Lãi suất đi lên, áp lực tỷ giá giảm xuống

Minh Dũng - 20/07/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Lãi suất thấp khiến cho áp lực tỷ giá USD/VND luôn thường trực. Các chuyên gia nhận định, lãi suất huy động sẽ nhích dần lên nhằm giảm áp lực cho tỷ giá.

Lãi suất thấp khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực

Sau khi giảm xuống vùng thấp lịch sử, lãi suất huy động đã rục rịch tăng trở lại từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp.

Lãi suất hiện nay vẫn thấp hơn giai đoạn trước dịch Covid-19. Các kỳ hạn dưới 6 tháng lãi suất huy động vẫn thấp hơn mức trần quy định.

Các chuyên gia cho rằng, mặt bằng thấp của lãi suất là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi chỉ số đô la Mỹ (DXY) vẫn duy trì ở mức cao.

Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất còn thể hiện trên thị trường liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm của USD luôn cao hơn VND. Ngoài ra, xu hướng tăng giá của các kênh tài sản khác phần nào tác động tới tỷ giá trong giai đoạn qua. Từ đầu năm tới nay, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD.

Khác với những năm trước, tỷ giá USD/VND liên tục chịu áp lực tăng trong những tháng đầu năm nay.

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã có những động thái nhằm ổn định tỷ giá, như ưu tiên sử dụng công cụ lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở.

Từ ngày 11/3, NHNN đã tiến hành bán gọi thầu tín phiếu theo hình thức đầu thầu khối lượng, từ đó dần dần định hướng và đưa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên mức cao hơn, giúp thu hẹp mức chênh lệch lãi suất tiền USD và tiền VND trên thị trường liên ngân hàng.

Tuy nhiên, sau đó, tỷ giá tiếp tục tăng theo biến động của thị trường thế giới.

Để ghìm cương tỷ giá, từ ngày 19/4, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp thị trường với giá bằng với giá bán ra niêm yết tại Sở Giao dịch NHNN.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc NHNN bán ngoại tệ để can thiệp ra thị trường ngoại tệ là cần thiết nhưng chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt. Trong khi đó, về lãi suất, NHNN vẫn đảm bảo điều hành lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Vì thế, NHNN sẽ phải tính đến việc điều chỉnh lãi suất một cách hợp lý để hạ nhiệt tỷ giá nhưng vẫn duy trì hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo một chuyên gia, việc lãi suất tiền gửi vẫn thực dương, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là bài toán vô cùng khó. Để giải bài toán này, quan điểm điều hành chung mà NHNN đưa ra rất đúng đắn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Lãi suất tăng lên, tỷ giá dần hạ nhiệt

Gần đây, các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động nâng lãi suất huy động để kích thích nhu cầu gửi tiền, góp phần ổn định tỷ giá.

Trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận 24/36 ngân hàng thương mại trong nước tăng lãi suất huy động. Từ đầu tháng 7 đến nay, có 14 ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động. Trong đó, VietBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất lần thứ hai kể từ đầu tháng.

Đáng chú ý, có nhà băng đã tăng lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng lên mức 4,7%/năm, tiệm cận với trần lãi suất 4,75%/năm do NHNN quy định. Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dài đã lên vùng 6%/năm.

Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của NHNN thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Đồng của các ngân hàng.

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng.

Trong nghiên cứu mới công bố, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, từ đầu quý II năm nay, mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng, đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5 -1%/năm cho các kỳ hạn khác nhau.

Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, các mức lãi suất mang tính chất thương mại (huy động từ dân cư và doanh nghiệp, thị trường liên ngân hàng…) đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, với cả lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kim loại quý…

Các chuyên gia của Ngân hàng UOB Việt Nam dự báo mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25-0,75% tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3-6% vào cuối năm 2024. Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4-5% trong năm 2024.

Nhận xét về biến động tỷ giá trong 6 tháng đầu năm, UOB cho biết diễn biến này hoàn toàn nằm trong xu thế chung. UOB dự báo, tỷ giá có thể ở mức 25.200 đồng/USD trong quý III/2024, 25.000 đồng/USD trong quý IV/2024, 24.800 đồng/USD trong quý I/2025 và 24.600 đồng/USD trong quý II/2025.

Còn Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhìn nhận lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 0,7-1,0 điểm % từ nay cho tới cuối năm, lên mức tương đương vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021 do áp lực từ tỷ giá và cầu tín dụng hồi phục.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định mặt bằng lãi suất huy động trong quý III sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,3-0,5 điểm %. Đồng thời, áp lực tăng có thể gia tăng trong quý IV và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên 0,5-1 điểm %.

Trong báo cáo chiến lược tháng 7 mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất. VDSC ước tính mức tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,5-1 điểm % trong nửa cuối năm nay.

Theo nhiều chuyên gia, với giá vàng được bình ổn, cán cân thanh toán dương, giải ngân FDI tốt và đồng USD cũng được kỳ vọng giảm giá sau thời gian leo đỉnh... là những yếu tố giúp tỷ giá dần hạ nhiệt về cuối năm.

Tỷ giá hướng tới 26.000 đồng/USD, NHNN mạnh tay can thiệp

Tỷ giá hướng tới 26.000 đồng/USD, NHNN mạnh tay can thiệp

Ngân hàng
(VNF) - Tỷ giá gần đây căng thẳng trở lại, giá USD tự do bất ngờ tăng mạnh, vượt 26.000 đồng/USD. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá VND/USD sẽ hạ nhiệt.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.