Lệnh bắt hàng trăm lãnh đạo: 'Cơn địa chấn' ngành y tế 1.400 tỷ USD của Trung Quốc
Minh Ý -
16/09/2023 07:44 (GMT+7)
(VNF) - Kể từ khi chính quyền Bắc Kinh đẩy mạnh việc chống tham nhũng trong ngành y tế, lĩnh vực ước tính trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc đang trải qua rất nhiều cơn "địa chấn" mạnh mẽ. Đặc biệt, sau khi có thông tin hàng trăm lãnh đạo trong ngành đã bị bắt để điều tra, toàn ngành như đang "đi trên lớp băng mỏng".
Y tế - Một trong 3 gánh nặng lớn
Chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc ngưng áp dụng chính sách zero-Covid, một làn sóng "ngầm" đã dần hình thành và đang quét qua mọi mắt xích của hệ thống y tế tại nước này, và ngày càng trở nên gắt gao hơn từ tháng 7 vừa qua.
Được biết, toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước Trung Quốc được yêu cầu phải phối hợp với nhau để chống tham nhũng trong y tế, do ngành này bị xác định là một trong 3 “gánh nặng lớn” – bên cạnh nhà ở và giáo dục – đối với công chúng Trung Quốc. Khiếu nại của bệnh nhân về chi phí y tế quá cao, ngay cả đối với những bệnh nhẹ, đã tồn tại lâu và phổ biến.
Chi tiêu y tế ở Trung Quốc đã vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập, với dân số già đi nhanh chóng phải chi tiêu nhiều hơn để quản lý các bệnh mãn tính. Các bệnh viện được biết là bán các loại thuốc có thương hiệu với giá cao để bù đắp cho sự thiếu hụt tài chính công.
Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch, việc một số công ty dược hối lộ các ông chủ bệnh viện và quan chức để có thể bán được các sản phẩm đã trở thành một "bí mật" công khai. Các khoản hối lộ đôi khi rất khó điều tra vì chúng có thể được ngụy trang dưới hình thức tài trợ hoặc lời mời tham dự các hội nghị y tế.
Vào ngày 15/7, Bộ Tài chính Trung Quốc đã đưa ra một thông báo chung với Cục Quản lý Bảo hiểm Y tế Quốc gia yêu cầu kiểm tra tại chỗ các quỹ y tế địa phương và “điều tra kỹ lưỡng” mọi vi phạm. Khoảng một tuần sau, Ủy ban Y tế Quốc gia đã công bố “chiến dịch chấn chỉnh” kéo dài một năm cho ngành y tế trong một cuộc họp trực tuyến được tổ chức cùng với các bộ giáo dục và công an, cũng như Tổng cục Kiểm toán.
Ngày 28/7, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) của Đảng, tổ chức một cuộc họp trực tuyến kêu gọi các thanh tra và giám sát viên tăng gấp đôi nỗ lực điều tra.
Gần 300 tỷ NDT giá trị thị trường đã "bốc hơi" khỏi lĩnh vực y tế chỉ trong 6 ngày giao dịch sau cuộc họp của CCDI, theo Wind, một nhà cung cấp dữ liệu tài chính ở Trung Quốc.
"Càn quét" khắp ngành y tế
Chiến dịch trấn áp tham nhũng của chính quyền Bắc Kinh gần đây được cho là đã "càn quét" qua những bệnh viện hàng đầu ở các tỉnh lớn.
Theo nhiều nguồn tin, tại một bệnh viện lớn ở tỉnh Phúc Kiến vào tháng trước, một cuộc điều tra gắt gao đã được khởi động, trong đó các bác sĩ và nhân viên bệnh viện được yêu cầu kê khai toàn bộ các khoản thu nhập ngoài lương của họ, nguồn gốc tiền và sao kê tài khoản ngân hàng chuyên dụng.
Các nhà quản lý cũng lặp lại các chỉ thị trong tin nhắn WeChat, bảng tin nội bộ và các cuộc họp nhóm mà không nói rõ điều gì sẽ xảy ra với những người thú nhận tham nhũng.
Đây cũng là tình cảnh đã diễn ra khắp Trung Quốc trong những tuần gần đây, khiến cả ngành chăm sóc sức khoẻ trị giá 1.400 tỷ USD của nước này "rung chuyển". Toàn ngành như đang đi trên lớp băng mỏng, khi các bác sĩ trở nên thận trọng hơn trong việc tiến hành một số phương pháp điều trị nhất định vì sợ vi phạm các quy định chống tham nhũng, trong khi các đơn đặt hàng cho các mặt hàng y tế có giá trị lớn đang bị trì hoãn và các hội nghị trong ngành đã bị hủy bỏ.
Giá cổ phiếu của các công ty chăm sóc sức khỏe niêm yết đang sụt giảm và một số công ty đã hủy bỏ kế hoạch IPO, khiến các nhà đầu tư quốc tế lo ngại về lĩnh vực từng là điểm sáng đối với nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc.
