Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Cuộc đua giảm lãi suất tiết kiệm
Ngay trong tuần đầu tiên của tháng 12, hàng loạt ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm. Tại nhiều ngân hàng, lãi suất tiết kiệm hiện đang “dò đáy”, giảm xuống mức thấp hiếm có trong lịch sử.
Mới đây nhất là ngân hàng KienLongBank đã giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 – 3 tháng. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 và 2 tháng tại KienLongBank được điều chỉnh xuống còn 4,15%/năm, giảm 0,4%/năm. Kỳ hạn 3 tháng cũng giảm mạnh 0,6%/năm, xuống còn 4,15%/năm.
Trước đó, Eximbank đã 2 lần điều chỉnh lãi suất tiết kiệm chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 12. Sau 2 đợt giảm, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng tại ngân hàng này lần lượt ở mức 3,4%/năm, 3,5%/năm và 3,7%/năm, giảm từ 0,3 – 0,6 điểm phần trăm. Các kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng tại Eximbank hiện đang có lãi suất 4%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang ở mức thấp sau một số đợt điều chỉnh. Tại Big4 của ngân hàng, bao gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV, lãi suất tiết kiệm hiện đang ở mức đáy và thấp nhất trong lịch sử, dao động trong khoảng 4,3% - 4,8%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Tính đến hiện tại, lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay là 6,5% tại ngân hàng HDBank với kỳ hạn 18 tháng. Ngoài ra, chỉ có số ít ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 6%.
Theo báo cáo mới đây của VnDirect, bình quân lãi suất huy động 12 tháng của các NHTM trong tháng 11 giảm tiếp 0,2 điểm % so với tháng trước xuống 5,14%/năm, khiến cho chênh lệch giữa tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-INDEX và lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng được nới rộng.
Quan sát trên các nhóm liên quan đến gửi tiết kiệm ngân hàng, nhiều người bày tỏ sự bất ngờ khi lãi suất tiết kiệm liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. Một người gửi tiết kiệm sống ở Nha Trang cho biết, đến cuối tháng 12 này anh đáo hạn 3 tỷ tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng nhưng hiện vẫn chưa biết chọn gửi ở ngân hàng nào khác vì “gần như lãi suất huy động của các bên đều thấp như nhau”.
Đổi kênh đầu tư khi lãi suất tiết kiệm xuống đáy
Việc lãi suất tiết kiệm lao dốc trong những ngày cuối năm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người gửi, nhất là khi đây là thời điểm nhiều khoản tiền gửi đến kỳ đáo hạn. Chị Thu Thủy (Hà Nội) chia sẻ: “Vàng thì cứ tăng giá vù vù trong khi lãi suất tiết kiệm thì ngày một giảm. Tiền lãi giờ chỉ bằng một nửa so với hồi đầu năm khiến những người gửi tiền như tôi không khỏi sốt ruột”.
Cũng giống như chị Thủy, khi lãi suất tiết kiệm dò đáy, nhiều người đã chọn bỏ tiền vào các kênh đầu tư khác, đặc biệt là vàng. Trong hơn 1 tháng qua, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh, thậm chí còn chạm mốc cao kỷ lục 74,6 triệu đồng/lượng.
Nhiều người không đứng yên trước sức hấp dẫn của kim loại quý này. Trong những tháng cuối năm, các cơ sở bán vàng ghi nhận lượng khách giao dịch tăng cao. Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Thuyết, Phó ban Trực doanh Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu, cho hay, lượng khách đến giao dịch tại cửa hàng vàng tăng 40-50% tùy từng thời điểm khi giá vàng tăng mạnh.
Bên cạnh vàng, chứng khoán và bất động sản cũng là kênh đầu tư đang được nhiều người quan tâm. Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), trong tháng 11/2023, nhà đầu tư cá nhân mở mới 148.592 tài khoản chứng khoán. Trong 10 tháng 2023, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng 20,5 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định thời gian qua, dòng tiền nhàn rỗi trong dân, dù chưa nhiều, đã bắt đầu rục rịch quay trở lại đầu tư bất động sản khi lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh giảm rõ rệt tiệm cận về mức đầu năm 2022. Các sản phẩm bất động sản như nhà phố, biệt thự cao cấp trên 5 tỷ đồng, có mức giá đi ngang một thời gian sau giai đoạn cắt lỗ sâu vào đầu năm nay, giờ đã được nhà đầu tư "chấp nhận" xuống tiền, bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới, ông nói.
Chia sẻ với VietnamFinance, ThS.Ngô Thành Huấn - Giám đốc Điều hành FIDT, nhận định "Gửi tiết kiệm không còn là kênh sinh lời trong cuối năm 2023 và cả năm 2024 tới mà chỉ là lựa chọn phù hợp dành cho những người không có khẩu vị đầu tư. Việc gửi tiết kiệm ngân hàng chỉ nên là bước đệm để chờ cơ hội đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán hay bất động sản".
Nói về vàng, ông Huấn cho rằng có thể tích trữ vàng ở thời điểm hiện tại nhưng không nên mua vàng ở mức đỉnh, tránh trường hợp "mua đỉnh bán đáy". "Ở thời điểm hiện tại, người dân nên nắm giữ vàng thay vì bỏ thêm tiền ra mua vào nhưng không nên nắm giữ vàng quá 15% tài sản", ông nói. Trong khi đó, chứng khoán cũng có thể được xem là kênh đầu tư phù hợp và hứa hẹn sẽ được nhiều người lựa chọn trong năm 2024 tới. Nếu nhà đầu tư không có khẩu vị với chứng khoán thì bất động sản thổ cư ở khu vực dân sinh hay đất thổ cư ở các khu vực vùng ven cũng là lựa chọn đáng để cân nhắc.
Tuy nhiên, cũng có không ít nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và lựa chọn "ăn chắc mặc bền" bằng cách gửi tiết kiệm. Bằng chứng là bất chấp lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng vẫn tăng trong suốt 13 tháng qua. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2023, tiền gửi của người dân vào ngân hàng đạt hơn 6,44 triệu tỉ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thận trọng trong đầu tư hay đầu tư an toàn là xu hướng tất yếu khi triển vọng kinh tế chưa rõ ràng. Dù lãi suất có giảm nhưng gửi tiết kiệm vẫn được xem là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi, dù thấp.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định dòng tiền gửi vào ngân hàng vẫn có khả năng tăng tiếp trong thời gian tới trong bối cảnh kinh tế khó khăn và các kênh đầu tư sinh lời khác chưa có mấy khởi sắc.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.