Áp lực và thách thức kiểm soát tỷ giá
(VNF) - Tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay biến động mạnh. Giá USD trong ngân hàng đã tăng 4-5% so với đầu năm. Tỷ giá USD/VND tăng nhanh đang gây nhiều nỗi lo cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Tỷ giá luôn kịch trần
Các ngân hàng thương mại gần đây duy trì giá USD ở mức cao và luôn ở mức kịch trần cho phép bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ngoại tệ can thiệp đồng thời tăng lãi suất tín phiếu nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Tại Vietcombank, giá USD tiến sát mốc 25.500 đồng/USD ở chiều bán ra.
Trên thị trường chợ đen, giá USD bán ra đang ở gần ngưỡng 25.900 đồng/USD. Tính từ đầu năm tới nay, giá USD trên thị trường tự do tăng khoảng 1.100 đồng mỗi USD, tương ứng tăng 4,7%.
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong quý I/2024, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,12% và tỷ giá trung tâm tăng 0,57% so với cuối năm 2023. Chỉ trong quý I/2024, VND mất giá gần 5% so với USD, ngang bằng mức trượt giá được dự báo cho cả năm.
Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân tạo áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước thời gian qua. Trước hết, sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng với sự gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số nơi trên thế giới khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh. Điều này tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao trong khi lãi suất VND thấp hơn đã thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai. Còn khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống tổ chức tín dụng, khiến cân đối cung - cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.
Cùng với đó, việc nhập khẩu các tháng đầu năm có triển vọng tích cực hơn, càng tạo áp lực cho ngoại tệ. Ngoài ra, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế duy trì ở mức cao đã kích thích hoạt động gom mua USD để nhập lậu vàng. Điều này đã đẩy giá USD tại thị trường tự do lên cao cả ngàn đồng so với giá của ngân hàng.
Đẩy lạm phát và gây khó khăn cho doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia nhận định, tỷ giá còn chịu nhiều áp lực từ nay đến cuối năm và có nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát. Theo chuyên gia kinh tế độc lập Nguyễn Đức Hùng Linh, từ đầu năm 2024, nhập siêu đang có dấu hiệu "bùng lại", áp lực lên tỷ giá chắc chắn sẽ gia tăng. Quý đầu năm 2024, nước ta đã chi ra 85 tỷ USD để nhập khẩu. Như vậy, nếu mua USD để nhập hàng và nguyên vật liệu trong tháng 4, giá vốn hàng nhập đã tăng hơn 3 - 4% so với đầu năm.
Báo cáo mới công bố của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã chỉ ra ảnh hưởng tương đối lớn của tỷ giá đến lạm phát. Kết quả chỉ ra rằng cứ 1% mất giá đồng VND thì lạm phát sẽ tăng 0,34%. Nếu theo nghiên cứu này, với mức mất giá 4,5% kể từ đầu năm 2024 thì lạm phát sẽ tăng thêm 1,5%. Điều này chưa tính tới việc tăng giá tự nhiên như giá xăng trong nước tăng theo giá dầu thế giới.
Việc tỷ giá ngân hàng tăng nhanh đã làm nhiều người làm ăn chùn tay, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này ảnh hưởng đến tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tình trạng nhà đầu tư nước ngoài kéo dài chuỗi ngày bán ròng chứng khoán bắt đầu từ năm 2023 được đánh giá do nhiều nguyên nhân cả trong và ngoài nước, trong đó có tỷ giá. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo ngại tỷ giá tăng sẽ bào mòn lợi nhuận. Để an toàn, họ bán chứng khoán và rút vốn trước khi tỷ giá có thể tăng thêm. Nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng lo sợ tỷ giá tăng cao.
Với những người có tiền nhàn rỗi, lãi suất VND quá thấp trong khi tỷ giá VND/USD trong xu hướng tăng khiến họ cũng phải nghĩ đến việc "làm cái gì đó". Nhiều người sẽ găm giữ USD. Như vậy, vốn chảy vào đầu cơ thay vì chuyển sang sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, tỷ giá tăng nhanh đang tác động đến doanh nghiệp vay USD và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu. Trong khi doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng vì tỷ giá tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng không hẳn hưởng lợi, bởi đa phần doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay phải nhập khẩu.