Trước đó, hơn 180 quan chức bệnh viện trong nước đã bị điều tra trong năm nay vì những cáo buộc vi phạm như nhận hối lộ. Hầu hết những người bị bắt trong cuộc đàn áp cho đến nay đều đến từ các bệnh viện và cơ quan chính phủ ở các thành phố nhỏ hơn nằm rải rác trên khắp Quảng Đông, Tứ Xuyên và Vân Nam, cho thấy cuộc thanh lọc vẫn chưa đạt tới giai đoạn cao trào.
Một giám đốc bệnh viện ở tỉnh Tây Nam Tứ Xuyên đã bị kết án hơn 11 năm tù vì nhận 20 triệu NDT tiền “phí cảm ơn” và cổ phần từ các nhà cung cấp từ năm 2008 đến năm 2021, theo thông cáo hồi tháng trước từ ủy ban kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tại một bệnh viện khác ở tỉnh Vân Nam, cơ quan chống tham nhũng đã buộc tội một cựu lãnh đạo mua máy gia tốc tuyến tính với giá 35,2 triệu NDT, trong khi giá nhập khẩu là 15 triệu NDT. Các nhà điều tra sau đó cho biết 7 nhân viên bệnh viện đã nhận hối lộ và 13 nhà cung cấp đã đưa hối lộ.
Truyền thông địa phương Trung Quốc tuần này dẫn lời một quan chức cấp cao của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đưa tin, chiến dịch chống tham nhũng sẽ nhằm vào “nhóm thiểu số quan trọng” các ông chủ bệnh viện lạm dụng quyền lực của họ, trong khi các nhân viên y tế với thu nhập hợp pháp sẽ không bị ảnh hưởng.
Quá trình thanh lọc của ngành y tế Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài ít nhất 12 tháng – theo truyền thông nhà nước – và sẽ lan tới các cơ sở y tế hàng đầu của đất nước, tập trung ở các siêu đô thị như Bắc Kinh và Thượng Hải, trong thời gian không xa.
Nỗi lo sợ lan rộng bên ngoài bệnh viện
Tom Polen, giám đốc điều hành của công ty Becton Dickinson & Co., cho biết tại một hội nghị ở Boston tuần trước: “Chúng tôi nghe nói rằng các bác sĩ bắt đầu làm việc ngoài giờ ít hơn. Cuộc trấn áp tham nhũng nhằm vào các bác sĩ và giám đốc điều hành bệnh viện, vì vậy họ thận trọng hơn”.
Helen Chen, đồng giám đốc toàn cầu về chăm sóc sức khỏe và là đối tác quản lý lớn hơn tại Trung Quốc của LEK Consulting có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết một số khách hàng của công ty cho biết “80% bệnh viện không cho phép đại diện bán hàng đến làm việc nữa”.
Bà Chen nói: “Chúng tôi đã nghe nói về việc các công ty hủy bỏ các sự kiện tiếp thị của họ cho đến khi có thông báo mới".
Chiến dịch chống tham nhũng cũng đang làm đảo lộn các kế hoạch của công ty và gây áp lực lên hiệu quả hoạt động của các công ty chăm sóc sức khỏe Trung Quốc.
Theo đó, các nhà sản xuất thuốc Shaan Xi Hanwang Pharmaceutical và Fujian Mindong Lijiexun Pharmaceutical đã rút đơn đăng ký IPO sau khi chính quyền nêu nghi ngờ về chi phí bán hàng và tiếp thị của họ, theo tờ Caijing.
Cổ phiếu của nhà cung cấp phần mềm y tế Winning Health Technology Group và nhà sản xuất huyết thanh và thuốc giải độc Shanghai Serum Bio-Technology cũng đã lao dốc sau khi chủ tịch của họ bị cách chức hồi tháng 7.
4 quan chức của Shanghai Pharmaceuticals Holding cũng đang bị điều tra vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Chỉ số Chăm sóc sức khỏe Trung Quốc của MSCI đã giảm khoảng 20% kể từ đầu năm, trong khi Chỉ số MSCI Trung Quốc giảm chưa đến 8%. Khoảng cách này ngày càng gia tăng kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng được đẩy mạnh.
Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York, cho biết: “Chính phủ phải xử lý tốt vấn đề này. Việc trấn áp tham nhũng y tế này có thể gửi tín hiệu đến các nhà đầu tư tiềm năng hoặc doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc rằng họ không còn được chào đón hoặc việc tham gia vào thị trường Trung Quốc không còn sinh lợi nữa”.
Trị được ngọn, không trị được gốc?
