Kiểm toán ngân sách tỉnh Quảng Trị: Phát hiện loạt sai sót, đề nghị xử lý tài chính 159 tỷ đồng

Lê Nguyễn - 03/12/2018 09:07 (GMT+7)

(VNF) – Báo cáo kiểm toán ngân sách tỉnh Quảng Trị năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước khu vực II đã chỉ ra hàng loạt sai sót của địa phương này trong các công tác lập, giao, thực hiện dự toán; chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý, sử dụng ngân sách tiền và tài sản nhà nước.

VNF
Kiểm toán ngân sách tỉnh Quảng Trị: Phát hiện loạt sai sót, đề nghị xử lý tài chính 159 tỷ đồng

Nhiều sai sót trong lập, giao dự toán ngân sách

Về dự toán thu ngân sách, báo cáo kiểm toán cho hay công tác lập và giao dự toán ngân sách nhà nước còn có hạn chế là địa phương chưa rà soát, dự kiến thu đối với các dự án hết ưu đãi thuế. Một số huyện được kiểm toán lập dự toán thu ngân sách nhà nước chưa đảm bảo mức tăng bình quân tối thiểu từ 13 – 15% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016 theo quy định.

Về chi ngân sách địa phương, hạn chế của việc giao dự toán là cấp tỉnh giao dự toán chi ngân sách cho các huyện/thành phố/thị xã còn vượt so với thực tế về quỹ lương giáo dục, đào tạo, dạy nghề và quỹ lương hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng đoàn thể cấp xã 37 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn giao dự toán chi kinh tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề còn sử dụng ngân sách để chi trả tiền lương cho lao động hợp đồng do tỉnh kí (từ nhiều năm trước) không đúng quy định 4,6 tỷ đồng.

Dự toán HĐND tỉnh quyết định phân khai các nhiệm vụ chi, nhưng còn một số lĩnh vực chi ngân sách, địa phương chưa giao hết ngay từ đầu năm và chi tiết cho các đơn vị thụ hưởng số tiền 609 tỷ đồng. Đến 30/6/2017, dự toán UBND tỉnh chưa giao 342 tỷ đồng, chưa chấp hành nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng.

Với các huyện được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số huyện giao dự toán chi thường xuyên giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho các trường học thấp hơn 18%; cho các trường học mua sắm, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất chưa phù hợp 19 tỷ đồng. Một số huyện giao dự toán sử dụng ngân sách tỉnh để chi tiền lương và các khoản theo lương cho giáo viên hợp đồng do cấp huyện kí (từ nhiều năm trước) không đúng quy định số tiền 6,8 tỷ đồng. Ngoài ra bố trí chưa đủ 10% số thu tiền sử dụng đất để thực hiện nhiệm vụ đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nghị quyết của HĐND tỉnh số tiền 7,6 tỷ đồng.

Một số nhiệm vụ chi UBND huyện chưa giao ngay từ đầu năm cho các đơn vị thụ hưởng. Đến ngày 30/6/2017, dự toán đã phân khai nhiệm vụ chi đầu năm nhưng UBND huyện chưa giao cho các đơn vị 12,7 tỷ đồng.

Đối với thực hiện dự toán ngân sách, báo cáo kiểm toán cho hay thu nội địa có 5/16 chỉ tiêu không hoàn thành dự toán tỉnh giao gồm: thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 78,8%; thu từ lĩnh vực ngoài quốc doanh đạt 72,3%; sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng chậm dẫn đến không hoàn thành chỉ tiêu thuế; lệ phí trước bạ đạt 831%.

Về tình hình thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2017, chi thường xuyên tăng 4% so với dự toán trung ương và HĐND tỉnh giao. Một số chỉ tiêu vượt so với dự toán HĐND tỉnh giao như: chi an ninh và trật tự an toàn xã hội tăng 46%, chi quốc phòng tăng 22%, chi thể dục thể thao tăng 67%, chi các hoạt động kinh tế tăng 22%.

