'Không thể đẩy tín dụng ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn'

Khánh Tú - 05/04/2024 23:38 (GMT+7)

(VNF) - Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, kể từ cuối năm 2023, toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp với nhiều hình thức như giảm lãi suất hay tung gói vay ưu đãi. Tuy vậy, “không thể đẩy tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để nền kinh tế gánh nợ xấu như tình trạng đã diễn ra cách đây hơn 10 năm mà đến nay vẫn chưa xử lý hết”.

VNF
Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp vẫn kêu "khát vốn"

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 27/3/2024, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023.

Tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương đương 24,35% dư nợ toàn nền kinh tế (tính đến cuối tháng 2/2024). Theo sau là tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa với 17,94%, tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với 2,75% và tín dụng lĩnh vực xuất khẩu với 2,25%.

Hội thảo "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường".

Trong 3 tháng đầu năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Đồng thời, các ngân hàng cũng liên tục tung ra các gói tín dụng ưu đãi nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó trong tiếp cận vốn tín dụng.

Tại Hội thảo "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý, tài sản đảm bảo để mang ra vay vốn.

Đồng quan điểm, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết bên cạnh những doanh nghiệp ngại vay vốn do suy giảm đơn hàng thì có những doanh nghiệp vẫn đang khó khăn trong tiếp cận gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho hay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa thể tiếp cận vốn tín dụng do đa số có “khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém”.

Nhận định về thực trạng “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn”, PGS – TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng, Đại học Kinh tế Luật, cho  biết: “Mặc dù lãi suất trên thị trường đã giảm xuống mức thấp nhưng cần phải duy trì trong thời gian đủ dài mới có thể thẩm thấu vào nền kinh tế”.

Không đẩy tín dụng ồ ạt

Phát biểu tại hội thảo mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, từ cuối năm 2023, ngành ngân hàng đã nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp về cả lãi suất lẫn các gói vay ưu đãi.

Bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của ACB, cho biết ACB hiện áp dụng mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp chỉ từ 4 – 6 %/năm.

Đại diện Techcombank cũng cho hay ngân hàng đã và đang triển khai hàng loạt gói vay ưu đãi cho các khách hàng doanh nghiệp, đơn cử như gói ưu đãi lãi suất 5,5%/năm cho khách hàng vay mới. Ngoài ra, Techcombank cũng cho vay với hạn mức tín dụng tới 20 tỷ đồng, tín chấp tới 10 tỷ đồng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong năm 2024, nhiều ngân hàng tiếp tục duy trì nền lãi suất cho vay ở mức thấp cũng như triển khai thêm nhiều gói vay ưu đãi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp FDI.

Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất, tung gói vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.

Về phía NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02. “NHNN đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng thay vì kết thúc vào ngày 30/6/2024”, ông Tú chia sẻ.

Ngoài ra, NHNN sẽ can thiệp với tư cách chủ sở hữu ngay cả với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước để hạ lãi suất cho doanh nghiệp nếu cần.

“Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đặt ra câu chuyện lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận thế nào để xã hội chấp nhận được, để chia sẻ với nền kinh tế và doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm với điều đó”, đại diện NHNN khẳng định.

Tuy vậy, theo Phó Thống đốc, “không thể đẩy tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để nền kinh tế gánh nợ xấu như tình trạng đã diễn ra cách đây hơn 10 năm mà đến nay vẫn chưa xử lý hết”.

Doanh nghiệp đổ vỡ thì cũng chỉ doanh nghiệp đó bị phá sản, còn ngân hàng đổ vỡ thì ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, ông nói.

Trên thực tế, nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh. Theo thống kê mới nhất của NHNN, nợ xấu nội bản của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%. Riêng năm 2023 tăng 2,03% nợ xấu nội bảng, chưa kể là các khoản nợ xấu được tạm thời cơ cấu lại, bán cho VAMC mà chưa được xử lý.

Cùng chuyên mục
Tin khác