Kinh tế khó khăn, niềm tin của doanh nghiệp châu Âu với Việt Nam sụt giảm

Minh Ý - 10/07/2023 12:41 (GMT+7)

(VNF) - Theo kết quả chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý II/2023, chỉ số niềm tin của doanh nghiệp châu Âu đối với thị trường Việt Nam giảm nhẹ 4,5 điểm, phản ánh bối cảnh thị trường tương đối khó khăn hiện nay.

VNF
EuroCham Việt Nam là cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam kể từ năm 1998.

Ngày 10/7, EuroCham Việt Nam, Hiệp hội đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã công bố kết quả Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý II/2023 do Decision Lab thực hiện thông qua khảo sát mạng lưới rộng lớn gồm 1.300 thành viên của EuroCham Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. 

Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) là báo cáo được thực hiện hàng quý, và được xem là thước đo hàng đầu để đánh giá góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu về thị trường Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất, chỉ số BCI trong quý II đã giảm nhẹ từ mức 48 điểm trong quý I xuống còn 43,5 điểm trong quý II. Đây là số điểm thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2021, khi đại dịch Covid-19 kéo chỉ số BCI xuống 15,2 điểm.

Nếu không tính quãng thời gian đại dịch, chỉ số BCI trong quý vừa qua đạt mức thấp nhất kể từ năm 2012, thời điểm Việt Nam trải qua cuộc khủng hoảng ngân hàng.

BCI giảm 4,5 điểm cho thấy tâm lý xấu đi của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đối với nền kinh tế Việt Nam. Điểm chỉ số giảm do điểm thấp trong các lĩnh vực vận tải, hậu cần, ô tô và năng lượng. Chỉ số này cũng thấp hơn trong quý II do cả đánh giá hoạt động kinh doanh hiện tại và triển vọng dự kiến đều giảm.

Về BCI, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho biết: "Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, và đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu. Sự sụt giảm về xuất khẩu và các đơn hàng đã tác động lớn đến các doanh nghiệp châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) cho thấy rõ viễn cảnh ảm đạm hiện nay”.

"Để giải quyết những thách thức này, chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp thiết thực, đặc biệt là bằng cách đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực này và tin rằng điều đó sẽ mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho nền kinh tế trong dài hạn!", ông Fluit nói thêm.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dường như vẫn tin tưởng vào hoạt động kinh doanh trong quý tới, với hơn 9% cảm thấy tích cực về hoạt động kinh doanh trong QIII/2023.

Theo EuroCham, các doanh nghiệp đang thận trọng đánh giá toàn cảnh, tập trung vào việc tối ưu hóa doanh thu và đơn hàng. Ngoài ra, số lượng các công ty có kế hoạch quản lý chặt chẽ các khoản đầu tư trong quý tới đã tăng thêm 7%. Dù vậy, việc lập kế hoạch cho lực lượng lao động vẫn ổn định, phản ánh cam kết duy trì sự ổn định trong bối cảnh hiện tại.

Báo cáo về chỉ số BCI cũng chỉ ra phương hướng điều chỉnh để cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó nhấn mạnh cải cách quy định và sự sẵn có của lực lượng lao động lành nghề là động lực tăng trưởng then chốt cho các công ty châu Âu. Cải cách quy định được xem là yếu tố hàng đầu góp phần vào tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi sự sẵn có của lực lượng lao động lành nghề được ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất.

Ngoài ra, việc đảm bảo thị thực và giấy phép lao động cho lao động nước ngoài vẫn luôn là một thách thức đối với các doanh nghiệp nước ngoài, với hơn 80% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.

Báo cáo cũng đã chỉ ra tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp trong thời gian khảo sát. Mặc dù tình hình đã ổn định hơn nhờ những cơn mưa lớn, khoảng 60% số người tham gia khảo sát đã chịu ảnh hưởng bởi  sự thiếu hụt điện đối với hoạt động kinh doanh.

Báo cáo nhấn mạnh về góc nhìn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu về sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, với 53% cho rằng cơ sở hạ tầng hiện tại "không tương xứng" hoặc "tụt hậu". Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề này, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh các dự án hạ tầng trọng điểm như lĩnh vực đường cao tốc.

EuroCham cho biết, bất chấp những thách thức trên, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với 48% số người tham gia khảo sát kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của công ty họ vào Việt Nam sẽ tăng trong quý tới.

Tuy nhiên, có tổng cộng 40% doanh nghiệp bày tỏ không có kế hoạch tăng FDI, đánh dấu mức tăng 4% so với BCI trước đó.

Dù vậy, Việt Nam vẫn củng cố vị trí một trong năm điểm đến đầu tư hàng đầu của hơn 1/3 doanh nghiệp, cho thấy sức hấp dẫn lâu dài của đất nước.

Xem thêm >> Quốc gia châu Âu đầu tiên chuyển tài sản phong tỏa của Nga sang Ukraine

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.