Ngân hàng

Lãi vay giảm sâu, nguồn hỗ trợ tín dụng đã thực sự tuôn chảy?

Sự sốt ruột về hiệu quả thực sự của gói tín dụng 285.000 tỷ đồng đã phần nào được giải tỏa khi từ ngày 1/4, các ngân hàng đồng loạt hạ lãi vay về mức rất thấp.

Lãi vay giảm sâu, nguồn hỗ trợ tín dụng đã thực sự tuôn chảy?

Ngân hàng triển khai đồng loạt nhiều chương trình hỗ trợ bao gồm cả đảm bảo an toàn cho khách hàng đến giao dịch (ảnh: VNE)

Từ sự đi đầu của các ngân hàng lớn...

Ngay sau quyết định "cách ly xã hội" 15 ngày của Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực kể từ lúc 0h ngày 1/4/2020, tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các ngân hàng thương mại (NHTM) để triển khai các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã cam kết hạ lãi vay về mức rất thấp. 

Chủ tịch HĐQT Vietinbank Lê Đức Thọ cam kết tiếp tục xem xét giảm 2%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng kinh doanh các lĩnh vực phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. "Trong ảnh hưởng của dịch bệnh lần này thì các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng có thể nói còn rất khó để có thể lường đoán. Nhưng mức độ rất lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nói chung thì có thể nói ảnh hưởng ngay lập tức, trực tiếp và rất lớn", ông Thọ nhấn mạnh.

Trước cam kết hạ lãi suất mới, Vietinbank đã triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 3, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1,5%/năm tùy khách hàng, tùy mục đích vay vốn cho gần 3.000 khách hàng.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng cho biết sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1 - 1,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu đến hết ngày 30/9/2020, thay vì hết tháng 4/2020 như công bố trước đây. Với chính sách này, Vietcombank ước tính giảm lợi nhuận 300 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Đối với khoản cho vay mới, Vietcombank cũng sẽ dành một gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2 - 2,5% so với hiện nay. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu được giảm tối đa với mức áp dụng chỉ 4,5 - 5%/năm. Mức này thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động hiện nay và là "tiến bộ" mới của Vietcombank khi trước đó, ngân hàng chỉ tính phương án hỗ trợ trên quy mô dư nợ.

Liên quan đến kế hoạch giảm lãi suất trên quy mô dư nợ, ông Thành cũng cho biết từ ngày 11/2 vừa qua, Vietcombank đã giảm lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dư nợ được ngân hàng này giảm lãi suất là 112.000 tỷ đồng, cao hơn quy mô dư nợ ban đầu, với mức giảm 1 - 1,5%/năm so với trước đó.

Theo tính toán, sự tham gia một cách quyết liệt như kế hoạch của Vietcombank, Vietinbank, và nếu bao gồm cả BIDV với gói vay lãi suất thấp hay Agribank với hỗ trợ trên quy mô dư nợ lớn, nếu đã, đang được áp dụng vào thực tế, thì tác động cụ thể tới các thành phần khách hàng sẽ khá lớn. Nói cách khác, nguồn lực hỗ trợ có thể được khơi thông, tuôn chảy nhanh hơn. Bởi nhóm big four này đang cung cấp tới khoảng 1/2 thị phần tín dụng cho nền kinh tế. 

Cũng trong ngày 31/3 vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ký Chỉ thị 02 yêu cầu toàn ngành ngân hàng tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tập trung triển khai quyết liệt, chủ động, hiệu quả các giải pháp phòng, chống và hỗ trợ khắc phục khó khăn do dịch bệnh trong tình hình mới theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo. "Các NHTM và TCTD cần chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, bao gồm chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới", Thống đốc NHNN chỉ đạo.

Agiribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank đều là những ngân hàng mà NHNN đang có tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối lớn. Trong trường hợp cổ đông lớn Nhà nước không yêu cầu chia cổ tức tiền mặt tại các ngân hàng này (nhất từ nguồn lợi nhuận rất cao ở Vietcombank năm 2019), các TCTD đi đầu sẽ có nhiều điều kiện hơn để vượt qua các ngưỡng cản cân đối vốn, đảm bảo CAR, tăng cường hỗ trợ lãi suất /dư nợ hiện hữu và cho vay ra với giá vốn thấp. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho định hướng hỗ trợ khắc phục khó khăn dịch bệnh từ phía ngành ngân hàng.

