Tài chính quốc tế

Trung Quốc đẩy mạnh điều tra tham nhũng y tế, hàng trăm chủ bệnh viện 'sa lưới'

(VNF) - Các nhà điều tra chống tham nhũng của Trung Quốc đã tiến hành bắt giữ hơn 160 chủ bệnh viện trong năm nay, khi Bắc Kinh nhắm vào lĩnh vực y tế béo bở đã nhận được khoản tài trợ công trị giá hàng tỷ USD trong suốt thời kỳ chống dịch Covid-19.

Trung Quốc đẩy mạnh điều tra tham nhũng y tế, hàng trăm chủ bệnh viện 'sa lưới'

Ảnh minh hoạ.

Hàng trăm chủ bệnh viện "sa lưới"

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hơn 150 giám đốc và thư ký bệnh viện đã bị bắt trong chiến dịch xử lý tham nhũng trong lĩnh vực y tế, được chính quyền Bắc Kinh khởi động từ đầu năm nay. Tuy nhiên, số liệu của SCMP cho thấy tổng số đối tượng trong lĩnh vực y tế bị bắt đã lên tới 168 người trong tuần này.

Tháng trước, cũng có báo cáo rằng ít nhất 2 giám đốc điều hành cấp cao của công ty dược phẩm, bao gồm Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Y tế Chiến thắng Zhou Wei và Fan Zhihe - Chủ tịch Công nghệ Sinh học Huyết thanh Thượng Hải – đang bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng.

Theo nhiều nguồn tin, số lượng đối tượng bị điều tra sẽ còn tăng lên, bao gồm nhiều người đứng đầu bệnh viện và thậm chí cả quan chức y tế, khi chính quyền Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh điều tra tham nhũng trong lĩnh vực đã nhận được hơn 110 tỷ NDT (15,2 tỷ USD) kể từ năm 2020, theo dữ liệu do Uỷ ban Y tế Trung Quốc công bố hồi tháng 3.
 
Một nguồn tin bí mật cho biết chiến dịch loại bỏ tham nhũng có hệ thống trong lĩnh vực y tế sẽ tiếp tục đến năm 2024.

“Chiến dịch sẽ tiếp tục trong 10 tháng nữa và các điều tra viên sẽ báo cáo lãnh đạo vào tháng 6 tới. Các quy tắc và quy định mới sẽ được đưa ra dựa trên kết quả điều tra, vì vậy, nhiều người đứng đầu ủy ban y tế, bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ y tế sẽ "xuất đầu lộ diện" trong những tháng tới".

Chiến dịch "thanh lọc" ngành y tế sau đại dịch

Chiến dịch chống tham nhũng theo lĩnh vực cụ thể được khởi động chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc kết thúc chiến lược zero-Covid, và ngày càng trở nên gắt gao hơn từ tháng 7 vừa qua.

Vào ngày 15/7, Bộ Tài chính Trung Quốc đã đưa ra một thông báo chung với Cục Quản lý Bảo hiểm Y tế Quốc gia yêu cầu kiểm tra tại chỗ các quỹ y tế địa phương và “điều tra kỹ lưỡng” mọi vi phạm. Khoảng một tuần sau, Ủy ban Y tế Quốc gia đã công bố “chiến dịch chấn chỉnh” kéo dài một năm cho ngành y tế trong một cuộc họp trực tuyến được tổ chức cùng với các bộ giáo dục và công an, cũng như Tổng cục Kiểm toán.

Ngày 28/7, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) của Đảng, tổ chức một cuộc họp trực tuyến kêu gọi các thanh tra và giám sát viên tăng gấp đôi nỗ lực điều tra.
 
Gần 300 tỷ NDT giá trị thị trường đã "bốc hơi" khỏi lĩnh vực y tế chỉ trong 6 ngày giao dịch sau cuộc họp của CCDI, theo Wind, một nhà cung cấp dữ liệu tài chính ở Trung Quốc.

Tính cấp bách của chiến dịch chống tham nhũng đã được phản ánh trong một thông báo do Ủy ban Y tế Quảng Đông đưa ra vào tháng trước, trong đó yêu cầu các bệnh viện và cơ quan y tế lớn ở tỉnh phía nam 2 ngày để xem xét báo cáo kiểm toán tài chính của họ. Một quan chức y tế Quảng Đông cho biết chính quyền đã hứa sẽ khoan hồng cho các ông chủ bệnh viện và các quan chức ra đầu thú trước tháng 8.

Được biết, toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước Trung Quốc được yêu cầu phải phối hợp với nhau để chống tham nhũng trong y tế, do ngành này bị xác định là một trong ba “gánh nặng lớn” – bên cạnh nhà ở và giáo dục – đối với công chúng Trung Quốc. Khiếu nại của bệnh nhân về chi phí y tế quá cao, ngay cả đối với những bệnh nhẹ, đã tồn tại lâu và phổ biến.

Chi tiêu y tế ở Trung Quốc đã vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập, với dân số già đi nhanh chóng phải chi tiêu nhiều hơn để quản lý các bệnh mãn tính. Các bệnh viện được biết là bán các loại thuốc có thương hiệu với giá cao để bù đắp cho sự thiếu hụt tài chính công.

Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch, việc một số công ty dược hối lộ các ông chủ bệnh viện và quan chức để có thể bán được các sản phẩm đã trở thành một "bí mật" công khai. Các khoản hối lộ đôi khi rất khó điều tra vì chúng có thể được ngụy trang dưới hình thức tài trợ hoặc lời mời tham dự các hội nghị y tế.
 
Theo ông Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập tờ báo chính thức Study Times của Trường Đảng Trung ương, Chủ tịch Tập Cận Bình đã để mắt đến lĩnh vực y tế vì đây là nguồn cơn gây bất bình chính của công chúng.

Ông Xie Maosong, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của Đại học Thanh Hoa, nhận định: “Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng và mãn tính, đồng thời mức tiêu thụ yếu vì mọi người lo lắng về các khoản thế chấp, giáo dục của con cái và các hóa đơn y tế của họ. Vì vậy, Bắc Kinh đang cố gắng giải quyết từng vấn đề một, hy vọng rằng giải pháp của họ sẽ giúp xoa dịu tâm trí người dân để họ sẵn sàng chi tiêu hơn”.

Xem thêm >> Sợ bị điều tra tham nhũng, giới tài chính Trung Quốc bắt đầu từ bỏ lối sống xa hoa

Tin mới lên