Một số chỉ tiêu không đạt dự toán như: chi giáo dục đào tạo và dạy nghề bằng 98%, chi khác ngân sách bằng 40%, chi y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình bằng 92%.

Hàng loạt khoản chưa được thu hồi

Theo báo cáo kiểm toán, đối với công tác thu ngân sách, cơ quan thuế chưa rà soát quản lý thuế 641 hộ, cá nhân kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh và 798 hộ xây dựng nhà ở tư nhân đã được Phòng quản lý đô thị cấp phép xây dựng trong năm 2017. Việc này là không đúng với quy định.

Một số chi cục thuế chưa phân tích rủi ro, lựa chọn trên phần mềm ứng dụng TPR để lập kế hoạch kiểm tra. Một số hồ sơ kiểm tra còn chậm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, công bố biên bản kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra; chưa có quyết định dự thảo kiểm tra theo quy trình; giải thích nguyên nhân chênh lệch số liệu qua thanh tra không rõ ràng, một số nội dung chưa đầy đủ bằng chứng, ấn định doanh thu bán hàng thấp hơn giá thị trường không có chi tiết mặt hàng, số hóa đơn bán hàng.

Kiểm toán Nhà nước xác định tăng nợ thuế 176 triệu đồng (tiền sử dụng đất) do cơ quan thuế chưa theo dõi nợ tiền sử dụng đất của 2 hộ dân trên hệ thống nợ đã quá hạn theo thông báo nộp tiền của cơ quan thuế.

Một số chi cục thuế thực hiện các khoản tiền thuế, phạt chậm nộp đến 90 ngày và tiền thuế nợ trên 90 ngày thời điểm 31/12/2016 chuyển sang chưa đạt tỷ lệ theo quy định.

Việc tuân thủ luật và chế độ thu tại các đối tượng nộp thuế cũng còn hạn chế. Cụ thể, các đơn vị còn kê khai thiếu doanh thu, chi phí chưa chính xác. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lí nộp ngân sách 5 tỷ đồng, giảm khấu trừ chuyển năm sau 4,7 tỷ đồng, đề nghị cục thuế xử phạt kê khai sai theo quy định số tiền 942 triệu đồng; giảm lỗ chuyển năm sau 6,1 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2017 cũng cho thấy các doanh nghiệp còn hạch toán một số bút toán không đúng quy định, chưa thực hiện kê khai thuế thu nhập đối với nhà thầu nước ngoài 639 triệu đồng, chưa nộp trả ngân sách nhà nước khoản kinh phí tồn hết nhiệm vụ chi 2,1 tỷ đồng.

Về chi đầu tư phát triển, việc bố trí vốn cho một số dự án còn dàn trải, bố trí kế hoạch vốn cho một số dự án nguồn sử dụng đất chưa sát thực tế của địa phương; chưa phân bổ vốn chi tiết cho một số dự án, bố trí kế hoạch vốn năm 2017 cho một số dự án đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016; chưa tổng hợp danh mục các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; chưa bố trí đủ vốn trả nợ đối với một số dự án đã phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành năm 2016.

Số giải ngân vốn trái phiếu chính phủ là 54 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch vốn được bố trí 638 tỷ đồng. Bố trí vốn đối ứng các dự án ODA thuộc trách nhiệm ngân sách địa phương chưa cao, kế hoạch 2017 đã bố trí 49 tỷ đồng trên tổng nhu cầu vốn đối ứng còn phải bố trí trong giai đoạn 2017 -2020 là 255 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác quản lý, điều hành các dự án cơ bản đảm bảo theo quy định, tuy nhiên các hạn chế vẫn còn rất nhiều. Cụ thể, việc điều tra, khảo sát mỏ vật liệu còn sơ sài, thiếu thuyết minh về trữ lượng, thiếu sơ họa mỏ vật liệu. Thuyết minh và quyết định phê duyệ một số dự án đầu tư và báo cáo kinh tế kĩ thuật không dự kiến phân bổ nguồn vón sử dụng theo tiến độ, không xác định rõ tỷ lệ nguồn vốn trung ương và địa phương, không nêu phương án bảo vệ môi trường; phê duyệt quy mô đầu tư chưa phù hợp với thực trạng môi trường…