... đến nỗ lực của các ngân hàng khác

"Tự động giảm lãi vay mà không cần doanh nghiệp phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải" là ưu điểm của nỗ lực hỗ trợ mới trong các chương trình mà một số ngân hàng thương mại ngay sau chỉ đạo mới của NHNN, đã công bố triển khai. VIB công bố gói mở rộng hỗ trợ lãi suất, áp dụng ngay lập tức từ 1/4 cho các khoản vay hiện hữu, bên cạnh các gói dành cho các khoản vay mới. Tổng giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ cho biết: "Chúng tôi áp dụng giảm lãi đến 2% trong 6 tháng cho mọi khách hàng doanh nghiệp hiện hữu, ở tất cả các phân khúc, ở tất cả ngành nghề, cho mọi khoản vay trung- dài hạn bằng tiền đồng, không kể trái phiếu, với lãi suất hiện hữu từ 9,5%". 

Đại diện VIB cũng cho biết sẽ thông báo chính sách này đến khách hàng, tự động giảm lãi vay mà không cần doanh nghiệp phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải. Sau gói này, VIB sẽ nghiên cứu các gói hỗ trợ khác tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Ước tính ban đầu, có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ ngay lập tức được hưởng hỗ trợ, trong nỗ lực của VIB nhằm giúp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19.

Tương tự VIB, HDBank cũng áp dụng giảm sâu lãi suất cho vay cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong cả nước; hỗ trợ có hiệu lực từ 31/03/2020.

Đặc biệt, HDBank khẳng định sẽ tự động giảm lãi vay mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải. Cùng với đó còn triển khai miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng...

Theo Tổng giám đốc một đơn vị kinh doanh dịch vụ thiết yếu cho hay đây sẽ sự tiếp sức thiết thực, không có tính "gây khó", "đánh đố" đòi hỏi các thủ tục chứng minh việc thiệt hại do COVID-19 của doanh nghiệp. "Nói thẳng ra, hỗ trợ khách hàng theo cách thức thiết thực như ngân hàng triển khai lúc này, chính là để hai bên cùng sống, ngân hàng cũng có điều kiện để nuôi được nguồn thu, thúc đẩy lực hấp thu mới", ông này nói.

Dù vậy, ở một số lĩnh vực mà ngân hàng vẫn đang thận trọng với các khoản vay cũ và mới ngay từ năm 2019, điển hình như lĩnh vực cho vay mua nhà ở địa ốc, nhiều khách hàng cũng bày tỏ quan ngại về khả năng lãi suất cho vay vẫn còn bị neo cao. Mức lãi suất cho vay mua địa ốc theo ghi nhận ban đầu của DĐDN tại một số các ngân hàng thương mại có tỷ trọng dư nợ bất động sản cao ở 2019, đang tiếp tục neo từ 8,9% và cao hơn tùy hạn mức, kỳ hạn.

"Trong bối cảnh bất động sản đang khó khăn như hiện tại nhưng lại không phải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 nếu so với du lịch, hàng không, chế biến chế tạo..., nên ngành ngân hàng có thể vẫn sẽ giữ sự thận trọng nhất định trong hỗ trợ đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là khi các khoản vay bất động sản lớn hầu hết là vay trung và dài hạn. Thị trường khó thì nhu cầu vay mới cũng giảm. Yêu cầu hỗ trợ để giảm lãi suất ngay trên dư nợ hiện hữu cho các khoản vay địa ốc nhìn từ góc độ ngân hàng, cũng có những khó khăn nhất định. Đặc biệt khi chưa có chính sách nào "tiếp sức" cho chính các ngân hàng thương mại. Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh hạ lãi suất đầu vào tại quầy thấp, nhiều TCTD cũng đang tăng cường huy động online và cộng thêm lãi suất cao cho các kỳ hạn dài, thậm chí mức cộng thêm cho ra tổng lãi suất huy động còn cao vượt lãi suất trái phiếu mà nhiều đơn vị đã phát hành trước đây", một chuyên gia lưu ý.

Tin mới lên