Tài chính quốc tế

Kinh tế khó khăn, ngành xây dựng Đức ‘khủng hoảng niềm tin’

(VNF) - Ông Dominik von Achten, Giám đốc điều hành của công ty vật liệu xây dựng Đức Heidelberg Materials, nói rằng lĩnh vực xây dựng nhà ở của Đức đang trong một “cuộc khủng hoảng niềm tin”.

Kinh tế khó khăn, ngành xây dựng Đức ‘khủng hoảng niềm tin’

Các công ty xây dựng Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn đặt hàng trầm trọng.

Lĩnh vực xây dựng nhà ở yếu kém

Lĩnh vực xây dựng nhà ở của Đức ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. Những dữ liệu kinh tế đều vẽ ra một bức tranh đáng lo ngại và các nhà lãnh đạo trong ngành đang tỏ ra lo lắng.

Ông Dominik von Achten, chủ tịch công ty vật liệu xây dựng Heidelberg Materials của Đức, chia sẻ: “Tôi có thể nói rằng lĩnh vực xây dựng nhà đang rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin. Có quá nhiều thứ đã đi sai hướng”, đồng thời cho biết thêm rằng doanh số của công ty đã giảm đáng kể ở Đức.

Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo, vào tháng 1/2024, cả tâm lý và kỳ vọng hiện tại đối với lĩnh vực xây dựng nhà ở của Đức đều giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Chỉ số về môi trường kinh doanh giảm xuống âm 59 điểm, trong khi kỳ vọng giảm xuống âm 68,9 điểm trong tháng.

Klaus Wohlrabe, người đứng đầu cuộc khảo sát tại Ifo, cho biết trong một thông cáo báo chí vào thời điểm đó: “Triển vọng trong những tháng tới thật ảm đạm”.

Trong khi đó, cuộc khảo sát chỉ số quản lý sức mua (PMI) xây dựng vào tháng 1 tại Đức của Ngân hàng Thương mại Hamburg cũng giảm xuống mức thấp nhất từ ​​trước đến nay là 36,3, sau khi chỉ số tháng 12 cũng là mức thấp kỷ lục. Chỉ số PMI dưới 50 cho thấy sự thu hẹp về hoạt động trong ngành.

Báo cáo của PMI cho biết: “Trong số các hạng mục xây dựng được khảo sát giám sát, hoạt động nhà ở vẫn hoạt động kém nhất, thể hiện tốc độ suy giảm thuộc hàng nhanh nhất được ghi nhận”.

Vấn đề này cũng đang đè nặng lên nền kinh tế Đức - vốn đã gặp đủ loại vấn đề về công nghiệp và tăng trưởng.

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck tuần trước cho biết chính phủ đang cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 xuống 0,2% so với ước tính trước đó là 1,3%. Ông Habeck chỉ ra rằng lãi suất cao hơn là một thách thức chính đối với nền kinh tế, đồng thời giải thích rằng những điều đó đã dẫn đến giảm đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng.

Tổng chi tiêu xây dựng thực tế ở Đức đã giảm đều kể từ năm 2021. Xu hướng giảm này dự kiến ​​sẽ tiếp tục vào năm 2024 với mức giảm 4,2% trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2025 ở mức 3,2%.

Xây dựng khu dân cư ở Đức được dự báo sẽ giảm 6,0% vào năm 2024, nhưng sẽ phục hồi 3,5% vào năm 2025, bất chấp làn sóng người tị nạn Ukraine và những người di cư khác đang thúc đẩy nhu cầu về nhà cho thuê.

Điều này phản ánh sự suy giảm sức mua của những người mua nhà tiềm năng trong bối cảnh lạm phát cơ bản khó khăn và lập trường chính sách tiền tệ hạn chế của ECB đã khiến lãi suất thế chấp cao hơn.

Chi phí xây dựng các tòa nhà dân cư mới cũng vẫn ở mức cao, mặc dù tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm bớt kể từ đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, Đạo luật Năng lượng Xây dựng quy định rằng mọi hệ thống sưởi ấm mới lắp đặt ở các khu vực xây dựng mới phải chạy bằng 65% năng lượng tái tạo từ ngày 1/1/2024, cũng ảnh hưởng đến các dự án nhà ở đã được quy hoạch trước đó.

Vì đâu nên nỗi?

Theo báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp Xây dựng châu Âu, 81% công ty tại Đức bị đe dọa bởi giá vật liệu và năng lượng tăng cao vào năm 2023. Ngoài ra, 67% công ty nhấn mạnh việc thiếu công nhân lành nghề, trong khi 58% khác cũng cảm thấy nhu cầu tổng thể thấp.

Xu hướng đi lên trong lĩnh vực xây dựng của Đức vào năm 2020 và 2021 đã chững lại đáng kể vào năm 2022, khi hầu hết các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) đã liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát cao.