Hồ sơ thiếu kế BVTC một số dự án chưa chi tiết, một số hạng mục hồ sơ thiết kế thể hiện không thống nhất. Một số hạng mục thiết kế chưa phù hợp với thực tế hiện trường nên phải điều chỉnh, bổ sung. Tại hầu hết các dự án được kiểm toán chi tiết, công tác chiết tính khối lượng đều có tồn tại về tính thừa, thiếu do phương pháp tính không phù hợp, tổng hợp sai, tính trùng…

Hợp đồng xây lắp một số gói thầu đang áp dụng thông tư đã hết hiệu lực. Một số gói thầu tại các dự án được kiểm toán, tiến độ thi công chậm so với hợp đồng ban đầu…

Công tác quản lý chất lượng công trình cũng để xảy ra nhiều sai sót như đơn vị tư vấn giám sát bố trí nhân sự chưa tuân hủ đầy đủ quy định hợp đồng, một số gói thầu không có biên bản xử lý hiện trường hạng mục thay đổi theo thực tế thi công, không có biên bản kiểm tra điều kiện thi công, kiểm tra chấp thuận phòng thí nghiệm…

Công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án được kiểm toán còn có sai sót với số tiền 8,3 tỷ đồng.

Về chi thường xuyên, dự toán đầu năm HĐND tỉnh giao 59 tỷ đồng, qua kiểm tra, kiểm toán phát hiện việc sử dụng dự phòng để bổ sung cho các đơn vị để hoạt động thường xuyên, mua sắm tài sản chưa đúng quy định.  Một số huyện sử dụng dự phòng chi bổ sung kinh phí hoạt động và một số nhiệm vụ khác chưa phù hợp với quy định tại điểm 10, Luật Ngân sách nhà nước 2,7 tỷ đồng.

Kiểm toán cũng chỉ ra tỉnh chưa thu hồi kinh phí tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do nhà nước quy định khi thực hiện chính sách giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư liên tịch 31/2015/TTLT-BTC-BYT 9,3 tỷ đồng;

Tỉnh chưa thu hồi kinh phí tiền lương ngạch bậc, chức vụ , các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do nhà nước quy định khi thực hiện chính sách giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 02/2017-TT-BYT 11,5 tỷ đồng. Khi cấp tiền lương tăng thêm, tỉnh chưa giảm trừ đầy đủ 40% số thu được để lại theo quy định nên cấp thừa 421 triệu đồng và cấp thiếu 127 triệu đồng. Năm 2017, chính sách về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội giảm 0,5% nhưng tỉnh chưa điều chỉnh giảm dự toán đã giao đầu năm cho các đơn vị thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo 327 triệu đồng.

Về việc quản lý và sử dụng quỹ ngoài ngân sách, báo cáo kiểm toán cho hay địa phương trích lập nguồn quỹ phát triển đất chưa đủ theo quy định tại Nghị quyết 17/2016 của HĐND tỉnh, số tiền 20,9 tỷ đồng.

Với các nội dung như trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 159 tỷ đồng. Các khoản cụ thể là: nộp ngân sách các khoản thuế, phí do Kiểm toán Nhà nước xác định tăng thêm 5,6 tỷ đồng, nộp các khoản cổ tức được chia vào ngân sách 4,6 tỷ đồng, nộp ngân sách tiền bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước 6 tỷ đồng, giảm thuế VAT còn được khấu trừ chuyển kì sau 4,7 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách các khoản chi sai quy định tại các dự án được kiểm toán 211 triệu đồng;

Thu hồi kinh phí thừa nộp ngân sách chi thường xuyên 8,2 tỷ đồng, xây dựng cơ bản 2 tỷ đồng; các khoản phải nộp nhưng chưa nộp xây dựng cơ bản 4,2 tỷ đồng; giảm dự toán chi thường xuyên 73 ,5 tỷ đồng…

Cùng chuyên mục
Tin khác