Tài chính

Lo chính sách thuế mới của Mỹ, Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận 2018 đi ngang

(VNF) – HĐQT Hòa Phát vừa thông qua kế hoạch lợi nhuận năm 2018 đạt 8.050 tỷ đồng, tương đương năm 2017. Quyết định thận trọng này của Hòa Phát được cho là có liên quan đến chính sách thuế mới của Mỹ.

Lo chính sách thuế mới của Mỹ, Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận 2018 đi ngang

Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận đi ngang trong năm 2018

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố Nghị quyết số 02/NQHP – 2018 của Hội đồng Quản trị (HĐQT), theo đó quyết định thông qua kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn năm 2018 là 55.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17% so năm 2017.

Đáng chú ý, Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 8.050 tỷ đồng trong năm 2018, chỉ tương đương năm 2017 (8.015 tỷ đồng).

Quyết định cũng thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2017, theo đó tỷ lệ chi trả là 40% bằng cổ phiếu; thời gian thực hiện là quý II hoặc quý III năm 2018. Đồng thời thông qua tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2018 là 30%.

Cùng với Nghị quyết 02, HĐQT Hòa Phát cũng ban hành Nghị quyết 03 quyết định thông qua phương án bán 206.327 cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung vốn hoạt động. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Khoảng giá bán là từ 20.000 đồng đến 70.000 đồng.

Hôm qua (5/3), cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã giảm sàn 6,94%, xuống còn 61.700 đồng/cổ phiếu. Tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch Trần Đình Long theo đó đã "bay hơi" 1.800 tỷ chỉ trong một ngày.

Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của cổ phiếu HPG trong hơn 3 năm qua. Nguyên nhân được cho là do lo ngại về chính sách thuế mới của Mỹ đối với thép, nhôm nhập khẩu vào nước này. Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu

Với quyết định trên, ngành thép Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 12 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ngành thép Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không quá lớn nếu Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu mới.

"Lý do là Mỹ hiện chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 11% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng sắt thép của Việt Nam. Trên thực tế, nếu như xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng do quyết định mới của Tổng thống Trump, ngành thép Việt Nam có thể sẽ quay về dồn sức cạnh tranh trên thị trường chính hiện nay là khối ASEAN (hiện chiếm 59,3%)", BVSC nhận định.

Thêm vào đó, mặc dù chắc chắn sẽ gặp khó khăn sau quyết định áp thuế của Mỹ nhưng điểm tích cực đối với ngành thép của Việt Nam là từ năm nay trở đi, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam sẽ đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa) do có nhiều dự án mới đi vào hoạt động.

Cụ thể, Fomosa đã đưa lò cao số 1 hoạt động từ tháng 7/2017. Dự kiến đến năm 2018, lò cao số 2 tiếp tục được vận hành, cung cấp sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép thanh, thép dây cho thị trường với tổng công suất khoảng 7 triệu tấn/năm.

Tập đoàn Hòa Phát cũng đang đầu tư xây dựng lò cao tại Quảng Ngãi, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019 với công suất 2 triệu tấn thép thanh và thép dây/năm trong giai đoạn 1; giai đoạn 2 sẽ đóng góp 3 triệu tôn cuộn cán nóng...

Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2018, tăng trưởng sản xuất thép cuộn cán nóng và thép lá cuộn cán nguội sẽ đạt lần lượt 154% và 5%; tăng trưởng tôn mạ và sơn phủ màu đạt 12%.

BVSC cho rằng điều này sẽ giúp Việt Nam chứng minh được nguyên liệu sản xuất không có xuất xứ từ Trung Quốc, qua đó tránh được "tiếng xấu" là xuất khẩu thay cho Trung Quốc và từ đó có thêm cơ sở để đàm phán về các biện pháp bảo hộ thương mại với Mỹ.

Tính đến 10h03 sáng nay (6/3), cổ phiếu HPG ghi nhận mức giảm nhẹ 0,65%.

Tin mới lên