Điều này đã tác động đặc biệt nặng nề đến ngành xây dựng nhà ở Đức, dẫn đến lãi suất thế chấp xây dựng tăng nhanh vào năm 2022, từ 1,4% lên 3,5%, đặc biệt đối với các hợp đồng trên 10 năm.

Giá xây dựng cũng tăng do giá nguyên liệu thô tăng sau hậu quả của chiến sự Nga-Ukraine. Điều này là do sự thiếu hụt đáng kể các nguyên liệu chính khi cộng đồng quốc tế tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu bauxite của Australia sang Nga, làm tê liệt nghiêm trọng ngành nhôm của nước này, cũng như ảnh hưởng đến giá kim loại công nghiệp như nhôm, đồng, niken và thép. Các vật liệu khác như gỗ, bê tông, vật liệu cách điện và ốc vít cũng tăng giá.

Sau khi cú sốc giá ban đầu do xung đột ở Nga qua đi, giá dầu tăng và nhu cầu công nghiệp phục hồi do các hạn chế liên quan đến Covid-19 được dỡ bỏ, khiến giá nguyên liệu thô đi theo quỹ đạo chậm hơn nhưng vẫn tăng lên.

Chi phí vận chuyển là một yếu tố khác đè nặng lên nền kinh tế Đức khi một số nhà xây dựng phải tìm các tuyến đường thay thế, sau những hạn chế gia tăng, tồn đọng chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị.

Ngành xây dựng của Đức cũng có số lượng việc làm thấp hơn so với toàn bộ nền kinh tế, với mức tăng chỉ 0,5% vào năm 2022, trong khi mức tăng trưởng việc làm trên toàn lĩnh vực kinh tế là 1,3%.

Một công trường xây dựng ở Đức.

Ánh sáng cuối đường hầm?

Dữ liệu của Ifo cho thấy số lượng công ty xây dựng báo cáo việc hủy đơn hàng và thiếu đơn hàng đã giảm nhẹ trong tháng 1 so với tháng 12/2023. Tuy nhiên, vẫn có tới 52,5% công ty cho biết không có đủ đơn đặt hàng.

Ông Klaus Wohlrabe nói: “Còn quá sớm để nói về sự đảo ngược xu hướng trong xây dựng nhà ở, vì các điều kiện khó khăn hầu như không thay đổi chút nào. Lãi suất cao và chi phí xây dựng không làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn đối với các nhà xây dựng".

Tuy nhiên, chuyên gia von Achten của Heidelberg Materials gợi ý rằng có thể tình huống sẽ thả lỏng một chút trong thời gian tới, khi có những tin tức tốt về mặt lãi suất.

“Tôi lạc quan rằng lạm phát hiện đã thực sự giảm ở Đức, có thể Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm lãi suất sớm hơn chúng ta nghĩ, hãy chờ xem, và nếu điều đó xảy ra thì rõ ràng niềm tin cũng sẽ sớm quay lại”, ông von Achten nói.

Phát biểu trước Nghị viện Đức về triển vọng kinh tế gần đây, Bộ trưởng Habeck cho biết chính phủ dự kiến ​​lạm phát sẽ tiếp tục giảm và quay trở lại mức mục tiêu 2% vào năm 2025.

Trong khi đó, hồi tháng 1, ECB cho biết rằng việc thảo luận về việc cắt giảm lãi suất vẫn còn “quá sớm”, ngay cả khi tiến trình giải quyết vấn đề lạm phát đang đạt được nhiều thành tích đáng mừng.

Theo dữ liệu của LSEG, mặc dù mốc thời gian chính xác cho việc cắt giảm lãi suất vẫn chưa rõ ràng, nhưng thị trường đang dự đoán rộng rãi về đợt giảm lãi suất đầu tiên diễn ra vào tháng 6/2024.

Như vậy, nhiều khả năng lĩnh vực xây dựng của "đầu tàu" tăng trưởng châu Âu sẽ phải chờ một vài tháng nữa trước khi đạt được bất kỳ bước tiến nào về niềm tin hay tăng trưởng, do các điều kiện vĩ mô chưa thể đảo ngược trong một sớm một chiều, và rất có thể sẽ kéo nền kinh tế nước này thêm trì trệ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán rằng Đức sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm nhất vào năm 2024, chỉ đạt mức tăng trưởng 0,5%.

Những nhà dự báo bi quan hơn nhận thấy sản lượng của nước này sẽ giảm hoàn toàn trong năm thứ 2 liên tiếp, khi nền kinh tế phải vật lộn với thời kỳ giá năng lượng cao kéo dài, chi phí vay cao và nhu cầu yếu đối với hàng hóa Đức trong và ngoài nước.

Xem thêm >> Đầu tàu tăng trưởng Châu Âu trục trặc: Kinh tế Đức 'đụng đâu cũng thấy vấn đề'

Từ khoá: Đức, châu Âu, ECB,
Tin mới lên