Kinh Bắc mua lại dự án khách sạn cao nhất Việt Nam

Trần Anh - 18/01/2020 09:08 (GMT+7)

Gần 3 năm sau khi chuyển nhượng, khu đất vàng gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội bất ngờ về tay chủ cũ.

VNF
Thiết kế dự án khách sạn Diamond Rice Flower.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc) đã thông việc nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen (Công ty Hoa Sen).

Theo đó, Kinh Bắc ghi nhận giá trị chuyển nhượng của phần vốn góp này là gần 1.855 tỷ đồng, tương ứng 100% vốn điều lệ của công ty Hoa Sen. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, Kinh Bắc trở thành chủ sở hữu của công ty Hoa Sen. Người đại diện phần vốn góp của Kinh Bắc tại Hoa Sen là ông Lê Huy Vũ.

Công ty Hoa Sen được Kinh Bắc thành lập tháng 6/2016 với mục đích ban đầu là xây dựng siêu dự án Diamond Rice Flower được quy hoạch trên "khu đất vàng" nằm cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia trên mặt đường Phạm Hùng có diện tích hơn 4,2 ha. Tổ hợp này gồm một tòa khách sạn 100 tầng cao 400 m, một tòa 80 tầng cao 320 m và một tòa nhà 15 tầng, từng được xem là dự án khách sạn cao nhất tại Việt Nam.

Cuối tháng 5/2017, Hoa Sen được tăng vốn điều lệ từ 145,3 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Sau đó Kinh Bắc đã nhượng toàn bộ vốn điều lệ của Hoa Sen cho cho CTCP Đầu tư Mặt Trời Mọc. Kinh Bắc đã ghi nhận lãi trước thuế 355 tỷ đồng sau thương vụ này.

Gần 3 năm sau khi chuyển nhượng, khu đất vàng giữa lòng Hà Nội bất ngờ về tay chủ cũ. Mặc dù vậy, báo cáo tài chính quý 3/2019 của Kinh Bắc cho thấy công ty chỉ có hơn 612 tỷ đồng tiền mặt, điều này dấy lên câu hỏi Kinh Bắc đã tìm kiếm nguồn lực từ đâu để thâu tóm lại Hoa Sen.

Kinh Bắc là doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Công ty sở hữu quỹ đất lớn, hiện đang quản lý khoảng 5.188 ha cho phát triển khu công nghiệp, chiếm 5,5% tổng số diện tích đất Khu công nghiệp của cả nước và 1.058,6 ha cho Khu dân cư. Thương hiệu khu công nghiệp Kinh Bac City đã được khẳng định không chỉ ở Việt Nam mà còn được các nhà đầu tư nước ngoài biết đến.

Thời gian gần đây, Kinh Bắc đang tiến hành mở rộng quỹ đất tại Hải Dương và Hà Nội. Tính đến hết quý 3/2019, công ty ghi nhận lợi nhuận đạt 867 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của công ty hơn 3.400 tỷ đồng.

Ghi nhận lợi nhuận lớn nhưng Kinh Bắc có danh mục đầu tư dàn trải, nhiều ngành nghề dẫn đến việc dòng tiền các năm qua của doanh nghiệp bị thiếu hụt. Từ 2010 – 2018, Kinh Bắc chưa thể chia cổ tức cho cổ đông. Đến năm 2019, Kinh Bắc có kế hoạch chia 10% cổ tức bằng tiền và 20% cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên phải đến tháng 7/2019, Kinh Bắc mới chốt quyền chi trả cổ tức bằng tiền 5%.

Trong năm 2019, Kinh Bắc cũng tiến hành nhiều đợt huy động trái phiếu. Ngày 6/12/2019, Kinh Bắc vừa thông qua phương án phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 10,8%/năm, kỳ hạn 18 tháng. Trước đó, Kinh Bắc cũng vừa phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất là 10,5%/năm.

Theo TheLEADER
Cùng chuyên mục
Tin khác