Tài chính quốc tế

Sợ bị điều tra tham nhũng, giới tài chính Trung Quốc bắt đầu từ bỏ lối sống xa hoa

(VNF) - Từ việc cắt giảm lương, thưởng và yêu cầu nhân viên không mặc quần áo đắt tiền, đến việc kiềm chế chi phí đi lại và giải trí, các công ty tài chính Trung Quốc đã nhảy vào một cuộc "thắt lưng buộc bụng" khi Bắc Kinh cố trấn áp nạn tham nhũng trong lĩnh vực tài chính.

Sợ bị điều tra tham nhũng, giới tài chính Trung Quốc bắt đầu từ bỏ lối sống xa hoa

Ảnh minh hoạ.

Vì đâu nên nỗi?

Đầu năm nay, cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ loại bỏ những ý tưởng về một "tinh hoa tài chính" kiểu phương Tây và chấn chỉnh chủ nghĩa hưởng thụ trong lĩnh vực tài chính trị giá 57.000 tỷ USD của đất nước. Điều đó đã thúc đẩy một loạt các công ty tài chính, cả thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân, thực hiện các biện pháp chủ động để đảm bảo không "phạm lỗi" với chính quyền.

Sở dĩ, giới tài chính "lọt" vào tầm ngắm của chính quyền là do các chuyên gia tài chính nằm trong số những người lao động được trả lương cao nhất ở Trung Quốc. Sự giàu có cũng như lối sống hào nhoáng của họ, vốn hay bị công chúng chỉ trích trên mạng xã hội, càng trở nên "gai mắt" hơn khi nền kinh tế quốc gia đang cho thấy dấu hiệu trì trệ, cộng với khoảng cách giàu nghèo đã ngày càng nới rộng sau đại dịch Covid-19.

Hồi tháng 2, giới tài chính đã bất ngờ xôn xao khi chủ ngân hàng nổi tiếng Bao Fan, chủ tịch và giám đốc điều hành công ty China Renaissance Holdings, bất ngờ biến mất và sau đó được cho là đang hỗ trợ quá trình điều tra tham nhũng. Đây được coi là dấu hiệu mở đầu cho việc chấn chính giới tài chính của Bắc Kinh.

Tránh phô bày xa hoa

Do đó, hàng loạt công ty tài chính Trung Quốc đã nhanh chóng cảnh báo nhân viên về việc không thể hiện lối sống xa hoa, ví dụ như yêu cầu không mặc đồ hiệu, đeo trang sức đắt tiền, lái siêu xe đi làm,... để tránh việc bị lôi vào các cuộc điều tra tham nhũng.

Ví dụ, nhân viên tại một quỹ tương hỗ lớn của nhà nước Trung Quốc và một ngân hàng cỡ trung bình đã được cơ quan đề nghị không thể hiện lối sống cao cấp, hạn chế đăng ảnh các bữa ăn, quần áo hoặc túi xách đắt tiền lên mạng xã hội để tránh thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý hoặc sự chỉ trích của công chúng.

Một nhân viên của ngân hàng cỡ trung bình đã được yêu cầu không mặc đồ hiệu sang trọng hoặc mang theo túi xách sang trọng tại nơi làm việc, đồng thời cho biết thêm nhân viên cũng được thông báo rằng họ không được ở khách sạn 5 sao khi đi công tác.

Các giám đốc điều hành cấp cao tại một công ty bảo hiểm nhà nước cũng được yêu cầu không mặc quần áo đắt tiền khi đi làm.

Cắt giảm lương, thưởng

Theo nguồn tin của Reuters, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) có kế hoạch cắt giảm một số khoản phụ cấp của nhân viên tại trụ sở chính từ năm nay. Các khoản trợ cấp bị ảnh hưởng bao gồm các khoản trợ cấp một lần vào mùa hè khoảng 1.500 - 2.000 NDT/tháng, sẽ bị bãi bỏ từ tháng 6 này.

Ngoài ra, CITIC Securities đang cắt giảm lương trong bộ phận ngân hàng đầu tư của mình, giảm tới 15% mức lương cơ bản, dường như có ý "xoa dịu" dư luận khi Bắc Kinh nỗ lực thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội. China International Capital Corp (CICC) vào tháng trước đã cắt giảm 30 - 50% tiền thưởng năm nay cho các chủ ngân hàng đầu tư so với một năm trước đó, theo Reuters.

Bên cạnh cuộc đàn áp chống tham nhũng và thúc đẩy "sự thịnh vượng chung", các công ty tài chính cũng đang kiểm soát lối sống hào nhoáng của nhân viên để đảm bảo họ không vi phạm tư tưởng của đảng, các quan chức trong ngành cho biết.

Để củng cố vai trò tư tưởng và chính trị của đảng trong hệ thống tài chính tổng thể của Trung Quốc, Bắc Kinh đang thành lập một cơ quan giám sát tài chính mới khi tái cơ cấu các cơ quan chính phủ trong nhiệm kỳ thứ 3 của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc và ngân hàng trung ương đã cắt giảm phân bổ ngân sách trả lương cho nhân viên vào năm 2023 như một phần trong nỗ lực nhằm giảm chênh lệch thu nhập, Reuters đưa tin vào tháng trước.

Các nhà phân tích cho biết nhân viên tại ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý chứng khoán đã phải đối mặt với khả năng bị cắt giảm lương do các cơ quan quản lý tài chính kêu gọi trả lương cho nhân viên của họ ngang bằng với công chức.

“Vào thời điểm đà tăng trưởng kinh tế chậm lại và tổng ngân sách của chính phủ không tăng nhanh như trước, làm thế nào để phân phối các nguồn lực và lợi ích trong chế độ là ưu tiên chính trị hàng đầu của Đảng và là động lực quan trọng nhất đằng sau việc "thắt lưng buộc bụng" hiện tại", Xin Sun, người dạy về kinh doanh Trung Quốc và Đông Á tại King's College London, cho biết.

“Sự bất bình đẳng ở Trung Quốc đã đạt đến mức cao trong một thời gian dài”, ông Sun nói, đồng thời cho biết thêm những gì chính quyền đang thực hiện, các bước cắt giảm lợi ích của “giới tinh hoa tài chính” là nhằm dập tắt sự bất bình đẳng trong chế độ để ổn định chính trị.

Từ cuối năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một cuộc điều tra chống tham nhũng rộng rãi nhắm vào lĩnh vực tài chính trị giá gần 60.000 tỷ USD của quốc gia. Cuộc điều tra đã hạ bệ hàng chục quan chức, đồng thời cũng khuấy động cộng đồng ngân hàng đầu tư trong nước, hạ bệ nhiều chủ ngân hàng, từ các công ty môi giới bao gồm Công ty chứng khoán Everbright và Công ty chứng khoán Guotai Junan.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã nới lỏng lập trường đối với khu vực tư nhân trong những tháng gần đây, tuyên dương Ant Group, cánh tay tài chính của Alibaba từng bị hoãn IPO, vì đã tuân theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và cho phép dịch vụ gọi xe công nghệ Didi được đưa app trở lại cửa hàng ứng dụng. Chính quyền Bắc Kinh cũng đã ban hành các biện pháp sâu rộng để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất dường như lại khiến lĩnh vực ngân hàng - tài chính tiếp tục chìm trong viễn cảnh không mấy tươi sáng.

Xem thêm >> 'Kỳ lân' cà phê 645 triệu USD của Trung Quốc và vụ lừa đảo chấn động chứng khoán Mỹ

Tin mới lên