Lãi suất tiết kiệm chạm mốc 10%/năm, giá vàng tăng lên đỉnh cao lịch sử

Minh Anh - 18/02/2024 16:11 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất đặc biệt cho khách hàng VIP, có ngân hàng đưa ra mức lãi suất tới 10%/năm. Các chuyên gia cho rằng cần nhanh "rã băng" dòng tiền hàng triệu tỷ đồng gửi trong ngân hàng chảy vào nền kinh tế, tạo tăng trưởng. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VNF

Mở hàng năm mới, lãi suất tiết kiệm bất ngờ vọt lên 10%/năm

Dù lãi suất huy động liên tục dò đáy nhưng nhiều ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao dành cho những khách hàng gửi tiền đáp ứng được điều kiện về kỳ hạn dài cũng như số tiền tối thiểu lên tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng.

Điển hình, theo biểu lãi suất mới được Ngân hàng PVComBank công bố, mức lãi suất cao nhất mà nhà băng này đang áp dụng là 10%/năm. Tuy nhiên, điều kiện để hưởng mức lãi suất này là số dư tiền gửi phải từ 2.000 tỷ đồng trở lên và gửi tại quầy với kỳ hạn 12-13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. 

Trong tháng 1 vừa qua, ngân hàng Wooribank giới thiệu gói gửi tiết kiệm với mức lãi suất lên tới 11%/năm. Nhưng khách hàng của gói gửi tiết kiệm này phải gửi định kỳ hàng tháng trong vòng 2 năm với số tiền tối thiểu là 100.000 đồng và tối đa là 5 triệu đồng.

>> Xem thêm: Mở hàng năm mới, lãi suất tiết kiệm bất ngờ vọt lên 10%/năm

'Rã đông' khối tiền triệu tỷ đang co cụm trong dân

Bất chấp lãi suất “thủng đáy”, người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2023, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt mức kỷ lục 12,8 triệu tỷ đồng. Lượng tiền gửi vào các ngân hàng cũng tăng mạnh. 

Tiền của nhà đầu tư chứng khoán để trong tài khoản cũng tăng kỷ lục. Tính chung cả năm 2023, lượng tiền gửi tại các công ty chứng khoán đạt mức cao nhất trong gần 2 năm qua, tăng khoảng 20.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng việc người dân tăng gửi tiết kiệm và để dành tiền trong tài khoản chứng khoán là điều bất lợi cho nền kinh tế. Vì vậy, cần nhanh chóng có các giải pháp để "rã băng" dòng tiền chảy vào nền kinh tế, tạo tăng trưởng.

>> Xem thêm:'Rã đông' khối tiền triệu tỷ đang co cụm trong dân

Núi tiền khổng lồ của 'nhà giàu' Việt

Theo số liệu trên báo cáo tài chính 2023 vừa được công bố, nhiều doanh nghiệp đầu ngành sở hữu khối tài sản tỷ USD có lượng tiền mặt và tiền gửi lớn, thu lãi tiền gửi cả nghìn tỷ đồng trong năm qua.

Điển hình, Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS - mã: GAS) sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất lên tới 40.752 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD. Con số này chiếm 46% tổng tài sản của GAS và tăng hơn 6.000 tỷ đồng trong một năm. Khoản tiền gửi ngân hàng đã đem về cho công ty 2.025 tỷ đồng lãi, tăng 67% so với năm trước, tính trung bình mỗi ngày 5,5 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng thuộc "họ dầu khí" có lượng tiền khổng lồ là Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR). Tại ngày 31/12/2023, công ty này có 38.122 tỷ đồng tiền và tiền gửi, tăng hơn 13.000 tỷ đồng so với đầu năm. Lãi từ tiền gửi ngân hàng trong năm qua hơn 1.599 tỷ đồng, tăng 76% so với năm trước.

>> Xem thêm: Núi tiền khổng lồ của 'nhà giàu' Việt

Năm 2024, giá vàng tiếp tục tăng

Năm 2023, vàng được đánh giá là kênh đầu tư tốt nhất trong bối cảnh lãi suất giảm sâu, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… gặp nhiều khó khăn.

Các chuyên gia cho rằng, năm 2024, giá vàng trong nước vẫn có khả năng tăng theo đà đi lên của giá vàng thế giới và phá vỡ kỷ lục 80 triệu đồng/lượng.Giá vàng năm 2024 giá vàng có thể ghi nhận thêm những đợt tăng mới nhưng sẽ không tăng đột biến như năm 2023.

Giá vàng rất khó dự đoán, nhiều khả năng chỉ tăng trong ngắn hạn và khó duy trì được đà tăng này trong trung, dài hạn. Vì thế, nhà đầu tư chỉ nên chọn những thời điểm giá vàng bớt nóng để đầu tư và cũng chỉ nên nắm giữ 5-10% tổng tài sản.

>> Xem thêm: Năm 2024: Giá vàng tiếp tục tăng, kích thích người dân đổ tiền mua gom

Đầu năm, tỷ giá USD/VND tăng nóng có đáng lo?

Tỷ giá USD/VND trong nước tăng nóng và đạt đỉnh trong tháng 1/2024. Hiện nay, tỷ giá USD/VND dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, VND đến nay vẫn nằm trong số những đồng tiền ổn định nhất khu vực, nhờ thặng dư thương mại cao (tới 28,3 tỷ USD trong năm 2023), cán cân thanh toán cao (đạt xấp xỉ 5-6% GDP năm 2023) và vốn FDI giải ngân mạnh.

