sự. Bất cứ tranh chấp, hay vi phạm pháp luật trong các quan hệ nói trên đều giải quyết qua tòa kinh tế dân sự…

“Trong trường hợp luật pháp chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu và có thể áp dụng khác nhau, thì sử dụng cách hiểu và cách áp dụng có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng doanh nhân Việt Nam rất mong đợi điều này, vì các nước cũng như vậy, không phải việc gì cũng hình sự hóa các chế tài kinh tế.

“Việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế lần này được tái khẳng định trong Nghị quyết 41. Đây là những nội dung mới mà doanh nhân rất mong đợi và sẽ tạo sự phấn chấn cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.

Tin mới lên