Một số nhà phân tích lo ngại rằng việc trừng phạt sẽ làm đảo lộn lĩnh vực này mà không giải quyết được nguyên nhân cốt lõi của tham nhũng: các bác sĩ ở Trung Quốc được trả lương thấp có thu nhập chỉ bằng một phần rất nhỏ so với những gì các đồng nghiệp kiếm được ở các quốc gia phát triển hơn.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc cho đến gần đây đã phát triển với tốc độ chóng mặt để đáp ứng dân số già của đất nước và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, các nhân viên y tế, bao gồm 4,4 triệu bác sĩ và 5,2 triệu y tá trên toàn quốc, vẫn chưa đạt được mức tăng tương ứng.
Một nghiên cứu của chính phủ cho thấy lương bác sĩ tại các bệnh viện công của Trung Quốc trung bình là 13.764 USD/năm trong năm 2015 và không tăng đáng kể kể từ đó. Theo một cuộc khảo sát khác từ nền tảng công nghiệp Yixuejie vào tháng 9 năm ngoái, cho thấy thu nhập của bác sĩ chỉ ở mức dưới 15.000 USD.
Trong khi đó, ở Mỹ, các bác sĩ kiếm được trung bình 352.000 USD/năm.
Sự chênh lệch này dường như đã làm rõ lý do tham nhũng xuất hiện và bành trướng trong ngành chăm sóc sức khoẻ của Trung Quốc.
Đứng đầu trong số những hoạt động tham nhũng là việc các công ty trả lại tiền cho bác sĩ vì kê đơn thuốc hoặc sử dụng thiết bị y tế của họ, ngay cả khi chúng không phải là lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân.
Đôi khi, tham nhũng chính là khoản thù lao béo bở cho các bác sĩ được mời phát biểu tại các hội nghị, hội thảo hoặc các buổi tư vấn đặc biệt do các công ty tài trợ. Các công ty chăm sóc sức khỏe cũng cung cấp bữa ăn, quà tặng hoặc chi trả cho những chuyến đi đắt tiền cho các bác sĩ dưới danh nghĩa trao đổi học thuật.
Một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện hàng đầu ở tỉnh Chiết Giang cho biết một nguồn thu nhập được gọi là "thu nhập xám" đến từ việc kê đơn tiêm dung dịch muối pha y học cổ truyền Trung Quốc cho bệnh nhân. Điều đó có thể tăng mức lương hàng tháng 8.000 NDT (1.100 USD) của họ lên tới 50%. Càng ở vị trí cao trong ngành, cơ hội kiếm "thu nhập xám" càng tăng.
Mặc dù trên thực chất, việc trấn áp tham nhũng diễn ra ở nhóm những nhân viên y tế, cán bộ y tế có quyền lực và cơ hội kiếm "thu nhập xám", nhưng việc này lại đang khiến toàn bộ nhân viên y tế trong nước "vạ lây". Ví dụ, tại một trong những bệnh viện mắt hàng đầu của Trung Quốc ở Bắc Kinh, tiền lương dựa trên hiệu quả công việc và phụ cấp làm ca muộn đã giảm một nửa vào tháng trước.
Sun Ju, giáo sư về các vấn đề công tại Đại học Vũ Hán, nói với truyền thông địa phương vào tháng 8 rằng, một cách để quản lý tốt hơn những hậu quả ngoài ý muốn của cuộc trấn áp là cải cách lương bác sĩ tại các bệnh viện công. Nhiệm vụ của chính quyền là đưa ra những công cụ giám sát hiệu quả để phát hiện hành vi sai trái và siết chặt quy trình mua sắm thuốc và thiết bị.
Bà nói: “Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng y tế rất phức tạp nhưng nguyên nhân cơ bản là do hệ thống y tế có vấn đề".
(VNF) - Trước những tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường trên thế giới về phát triển bền vững, khiến các DN Việt Nam phải quan tâm tìm hiểu và tiến tới thực thành ESG. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này còn nhiều rào cản và dường như DN đang chưa biết phải “xuất phát” ra sao
(VNF) - Ông Vũ Thế Phiệt được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thay thế cho ông Lại Xuân Thanh - người vừa nghỉ hưu từ 1/9.
(VNF) - Cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 1/2023. Hiện các nhà thầu đang khẩn trương thi công, phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp 30/4/2025, vượt tiến độ 8 tháng.
(VNF) - Nhìn lại cả hành trình của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, có thể thấy sau thời gian chạy đà gom gió cho “con diều chứng khoán Việt” bay lên, đến nay thị trường đã “tự bay” được, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm dần.
(VNF) - Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Honda Việt Nam, Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Honda Việt Nam ghi nhận hơn 30.399,7 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
(VNF) - HPG đã cắt đứt chuỗi giảm điểm liên tiếp trong 7 phiên, đồng thời duy trì vị trí của mình trong top 10 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất thị trường.
(VNF) - CEO "gã khổng lồ" ngành chip Nvidia, ông Jensen Huang, mới đây đã bày tỏ quan điểm về việc đào tạo nhân viên. Theo đó, vị tỷ phú này lựa chọn đẩy những nhân viên của mình tới giới hạn cuối cùng để thấy họ bứt phá, thay vì lựa chọn sa thải.