Song tiền đồng vẫn phải đối mặt với áp lực từ sự phục hồi của đồng USD và mức chênh lệch lãi suất cao. Áp lực này có thể kéo dài ít nhất trong nửa đầu năm 2024, khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

>> Xem thêm: Đầu năm, tỷ giá USD/VND tăng nóng có đáng lo?

Nút thắt dần được gỡ, hàng trăm nghìn tỷ tiếp tục đổ vào nhà đất?

Bất động sản bước sang năm 2024 ghi nhận những tín hiệu tích cực, thị trường ấm dần. Kênh dẫn vốn với lãi suất thấp thông thoáng được dự báo sẽ khiến thị trường bất động sản hồi phục nửa cuối năm nay.

Khác với các năm trước cấp theo từng đợt, ngay từ đầu năm nay, nhà điều hành đã cấp toàn bộ hạn mức cho các ngân hàng. Nhưng để khơi thông dòng tín dụng chảy vào thị trường địa ốc cần nhiều yếu tố.

Theo TS. Cấn Văn Lực, dù dư địa rất lớn song vốn có chảy ra được nền kinh tế hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân; khả năng giữ mặt bằng lãi suất; khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp.

>> Xem thêm: Nút thắt dần được gỡ, hàng trăm nghìn tỷ tiếp tục đổ vào nhà đất?

Bà chủ bị bắt, kho xăng dầu Hải Hà Petro 176 tỷ bị ngân hàng rao bán để trừ nợ

Kho cảng xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) đang được Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Long Biên rao bán đấu giá.

Do Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà mới bị rút giấy phép kinh doanh hồi tháng 1 do có nhiều vi phạm liên quan Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và nợ thuế, nên Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Long Biên đã phải rao bán đấu giá số tài sản này. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra cho khối tài sản này là hơn 176 tỷ đồng, trong đó tiền đặt trước 17,6 tỷ đồng.

Hải Hà Petro là một trong những doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn trên cả nước. Doanh nghiệp này sở hữu hệ thống 22 cửa hàng xăng dầu và hàng trăm khách hàng là thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý mua bán trực tiếp trên cả nước.

>> Xem thêm: Bà chủ bị bắt, kho xăng dầu Hải Hà Petro 176 tỷ bị ngân hàng rao bán để trừ nợ

Hé lộ lương của các sếp ngân hàng

Không chỉ ghi nhận mức lợi nhuận cao, nhiều nhà băng cũng mạnh tay chi tiền lương và phụ cấp cho đội ngũ nhân sự cấp cao, bình quân lên tới nửa tỷ đồng/tháng.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính năm 2023 được các ngân hàng công bố, mức thù lao cho các vị trí lãnh đạo vẫn có xu hướng gia tăng nhờ kết quả kinh doanh đạt tín hiệu khả quan.

Đáng chú ý, mức thu nhập “khủng” nhất trong ban điều hành Vietcombank là giám đốc khối Colin Richard Dinn - người được bổ nhiệm vào cuối tháng 11/2023 - nhận lương, thưởng lên đến 15,2 tỷ đồng trong năm 2023.

>> Xem thêm: Các sếp ngân hàng nhận lương bao nhiêu?

Bốn ngân hàng trả thu nhập bình quân nhân viên trên 40 triệu/tháng

Thống kê tại 26 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính năm 2023 cho thấy xu hướng chi trả thu nhập bình quân cho nhân viên ngân hàng diễn ra trái chiều trong năm qua. Tuy nhiên, số ngân hàng tăng mức chi này cho nhân viên vẫn chiếm đa số với 18 nhà băng, trong khi có 9 ngân hàng điều chỉnh giảm số chi này.

Đáng chú ý, các ngân hàng quy mô lớn là nhóm tăng thu nhập bình quân cho nhân viên mạnh nhất năm vừa qua. Ngược lại, do ảnh hưởng từ khó khăn chung của ngành khiến các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ có xu hướng giảm chi lương, thưởng và trợ cấp cho nhân viên.

Trong năm 2023, toàn hệ thống ghi nhận 4 ngân hàng chi trả thu nhập bình quân nhân viên trên 40 triệu đồng/tháng, bao gồm 3 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV. Trong khi Techcombank là đại diện duy nhất của nhóm ngân hàng tư nhân chi trả mức thu nhập bình quân này cho nhân sự của mình.

>> Xem thêm: Bốn ngân hàng trả thu nhập bình quân nhân viên trên 40 triệu/tháng

Thủ đoạn chiếm quyền điện thoại, 'hack' tài khoản ngân hàng lấy sạch tiền

Các chiêu trò lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi. Ngoài những thủ đoạn lừa đảo như cuộc gọi video deepfake; giả danh cơ quan thuế, công an, viện kiểm sát, tòa án, lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử…, gần đây nở rộ hình thức lừa đảo chiếm quyền trợ năng (Accessibility) trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android. 

Theo đó, kẻ gian dẫn dụ người dùng cài đặt ứng dụng giả mạo có chứa các mã độc rồi chiếm quyền điều khiển điện thoại, trộm tiền trong tài khoản ngân hàng.

>> Xem thêm: Thủ đoạn chiếm quyền điện thoại, 'hack' tài khoản ngân hàng lấy sạch tiền

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.