Báo cáo tài chính quý I năm nay cho thấy, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ khi giá USD liên tục tăng cao. Nhiệt điện và dầu khí là hai lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp có những khoản vay bằng USD khá lớn. Do đó, có không ít doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực này đã ghi nhận những khoản lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá.
Tiểu biểu, quý I/2024, Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem) ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ gần 9,4 tỷ đồng. Tương tự, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) có doanh thu thuần giảm 16%, về mức 6.243 tỷ đồng. Theo đó, PV Power ghi nhận chi phí tài chính tăng 10% lên 154 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lỗ chênh lệch tỷ giá với hơn 70 tỷ đồng. "Ông lớn" hàng không Vietnam Airlines cũng chịu rủi ro lỗ chênh lệch tỷ giá. Trong 3 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ hơn 646 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi từ khoản mục này là 110 tỷ đồng. Vietnam Airlines cho hay, cứ tỷ giá tăng 1% thì chi phí của Tổng công ty tăng thêm 300 tỷ đồng.
Thách thức kiểm soát
Các chuyên gia kinh tế cho rằng áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu song chưa đáng lo ngại vì vẫn trong tầm kiểm soát. Dù áp lực lên VND đã tăng nhưng điều này không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM, nhận xét mức giảm giá của VND từ đầu năm đến nay là phù hợp với biến động trên thị trường thế giới. Các chuyên gia của UOB Việt Nam cũng đánh giá mức giảm giá từ đầu năm 2024 đến nay của tiền Đồng nằm trong xu thế chung và ở mức trung bình khi nhìn vào dữ liệu tổng hợp của các đồng tiền từ các nền kinh tế lớn. Trong khi đó, theo Công ty KB Securities Vietnam, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu nhưng chưa phải mối lo lớn với Việt Nam. Tỷ giá trong nước sẽ tiếp tục được hỗ trợ tốt bởi nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kể từ sau khi NHNN bắt đầu bán ngoại tệ, đà tăng của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã dừng lại.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu Chứng khoán MB (MBS), cho hay: tỷ giá USD/VND sẽ sớm đảo chiều trong các tháng tới và sẽ về mức 24.400 - 24.600 đồng/USD, khi Chính phủ ổn định thị trường vàng và Mỹ hạ lãi suất trong nửa cuối năm. Viện Đào tạo và Nghiên cứu của BIDV dự báo, áp lực tỷ giá vẫn còn nhưng sẽ giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất dự kiến vào cuối quý II/2024, giảm mức độ chênh lệch lãi suất USD và VND, qua đó giảm đầu cơ tỷ giá.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, diễn biến tỷ giá tăng như thời gian qua, dù liên tục nhưng không đáng lo quá, bởi mức tăng của đồng USD sẽ chững lại, thậm chí quay đầu giảm khi Fed giảm lãi suất.
Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc Phân tích Cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu của VIS Rating, đánh giá: Về cơ bản, áp lực tỷ giá trong ngắn hạn vẫn còn tồn tại nhưng nhìn dài hơi hơn thì áp lực tỷ giá chưa ảnh hướng lớn tới các cân đối vĩ mô, cũng như triển vọng tín nhiệm của thị trường Việt Nam. Trong nửa cuối năm 2024, áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong môi trường kinh tế thế giới biến động như hiện nay, tỷ giá có lúc tăng lúc giảm là điều hết sức bình thường.
Sức ép tỷ giá còn lớn: 'Đến lúc nâng lãi suất VNĐ để hạ nhiệt USD'
Lãi suất bắt đầu tăng lên, tỷ giá dần hạ nhiệt
Ngân hàng Nhà nước phủ nhận tin đồn thay đổi điều hành tỷ giá
- Tăng trưởng tín dụng: 23 tỉnh vẫn ở mức âm, có ngân hàng âm 4% 19/06/2024 04:30
- Yêu cầu khẩn trương chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, xử lý SCB 19/06/2024 10:59
- Lãi suất thấp nhất 10 năm qua, chốt nhanh vay vốn mua nhà? 20/06/2024 08:00
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.